Chỗ dựa của người khuyết tật

DIỄM LỆ (thực hiện) 09/09/2016 09:10

Trong 5 năm qua kể từ khi thành lập, Hội Người khuyết tật (NKT) tỉnh đã trở thành chỗ dựa vật chất lẫn tinh thần, giúp NKT vượt lên hoàn cảnh. Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hứa Quốc Dũng - Chủ tịch Hội NKT tỉnh xung quanh vấn đề này.

PV: Ông có thể đánh giá vai trò kết nối NKT của hội sau 5 năm thành lập?

Ông Hứa Quốc Dũng: Theo số liệu từ Sở LĐ-TB&XH, đến giữa năm 2015 cả tỉnh có hơn 62 nghìn NKT được cấp giấy xác nhận, chứng nhận. Trong đó thương binh và người hưởng chính sách như thương binh hơn 15 nghìn người, hơn 37 nghìn người thuộc diện khuyết tật nặng và đặc biệt nặng và hơn 53 nghìn người được hưởng bảo hiểm y tế. Từ nhu cầu thực tế của NKT, cần có tổ chức đại diện để tham gia tiếng nói chung tại cộng đồng. Hội NKT tỉnh được UBND tỉnh cho phép thành lập theo Quyết định số 3992 ngày 2.12.2010; đến tháng 7.2011 mới tổ chức Đại hội lần thứ I, được UBND tỉnh phê duyệt Điều lệ Hội. Sau đó hội dần ổn định tổ chức và hoạt động đến nay. Đến 30.6.2016, toàn tỉnh có 50 tổ chức hội gồm 1 tỉnh hội, 9 hội ở huyện, thị xã, thành phố, 40 tổ chức hội cấp xã, 105 chi hội thuộc các thôn, khu phố, với tổng số hội viên là 4.616 người.

Người khuyết tật trong tỉnh đã được gắn kết hơn nhờ có tổ chức hội của mình. Ảnh: D.L
Người khuyết tật trong tỉnh đã được gắn kết hơn nhờ có tổ chức hội của mình. Ảnh: D.L

PV:Tổ chức hội phát triển trong thời gian qua đã thành chỗ dựa cho NKT trong thực tế ra sao?

Ông Hứa Quốc Dũng: Với sự giúp đỡ của Liên hiệp hội về NKT Việt Nam, từ sự lãnh đạo chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự giúp sức của các sở ngành, địa phương, có thể nói nhận thức của xã hội đối với NKT đã thay đổi sâu sắc trong cộng đồng. Vì thế, các chính sách đối với NKT đã được tạo điều kiện thực hiện tốt hơn, đến được với NKT rộng rãi hơn, tạo ra những chuyển biến tích cực trong cuộc sống. Các rào cản xã hội đối với sự hòa nhập, phát triển của NKT đã dần được xóa bỏ, quyền của NKT được thể hiện thông qua nhiều hoạt động thiết thực mà Hội NKT là tổ chức đại diện.

Kế hoạch trợ giúp NKT giai đoạn 2014 - 2020 của UBND tỉnh đã xác định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc trợ giúp cho NKT, tạo môi trường thuận lợi cho NKT tiếp cận các điều kiện sống tốt hơn. Hệ thống Hội NKT dù chưa rộng khắp trong toàn tỉnh nhưng đã thực sự phát huy vai trò là tổ chức của NKT, đại diện cho NKT. Hội đã làm cầu nối giữa các cơ quan, đơn vị với NKT, là nơi tiếp nhận và thực hiện các dự án liên quan đến NKT như tạo cơ hội tiếp cận hòa nhập, phục hồi chức năng cho NKT. Các quy định, chính sách dành cho NKT đã được triển khai cụ thể, tạo ra hiệu quả trong thực tế như tư vấn pháp lý, vận động, tuyên truyền, thúc đẩy thực thi pháp luật, đào tạo nghề gắn kết giải quyết việc làm, nâng cao nhận thức cho NKT hoặc người thân, hỗ trợ phục hồi chức năng, trao tặng dụng cụ chỉnh hình, tạo sinh kế…

PV:Theo ông, hiện nay NKT gặp rào cản nào trong việc nói lên tiếng nói của mình và tiếp cận với các dịch vụ xã hội?

Ông Hứa Quốc Dũng: Với sự trợ giúp của tổ chức Hội NKT, của cộng đồng xã hội và sự cố gắng của bản thân mỗi NKT, rào cản xã hội ngày càng thu hẹp. Đôi lúc đôi nơi vẫn còn sự kỳ thị đối với NKT, thậm chí ngay trong mỗi gia đình vẫn xem họ là gánh nặng. Kế hoạch trợ giúp NKT thực tế đã triển khai, nhưng ở cấp xã, phường vẫn chưa thực sự vào cuộc quyết liệt. Nơi nào có tổ chức hội của NKT thì nơi đó NKT được bảo vệ quyền lợi tốt hơn, được tham gia các hoạt động xã hội rộng rãi hơn và được tiếp cận với nhiều sự trợ giúp hiệu quả. Những nơi nào chưa có tổ chức hội thì NKT gặp nhiều khó khăn như việc tiếp cận, hòa nhập cộng đồng, hạn chế khi tham gia giao thông, hưởng thụ các dịch vụ xã hội, tiếp cận giáo dục, học nghề và có việc làm, văn hóa giải trí…

PV: Trong nhiệm kỳ tới, Hội NKT toàn tỉnh xác định cần phải làm gì để bảo vệ và trợ giúp NKT hiệu quả hơn?

Ông Hứa Quốc Dũng: Với chủ đề Đại hội lần thứ II nhiệm kỳ 2016 - 2021 là “Hợp tác và hành động vì sự hòa nhập của NKT”, hội sẽ trợ giúp hội viên bằng mọi nỗ lực để hòa nhập được với cộng đồng. Chương trình hành động của Hội NKT tỉnh đến năm 2021 làm sao phải thành tổ chức xã hội vững mạnh, mọi NKT đều được tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách bình đẳng. NKT trong tỉnh phải được hưởng đầy đủ các quyền, lợi ích theo đúng quy định của chính sách pháp luật và Công ước Quốc tế về quyền của NKT. Hội NKT tỉnh sẽ tích cực vận động thực hiện chính sách, thúc đẩy việc thực thi luật và chính sách có liên quan đến NKT, hạn chế rào cản nhằm xây dựng một xã hội hòa nhập bình đẳng cho NKT.

PV: Xin cảm ơn ông!

DIỄM LỆ (thực hiện)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chỗ dựa của người khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO