Thời gian qua, tổ chức công đoàn từ huyện đến cơ sở ở Duy Xuyên không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, tích cực chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho công nhân viên chức - người lao động,góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ năm 2012 đến nay, Liên đoàn Lao động huyện Duy Xuyên hỗ trợ xây dựng 29 “Mái ấm công đoàn”. Ảnh: H.N |
Chăm lo đời sống
Rời quê nhà Ninh Phước (Ninh Thuận), theo lời giới thiệu của cố nghệ sĩ dân gian kèn Saranai Trượng Tốn, anh Thiên Thành Vũ đến làm việc và gắn bó với Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn từ năm 2010. Công tác xa nhà, hoàn cảnh khó khăn nên anh Vũ chưa có điều kiện xây dựng ngôi nhà kiên cố. Vì vậy, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Duy Xuyên phối hợp với Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn hỗ trợ 30 triệu đồng giúp anh xây dựng mái ấm để an cư lập nghiệp. Còn chị Lê Thị Hằng - đoàn viên Công đoàn Công ty TNHH Hi-Tech đóng tại Cụm công nghiệp Tây An do đông con, lại nuôi cha mẹ già yếu, bệnh tật nên chưa có điều kiện xây dựng nhà mới. Thấu hiểu hoàn cảnh của chị, Công đoàn Công ty TNHH Hi- Tech hỗ trợ 30 triệu đồng để chị vay mượn thêm xây căn nhà mới. “Nhờ có tổ chức công đoàn mà tết này gia đình tôi có ngôi nhà khang trang để ở. Đây là động lực to lớn để tôi yên tâm lao động sản xuất và nuôi dưỡng các con trưởng thành” - chị Hằng chia sẻ.
Không riêng gì anh Vũ, chị Hằng, thời gian qua nhiều đoàn viên khác cũng được công đoàn các cấp ở Duy Xuyên hỗ trợ xây dựng mái ấm. Ông Lê Chính Đông - Chủ tịch LĐLĐ huyện Duy Xuyên cho hay, thông qua việc tổ chức đa dạng các chương trình và vận động trong đoàn viên, 5 năm qua công đoàn các cấp đã hỗ trợ xây dựng 29 “Mái ấm công đoàn” cho công nhân viên chức - người lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 935 triệu đồng. Ông Đông nói: “Chương trình “Mái ấm công đoàn” thực sự trở thành hoạt động xã hội có sức lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong việc chung tay, giúp đỡ nhà ở cho công nhân viên chức - người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đồng thời khẳng định vai trò và vị trí của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo đời sống người lao động, góp phần cùng với chính quyền thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ xóa nhà tạm”. Từ năm 2012 đến nay, LĐLĐ huyện Duy Xuyên đã huy động các nguồn lực. trao tặng hơn 2.400 suất quà cho công nhân viên chức - người lao động gặp khó khăn và hỗ trợ 4 máy Icom, 1 thẻ bảo hiểm thân tàu, 162 thẻ bảo hiểm tai nạn cho ngư dân trên địa bàn. Ngoài ra còn hỗ trợ 1 trạm thông tin liên lạc giữa đất liền với tàu thuyền trên biển cho 3 nghiệp đoàn nghề cá ở các xã Duy Hải, Duy Nghĩa, Duy Vinh; công đoàn cơ sở chăm sóc, phụng dưỡng 34 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và nhận đỡ đầu 262 em học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học.
Đảm bảo quyền lợi
Cách đây gần 4 năm, chị Lương Thị Chinh ở xã Duy Sơn xin vào làm việc tại Công ty TNHH MTV Sedo Vinako. Chị được doanh nghiệp đóng đầy đủ các loại hình bảo hiểm như thất nghiệp, tai nạn lao động, y tế, hiện nay chị Chinh có thu nhập ổn đỉnh khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. Chị Chinh nói: “Từ khi vào làm ở công ty này, cuộc sống gia đình tôi khá hơn hẳn, cơ bản đảm bảo nuôi 3 đứa con ăn học. Tôi cảm thấy rất phấn khởi và yên tâm gắn bó với đơn vị”. Còn ông Lê Hoàng Anh Binh - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Sedo Vinako cho hay, ngày 31.12.2012 công đoàn được thành lập với 300 đoàn viên, đến nay tăng lên 3.760 đoàn viên, chiếm 98,94%. Theo ông Binh, cùng với việc chăm lo đời sống người lao động, công đoàn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là vận động đoàn viên tăng năng suất lao động, đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, công đoàn đặt 8 hòm thư góp ý tại các phân xưởng sản xuất, nhà ăn. Theo đó, hàng tuần tiến hành kiểm tra, kịp thời giải quyết các khiếu nại và quyền lợi chính đáng của đoàn viên. Minh chứng là công ty tiến hành lắp đặt hệ thống làm mát tại nhà ăn, làm mái che di động. Nguồn nước ngầm bị ô nhiễm được công ty nhanh chóng hợp đồng với nhà máy nước Nam Phước cung cấp cho toàn bộ công ty hay bố trí xe đưa đón công nhân và thiết lập phòng vắt sữa, tủ đông trữ sữa cho nữ công nhân đang nuôi con nhỏ…
Ông Lê Chính Đông cho hay, phát huy vai trò là cầu nối giữa người lao động với lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thời gian qua công đoàn từ huyện đến cơ sở tổ chức 123 lớp học tập, quán triệt nghị quyết đại hội đảng các cấp và tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật mới ban hành cho hàng chục nghìn lượt công nhân viên chức - người lao động, ngư dân. Cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chức năng tư vấn pháp luật, giải đáp hàng trăm lượt ý kiến của đoàn viên và người lao động về pháp luật lao động, tiền lương, tiền thưởng, kỷ luật lao động, chế độ thai sản, thời gian làm việc cùng các chế độ khác theo quy định. Đồng thời tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, chế độ chính sách, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Từ năm 2012 đến nay, LĐLĐ huyện đã tiến hành 54 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chính sách pháp luật lao động về tiền lương, tiền công, bảo hiểm và giải quyết 6 vụ tai nạn lao động, tham gia hòa giải thành công 5 vụ ngừng việc tập thể. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp và người lao động về pháp luật lao động, lấy ý kiến về chế độ, chính sách thông qua ca trưởng, chuyền trưởng, tổ trưởng. Trên cơ sở đó, công đoàn trực tiếp làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp để giải quyết quyền lợi chính đáng cho người lao động. Những việc làm thiết thực của công đoàn các cấp, quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân viên chức - người lao động được đảm bảo, giúp họ an tâm công tác, lao động sản xuất, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
HOÀI NHI