Ngày 1.1.2009, Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chính thức có hiệu lực. Từ đó, người lao động (NLĐ) có được nguồn thu nhập khi mất việc làm, có cơ hội học nghề và tìm việc mới.
Việc thu - chi quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.Ảnh: D.L |
Thiết thực
Vừa chấm dứt hợp đồng với một công ty ở Thăng Bình vào đầu tháng 2.2014, chị Nguyễn Thị Xuân Ánh (phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) đến đăng ký hưởng BHTN tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh. Chị Ánh tốt nghiệp chuyên ngành đại học luật, đi làm được một thời gian nhưng công việc chưa phù hợp nên chị nghỉ việc, xin đi làm ở một chỗ khác tốt hơn. Chị Ánh nói: “Trong thời gian thất nghiệp chờ việc làm, tôi đến đăng ký hưởng BHTN nhằm có một khoản thu nhập trong thời gian này. Tôi thấy chính sách BHTN rất cần thiết cho NLĐ, giúp chúng tôi có được khoản chi phí trong khi đi xin việc khác”. Hay trường hợp của anh Thân Ngọc Minh (phường An Xuân, TP.Tam Kỳ) trước là kỹ sư kế hoạch bảo dưỡng mỏ của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu, nhưng công ty gặp khó khăn, nhiều công nhân, kỹ sư bị mất việc làm. Anh Minh bị mất việc làm từ cuối năm 2013, anh đến làm hồ sơ xin hưởng BHTN. “Hồi trước, mất việc phải lo đi đăng ký liền chứ hết hạn, nhưng giờ thời hạn mở ra đến 3 tháng nên qua tết tôi mới đi đăng ký hưởng BHTN. Tôi đang đi tìm việc làm mới nhưng chưa có việc làm phù hợp, nay làm hồ sơ hưởng một khoản BHTN để chi phí trong lúc chưa có việc” - anh Minh cho hay.
Từ khi triển khai chính sách BHTN đến nay, quy mô đối tượng tham gia BHTN trên địa bàn tỉnh tăng nhanh qua các năm. Năm 2009 chỉ có 1.382 cơ quan, tổ chức với 68.158 người tham gia đóng BHTN, đến thời điểm 31.12.2013, đã có 2.038 đơn vị tham gia với 99.251 người đóng BHTN (tăng 47,46% đơn vị, tăng 45,6% người tham gia BHTN). Ông Võ Văn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, nhìn nhận: “Chính sách BHTN ra đời đúng vào thời điểm kinh tế khó khăn, nhiều lao động mất việc làm. Chính sách đã thể hiện được tính ưu việt là hỗ trợ, bù đắp một phần thu nhập cho NLĐ khi thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, tìm việc làm để sớm có việc làm, thu nhập và ổn định cuộc sống. Chính sách cũng giúp cho các doanh nghiệp hạn chế tranh chấp lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc doanh nghiệp thiếu việc làm. Quỹ BHTN sẽ thay thế trợ cấp của doanh nghiệp, để doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí tái sản xuất, từ đó người sử dụng lao động và NLĐ trong các thành phần kinh tế chuyển biến nhận thức ngày càng tốt hơn về chính sách BHTN”.
Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh luôn quan tâm thực hiện hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp ngay từ khi NLĐ đến đăng ký thất nghiệp, đồng thời hỗ trợ tích cực để người sử dụng lao động tiếp cận với người thất nghiệp để tuyển lao động. Từ năm 2010 đến 2013, số lượng lao động được tư vấn giới thiệu việc làm là 9.676 người (chiếm 52,7% tổng số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp).
Đưa chính sách vào cuộc sống
Với lợi thế là hệ thống công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp gần gũi nhất với NLĐ, Liên đoàn Lao động tỉnh đã quy định bắt buộc đối với đơn vị sử dụng lao động khi giao kết hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể phải thực hiện đúng các chế độ chính sách bảo hiểm liên quan cho NLĐ. Công đoàn cơ sở trong các đơn vị, doanh nghiệp liên doanh, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân chủ động giám sát việc ký kết hợp đồng lao động, tuyên truyền cho NLĐ và chủ doanh nghiệp hiểu về chính sách và thực hiện tốt chính sách. Công đoàn cơ sở là nơi để NLĐ cũng như người sử dụng lao động phản ánh những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách đến cơ quan chức năng.
Với các doanh nghiệp, làm tốt các chính sách bảo hiểm đối với NLĐ là tự thân họ đã giữ chân được NLĐ, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh. Như Công ty TNHH Tuấn Đạt (Cụm công nghiệp Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) có 1.561 lao động, công ty luôn giữ chân được NLĐ cũng như thu hút được lực lượng lao động nhờ thực hiện tốt chính sách theo luật định và các chế độ đãi ngộ của riêng công ty. Đối với chính sách BHTN, công ty luôn tuyên truyền cho NLĐ hiểu và tạo điều kiện cho NLĐ thụ hưởng chính sách. Vì thế khi NLĐ cần nghỉ việc, họ đã làm đơn nghỉ theo đúng quy định, đơn vị sắp xếp người thay thế và làm thủ tục chốt sổ kịp thời để NLĐ được giải quyết nhanh việc hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian không đi làm được. Đã có 206 NLĐ của Tuấn Đạt khi nghỉ việc được giải quyết hưởng BHTN. Hay Công ty Giày Rieker Việt Nam (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, huyện Điện Bàn) có hơn 13 nghìn lao động thì có 99% tham gia BHTN. Công ty Giày Rieker Việt Nam luôn thực hiện trích đóng các khoản bảo hiểm kịp thời cho NLĐ, nhờ vậy hơn 5.000 lao động khi xin nghỉ việc đều được hưởng các khoản trợ cấp kịp thời, nhất là khoản trợ cấp BHTN ngay sau khi nghỉ việc.
Tuy nhiên, khi đi vào cuộc sống, chính sách BHTN cũng không tránh khỏi những vướng mắc nhất định. Ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng Chế độ (Bảo hiểm Xã hội tỉnh), cho biết: “Trong việc thu chi quỹ BHTN, chúng tôi đã phát hiện thực tế NLĐ vẫn làm việc tại đơn vị hoặc chuyển đơn vị khác, đóng BHTN liên tục, nhưng vẫn báo thất nghiệp, giảm thu để hợp thức hóa hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. NLĐ đã chết nhưng người nhà vẫn lập thủ tục hưởng BHTN, xin hưởng BHTN trong thời gian chờ giám định để nghỉ hưu. Doanh nghiệp thì lách luật bằng cách ký hợp đồng thời vụ hoặc không ký kết hợp đồng với NLĐ, nợ đọng các khoản bảo hiểm kéo dài khiến NLĐ bị ảnh hưởng. Vì vậy, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị giám sát để thực hiện chính sách tốt hơn”.
DIỄM LỆ