Hôm nay 17.7, Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin Quảng Nam tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập hội (20.7.2005 - 20.7.2015). Đây là dịp để những người làm công tác hội nhìn lại chặng đường đã qua trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam, đồng thời phát đi thông điệp mong muốn cộng đồng xã hội quan tâm hơn nữa đến nạn nhân CĐDC.
Bạn đồng hành
Gần 10 năm qua, ông Nguyễn Xuân Khả - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) luôn gắn bó, đồng hành với nạn nhân da cam trên địa bàn phường. Ông Khả chuyển từ Hội Chữ thập đỏ phường qua làm Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC phường Tân Thạnh ngay từ ngày đầu thành lập hội năm 2008. Là thương binh nặng, trên người mang nhiều thương tật, không đủ điều kiện sử dụng xe máy, ông phải dùng xe đạp làm phương tiện đi lại. Sức khỏe yếu là vậy nhưng gần 10 năm qua, ông đã dành cả thời gian và công sức để giúp đỡ nạn nhân da cam trên địa bàn phường. Ông cho biết, Tân Thạnh là phường đứng thứ 3 về số lượng nạn nhân bị nhiễm CĐDC ở TP.Tam Kỳ. Hiện nay, toàn phường có hơn 400 người tham gia kháng chiến đã qua khảo sát điều tra, trong đó có 102 người được hưởng chế độ bị nhiễm chất độc hóa học và 7 nạn nhân là thế hệ thứ 2 và 4 trường hợp thuộc thế hệ thứ 3. Với số lượng nạn nhân CĐDC đông như vậy, công tác chăm sóc, giúp đỡ, đặc biệt là đối với trường hợp thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 luôn được phường Tân Thạnh quan tâm. Trong đó, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin của phường đã trở thành cầu nối tin cậy, giúp cộng đồng xã hội đến gần hơn với nạn nhân da cam.
Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản tặng quà Trung tâm Bảo trợ nạn nhân CĐDC/dioxin và trẻ em bất hạnh tỉnh. Ảnh: VINH ANH |
Theo ông Khả, để giúp đỡ nạn nhân da cam tốt hơn, ông luôn phải suy nghĩ để đổi mới cách làm bằng nhiều hình thức vận động như: gửi thư kêu gọi, thư ngỏ, thư cảm ơn các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn phường. Bên cạnh đó, hội còn tổ chức đặt thùng tiền nhân đạo trong các đợt hội chợ diễn ra trên địa bàn, hay đặt tại các điểm chi trả bảo hiểm xã hội tại bưu điện… “Nhờ đó, từ năm 2008 đến nay, hội đã vận được hơn 400 triệu đồng để thăm hỏi động viên, tặng hàng trăm suất quà, hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà cho nạn nhân da cam và hội viên” - ông Khả nói. Hiện nay Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin phường Tân Thạnh đang là đơn vị cấp xã dư quỹ hội lớn nhất với hơn 118 triệu đồng. Điều này sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam trên địa bàn phường.
Dù công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam có nhiều kết quả, nhưng ông Khả vẫn chưa hài lòng vì bản thân là Chủ tịch hội nhưng chưa giúp đỡ nhiều cho hội viên trong vấn đề làm chế độ CĐDC. Ông cho biết, hiện nay toàn phường có khoảng 51 hội viên xứng đáng được công nhận chế độ CĐDC nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng. Đây là những trường hợp tham gia kháng chiến nhiều năm, nay đã già yếu, bệnh tật, rất cần sự quan tâm của xã hội.
Chung tay vì nạn nhân da cam
Ông Nguyễn Anh Cả - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh, chất độc hóa học không những tàn phá môi trường mà còn làm cho gần 50 nghìn người bị phơi nhiễm, trong đó có gần 19 nghìn người hoạt động kháng chiến cùng con đẻ và cháu của họ. Do đó, vấn đề giải quyết hậu quả chất độc hóa học, hàn gắn vết thương chiến tranh vừa là trách nhiệm, lương tâm, đạo lý đối với những người chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vừa là vấn đề nhân đạo xã hội sâu sắc. Từ sự cấp thiết đó, ngày 20.7.2005, Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động. Với trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, 10 năm qua Hội Nạn nhân CĐDC đã kiên trì vượt khó, xây dựng tổ chức hội dần lớn mạnh, góp phần phục vụ công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam trên toàn tỉnh. Đến nay, mạng lưới tổ chức hội được thành lập ở 18/18 địa phương cấp huyện; 164/244 địa phương cấp xã, với gần 10 nghìn hội viên.
Trong 10 năm qua, công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam trên địa bàn tỉnh đã được các địa phương chú trọng thực hiện và đạt nhiều kết quả nổi bật. TP.Hội An là một trong những địa phương điển hình. Bà Võ Thị Hóa - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC TP.Hội An cho biết, từ năm 2008 đến nay, các cấp hội trên địa bàn thành phố đã vận động được gần 2,5 tỷ đồng giúp đỡ nạn nhân da cam. Để đạt được kết quả đó, Hội Nạn nhân CĐDC TP.Hội An đã vận dụng những điều kiện của địa phương để kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng chung tay giúp đỡ nạn nhân da cam. Nhiều tổ chức quốc tế, cá nhân là người nước ngoài thông qua hội đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng giúp đỡ nạn nhân da cam. Tiêu biểu, có thể kể đến vợ chồng ông Bruce Logan và bà Elain Head (người Mỹ). Hơn 5 năm qua, ông bà đã trực tiếp ủng hộ và vận động bạn bè ủng hộ vào Quỹ nạn nhân CĐDC/dioxin TP.Hội An trên 200 triệu đồng. Vợ chồng ông Bruce Logan cũng đã được Hội Nạn nhân CĐDC TP.Hội An công nhận là hội viên danh dự.
Cũng với tinh thần “hết lòng vì nạn nhân da cam”, qua 10 năm, các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã vận động các nguồn từ xã hội được hơn 50 tỷ đồng, góp phần chăm sóc tốt hơn cho nạn nhân da cam. Trong đó, các cấp hội đã hỗ trợ nạn nhân và gia đình nạn nhân da cam bằng các hình thức như: trao quà, hỗ trợ sửa chữa và xây dựng nhà tình nghĩa, trợ cấp ốm đau, hỗ trợ vốn phát triển chăn nuôi... Ông Nguyễn Anh Cả nói: “Có thể khẳng định, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng nhìn chung qua 10 năm hoạt động, hội đã trưởng thành, đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành một trong những chỗ dựa vững chắc của nạn nhân da cam”.
VINH ANH