Chỗ dựa vững chắc của nhà nông

MAI NHI 03/10/2016 08:49

Nhờ đa dạng hóa loại hình dịch vụ và xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, những năm qua HTX nông nghiệp 1 Điện Phước (Điện Bàn) đã thực sự trở thành “bà đỡ” vững chắc cho người dân…

Hướng sản xuất chủ lực

Ông Nguyễn Văn Phương (thôn Hạ Nông Nam, xã Điện Phước) cho biết, vụ hè thu này gia đình ông sản xuất 6 sào lúa giống HT1 trên cánh đồng Nga Mân và Vườn Tâm. Mặc dù nắng nóng kéo dài nhưng nhờ chính quyền địa phương cùng HTX nông nghiệp 1 Điện Phước thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chống hạn và hướng dẫn bài bản quy trình thâm canh nên năng suất lúa bình quân đạt 330kg/sào. Bán trực tiếp cho HTX với giá 1kg giống lúa HT1 là 8.300 đồng, ông Phương thu về tổng cộng 16,4 triệu đồng từ ngần ấy diện tích, cao hơn 2,1 triệu đồng so với làm thóc thịt. Ông Phương hồ hởi: “Những năm qua, mỗi khi ruộng lúa chín, tôi chỉ cần thu hoạch đổ vào bao tải rồi chở thẳng đến cho HTX thu mua chứ không phải tốn công phơi. Sản xuất giống lúa hàng hóa, ngoài chuyện đầu ra của sản phẩm ổn định thì giá trị kinh tế cũng tăng khá nhiều. Đặc biệt, HTX thanh toán tiền nong nhanh chóng, không để dây dưa nên nhà nông hết sức phấn khởi”.

Mỗi năm, xã viên của HTX nông nghiệp 1 Điện Phước thu về hơn 10 tỷ đồng từ sản xuất lúa giống hàng hóa.Ảnh: MAI NHI
Mỗi năm, xã viên của HTX nông nghiệp 1 Điện Phước thu về hơn 10 tỷ đồng từ sản xuất lúa giống hàng hóa.Ảnh: MAI NHI

Ông Lê Thìn – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp 1 Điện Phước cho hay, mỗi vụ xã viên ở địa phương gieo sạ 300ha lúa, tập trung trên địa bàn 5 thôn gồm Nông Sơn 1, Nông Sơn 2, La Hòa, Hạ Nông Tây, Hạ Nông Nam. Theo ông Thìn, thời gian qua đơn vị phối hợp cùng chính quyền địa phương tiến hành dồn điền đổi thửa để xây dựng 3 cánh đồng mẫu lớn với diện tích 180ha. Trên những cánh đồng mẫu này, HTX huy động nhiều nguồn lực tài chính đầu tư thi công đồng bộ hệ thống thủy lợi nhằm đảm bảo cung ứng nước tưới. Bên cạnh đó, đơn vị chủ động liên kết với các công ty giống cây trồng ở trong và ngoài tỉnh tổ chức cho nông dân sản xuất những loại giống lúa thuần chủ lực như HT1, TH5, Xi23, OM9569 theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm. Theo tìm hiểu, bình quân mỗi năm 1 nghìn hộ xã viên của HTX sản xuất khoảng 200 - 250ha giống lúa và cung ứng cho các doanh nghiệp 1.300 - 1.500 tấn lúa giống các loại, đạt tổng doanh thu hơn 10 tỷ đồng, tăng 1,5 tỷ đồng so với làm lúa thương phẩm.

Được biết, những năm gần đây HTX nông nghiệp 1 Điện Phước đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để xây dựng 4.000m2 sân phơi, 1.500m2 nhà xưởng, lắp đặt 4 lò sấy lúa giống, 2 máy sơ chế, 1 hệ thống băng tải cùng một số loại máy móc, thiết bị hỗ trợ khác. Nhờ vậy, vụ nào hạt giống lúa của đơn vị cũng đảm bảo chất lượng nên tiêu thụ rất mạnh trên thị trường. Ông Lê Thìn bộc bạch: “Trong khi nhiều HTX khác lâm vào tình cảnh nợ nần do liên kết sản xuất lúa giống thì suốt 20 năm qua đơn vị chúng tôi chưa một lần xảy ra tình trạng đó. Sở dĩ HTX nông nghiệp 1 Điện Phước luôn thành công trong khâu này là nhờ có truyền thống sản xuất lúa giống, cơ sở vật chất đảm bảo nên chất lượng sản phẩm được các doanh nghiệp ưa chuộng. Mặt khác, chúng tôi rất kén chọn trong vấn đề liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Cụ thể là, khi các doanh nghiệp tìm đến hợp tác thì chúng tôi nghiên cứu rất kỹ về tiềm lực tài chính, nhân lực, kỹ thuật, mức độ uy tín của từng công ty… Từ đó, ban quản trị HTX họp bàn rồi mới quyết định ký kết hợp đồng làm ăn với đơn vị nào”.

Đa dạng các loại hình dịch vụ

Ông Lê Bông (thôn Nông Sơn 1, xã Điện Phước) cho biết, gia đình ông có 7 sào ruộng lúa. Hồi trước, cứ mỗi khi chuẩn bị bước vào vụ sản xuất là ông phải chạy đôn chạy đáo mượn tiền để mua hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, mấy năm gần đây nhờ HTX nông nghiệp 1 Điện Phước triển khai gói dịch vụ cung ứng giống, phân bón cùng các loại vật tư thiết yếu khác theo hình thức thanh toán một lần vào thời điểm cuối vụ nên vợ chồng ông Bông và bà con xã viên ở địa phương nhẹ bớt gánh lo đầu vào. Theo tìm hiểu, trước mỗi vụ mùa mới, HTX này thường chuẩn bị sẵn 300-350 tấn phân bón các loại đảm bảo chất lượng để cung ứng cho nông dân Điện Phước và nhiều xã lân cận với giá luôn thấp hơn giá thị trường, theo hình thức trả chậm. Cần nói thêm, trước tình trạng nông dân gặt lúa chủ yếu bằng phương pháp thủ công làm tốn khá nhiều thời gian, công sức và chi phí cao nên cách đây vài năm HTX nông nghiệp 1 Điện Phước quyết định đầu tư mua sắm máy gặt đập liên hợp để phục vụ việc thu hoạch của xã viên với mức phí 160 nghìn đồng/sào, giảm 20 nghìn đồng/sào so với nhiều nơi khác.

Ông Lê Thìn – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp 1 Điện Phước cho biết thêm, ngoài 2 gói dịch vụ vừa nêu thì những năm qua đơn vị còn tổ chức thực hiện khá tốt 5 gói dịch vụ hữu ích khác. Theo ông Thìn, nhờ đa dạng hóa loại hình dịch vụ và liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa hiệu quả nên tổng doanh thu hằng năm của HTX nông nghiệp 1 Điện Phước đạt không dưới 17 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí thì còn lãi ròng 400 - 600 triệu đồng. Ông Thìn chia sẻ: “Từ khi chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX 2012 và trước yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, HTX nông nghiệp 1 Điện Phước có bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, đơn vị đã phát huy tối đa vai trò “bà đỡ” cho xã viên, giúp nông dân ứng dụng bài bản các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”.

MAI NHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chỗ dựa vững chắc của nhà nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO