Ngân sách không đủ nguồn lực để tái thiết. Việc tìm kiếm nguồn lực từ tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng đang được Quảng Nam tính toán.
Kiến nghị Thủ tướng
Quảng Nam có đủ tiềm năng cảng biển, sân bay, khu kinh tế biển, cửa khẩu, tuy nhiên hạ tầng cần được hoàn chỉnh để các nhà đầu tư quyết định đầu tư, mở rộng dự án. Đây luôn là mối quan tâm số 1 của các nhà đầu tư tại các cuộc gặp gỡ, diễn đàn hay hội thảo. Song, ngân sách gặp khó nên không thể hiện thực ước muốn của nhà đầu tư.
Tại cuộc gặp mới đây, Quảng Nam đã đệ trình Chính phủ xem xét bổ sung danh mục dự án đầu tư công thuộc kế hoạch trung hạn (giai đoạn 2021 - 2025) cho quốc lộ 14G, đầu tư, nâng cấp, mở rộng các quốc lộ 14E, 14D, 40B nối cửa khẩu Bờ Y, cửa khẩu Nam Giang với hệ thống cảng Đà Nẵng và cảng Chu Lai.
Kiến nghị Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn ngân sách trung ương cho một số dự án trọng điểm như hoàn thiện đường ven biển (1.100 tỷ đồng), đường chiến lược phát triển sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh (911 tỷ đồng), đường trục chính Tam Hòa (650 tỷ đồng), đường trục chính từ cảng Kỳ Hà - sân bay Chu Lai đi cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (590 tỷ đồng), đường nối Khu công nghiệp Việt Hàn đi đường ven biển 129 (370 tỷ đồng).
Quảng Nam còn đề xuất cho phép tư nhân được đầu tư xây dựng, quản lý vận hành sân bay Chu Lai tương tự như mô hình của sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) do Sungroup đầu tư như hiện nay, cho phép quy hoạch và kêu gọi tư nhân đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành luồng tàu 50.000 tấn tại Chu Lai để phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, tiếp nhận tàu du lịch đường biển.
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh cho hay định hướng địa phương 5 năm tới phụ thuộc vào các quy hoạch chi tiết cho các khu chức năng trong Khu kinh tế mở Chu Lai, khu kinh tế cửa khẩu. Hoàn thành quy hoạch hệ thống cảng biển, cảng hàng không, điều chỉnh cảng Chu Lai vào nhóm cảng loại I, tiếp nhận tàu 50.000 tấn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã có 4/5 cảng loại I, còn cảng Chu Lai chỉ loại III nên cần mở rộng để phát triển logistic. Nếu chỉ dừng ở việc tiếp nhận tàu 20.000 tấn thì mãi chỉ ở mức độ trung bình, không đủ lực để phát triển. Còn sân bay Chu Lai chỉ đón khách mỗi năm ít ỏi thì quá lãng phí.
“Phát triển tối đa tiềm năng như là một trung tâm công nghiệp hàng không của Việt Nam mới có thể phát huy hết hiệu quả cạnh tranh với các sân bay khác trong vùng. Khu kinh tế cửa khẩu chưa nằm trong quy hoạch kinh tế cửa khẩu và nâng cấp đầu tư các tuyến quốc lộ nối cảng biển, sân bay là những công trình được ưu tiên đầu tư trong 5 năm tới” – ông Lê Trí Thanh nói.
Xã hội hóa đầu tư
Theo ông Đặng Phong - Giám đốc Sở KH&ĐT, tất cả kiến nghị đều là những trọng tâm, then chốt cho sự phát triển của địa phương, cân nhắc tới nguồn lực Chính phủ. Nhưng hiện tại, trung ương cũng đang gặp khó khăn. Những kiến nghị của Quảng Nam đều là những vấn đề khó. Một khi đã khó thì không thể đòi hỏi các bộ, ngành giải quyết ngay cho địa phương được. Ông Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nói không nên xin tiền vì tiền chắc chắn không thể có, chỉ nên xin cơ chế đầu tư.
Điểm lạc quan nhất là cơ chế thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân như Quảng Nam đề nghị đang chờ cái gật đầu của Chính phủ. Kể từ khi chính thức mở cửa một phần thành sân bay dân sự năm 2005, khá nhiều thông tin về các dự án nghiên cứu xây dựng cảng hàng không quốc tế, nghiên cứu khả thi về việc hình thành sân bay trung chuyển hàng hóa quốc tế.
Thiên Tân Group - Quảng Ngãi và Tập đoàn JK & D International, Ltd (Hoa Kỳ), liên danh Tư vấn Tedi (Việt Nam) và OCG (Nhật Bản), Vietjet Air… đã đề xuất tìm nguồn đầu tư, nâng cấp mở rộng sân bay Chu Lai. Tất cả những đề xuất, dự án hay ý tưởng đó chưa thể thành hiện thực khi không được chấp thuận, cho dù sân bay Chu Lai đã được quy hoạch sân bay cấp 4F vào năm 2030 với 5 triệu lượt hành khách, 1,5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, sẽ đón được Airbus A380 hay Boeing 747-8 khi nâng cấp, mở rộng.
Một bến cảng nước sâu chiều dài 350m có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 tấn với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng đã chính thức được khởi công xây dựng hồi tháng 3.2019 với định hướng cảng container lớn nhất miền Trung, trở thành một cảng quốc tế xuất khẩu trực tiếp.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco nói từ trước đến nay khi nhập linh kiện về, doanh nghiệp phải xuất hơn 90% container về TP.Hồ Chí Minh hay ra Hải Phòng. Hàng xuất khẩu từ miền Trung cũng phải đưa về các địa chỉ trên, sau đó mới xuất đi các nước, dẫn đến giá thành vận chuyển tăng gấp rưỡi so với hai đầu đất nước. Hiện lượng hàng xuất khẩu rất lớn (linh kiện xe, hàng may mặc, đồ gỗ và nông sản của Hoàng Anh - Gia Lai) sẽ đạt con số hơn 2.000 container/tháng vào cuối năm nay. Giá thành vận chuyển tại Chu Lai sẽ bằng TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng.
Cạnh đó, có 2 dự án lớn đã có chủ trương đầu tư từ năm 2018 nhưng cho đến nay vẫn chưa triển khai được, như dự án nạo vét, mở rộng cửa đón được tàu 50.000 tấn (5.000 tỷ đồng) và quốc lộ 14E nối từ cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi lên đường Hồ Chí Minh (1.700 tỷ đồng). Nếu được chấp thuận, Thaco sẽ ứng vốn để thực hiện, xin cơ chế tạo nguồn hoàn vốn, cam kết thực hiện nhanh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đón đầu sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy phát triển kinh tế miền Trung.