Chỗ đứng của cụm công nghiệp

Thực hiện chuyên đề: TÙY PHONG 09/04/2016 10:05

Hơn 12 năm quy hoạch, phát triển, cụm công nghiệp (CCN) vẫn là mô hình gia tăng nhanh về số lượng, dù thiếu vốn, dang dở, chỉ khoảng 55/99 CCN quy hoạch chi tiết mới lấp đầy. Đến thời điểm này chưa hề có đánh giá toàn diện về tính hiệu quả, khả thi của các CCN trong bối cảnh kinh tế đầy biến động. Số liệu thu hút đầu tư hay đóng góp vào nền kinh tế bao nhiêu ít được biết đến ngoài một con số thường được công bố là thu hút số lượng lao động đến 30.000 người... Đó là câu chuyện được luận bàn khá nhiều trong chiến lược phát triển công nghiệp Quảng Nam hiện tại.

NĂNG LỰC NỘI SINH KHÔNG MẠNH

Không doanh nghiệp lớn đầu tư, thu hút tràn lan, thiếu kiểm định năng lực đầu tư, ô nhiễm môi trường, nông thôn bị xé lẻ, chủ yếu gia tăng lao động… là điều dễ nhìn thấy nhất của các CCN.

Cụm công nghiệp Trảng Nhật 2.
Cụm công nghiệp Trảng Nhật 2.

Chủ yếu thu hút lao động

Sân nhà máy xuất khẩu Sedo Vinako ở CCN Đông Yên (Duy Trinh, Duy Xuyên) nhộn nhịp xe tải, đầu kéo vào, ra - nhập, xuất hàng. Nguyễn Văn Hải ở Vĩnh Điện, đã bỏ hãng nước uống đóng chai sau ba năm gầy dựng để về đầu tư ở đây, cho biết rằng mỗi ngày không thiếu những chuyến hàng xuất, nhập vào nhà máy. Không chỉ Hải, Sedo, rất nhiều cư dân địa phương và vùng lân cận khác như Quế Sơn, Điện Bàn đã trở thành công nhân từ sự phát triển ngày càng nhiều nhà máy công nghiệp tại các CCN trên đất Duy Xuyên từ nhiều năm qua. Ông Nguyễn Văn Khánh – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng Duy Xuyên cho biết giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2015 đã tăng đến gần 25%. Không chỉ doanh nghiệp nội địa, khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu về gia công may giày, va li, túi xách đã đầu tư thêm nhiều nhà máy, tuyển thêm lao động. Thu hút đầu tư nhiều nhất vẫn là ngành may công nghiệp với việc sản xuất trên 15,5 triệu sản phẩm các loại, duy trì việc làm ổn định cho gần 6.000 lao động. Bảy CCN trải từ vùng tây xuống ven quốc lộ 1 đủ đất sạch thu hút, phát triển các dự án sản xuất, kinh doanh, kịp thời giải quyết lao động với mức thu nhập bình quân lao động tăng 20% mỗi năm. “Khó nhất của địa phương là thiếu công trình xử lý nước thải, thiếu lao động doanh nghiệp cần. Chính quyền và cơ quan quản lý đã vận động, tuyên truyền, phát tờ rơi, dựng bảng tuyển dụng tại Duy Thành, cầu Chìm và Kiểm Lâm, nhưng cũng không tài nào đáp ứng đủ lao động cho doanh nghiệp. Vì vậy, địa phương không xúc tiến thêm ngành may mặc nữa dù đây là thế mạnh truyền thống của Duy Xuyên” - ông Khánh nói.

“Ly nông bất ly hương” là điều dễ hình dung nhất tại các CCN đang phát triển rầm rộ tại 18 huyện, thị, thành phố của Quảng Nam. Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2016, 7 doanh nghiệp đã vào các CCN đầu tư nhà máy chế biến nông sản, phụ phẩm sau thu hoạch, băm dăm gỗ, sản xuất viên nén, chế biến mủ cao su tại Quế Sơn, Phú Ninh, Hiệp Đức, Tây Giang (TNHH Narae, TNHH MTV Trường Phú Xanh, Cao su Nam Giang) và xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung tại Hiệp Đức, Núi Thành (CP Nhất Hiệp Đức, TNHH MTV Ánh Dương Trường Thành). Tổng vốn đăng ký khoảng 300 tỷ đồng, kèm theo số lao động đăng ký khoảng 1.300 người.

Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương, hiện đã thu hút được 215 dự án đăng ký vào 55 CCN đang triển khai trên tổng diện tích đất thuê và đăng ký thuê khoảng 535,29ha. Tổng vốn đầu tư đăng ký theo dự án 10.668,46 tỷ đồng. Tổng số lao động đăng ký theo dự án 50.870 người. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 195 dự án thực sự đầu tư với tổng vốn thực hiện khoảng 5.864,77 tỷ đồng, thu hút lao động thường xuyên hơn 26.130 người. “CCN chủ yếu đón doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo việc làm, tăng thu nhập khá cho lao động nông thôn, giảm áp lực lao động nông thôn tràn về thành phố” - ông Thử nói.

Yếu năng lực cạnh tranh, ô nhiễm môi trường…

Con đường nhựa nối từ quốc lộ 1 đâm giữa khu dân cư, thẳng đến CCN Trảng Nhật 2 (Điện Bàn). Phía sau hàng rào những nhà máy không tên từng đống gỗ ép, ván bày la liệt, vài công nhân dùng búa gõ ghép những tấm ván sàn, vài chiếc xe chở gỗ, một biển quảng cáo tuyển dụng một lao động. Không khí yên ắng không khác gì một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ gia đình. Không chỉ riêng Trảng Nhật 2, mục đích phát triển CCN là gom lại doanh nghiệp để hạn chế ô nhiễm môi trường và thúc đẩy phát triển nông thôn đã không thể đạt được. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Pháp (CCN Thương Tín) hay An Lưu từng “nóng” trên công luận là minh chứng cụ thể nhưng rất khó giải quyết. Dân phản ứng, chính quyền cương quyết xử lý tồn tại nhưng di dời nhà máy như thế nào thì địa phương không thể thực hiện vì thiếu tiền. Bà Trần Thị Trổi – Giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng đã từng kêu tới UBND tỉnh khi chính quyền Điện Bàn không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau hơn 10 năm nhà máy bột cá đã đầu tư tại An Lưu với lý do “ô nhiễm môi trường”. Vận động di dời, nhưng dời tới đâu, hỗ trợ như thế nào thỏa đáng cho doanh nghiệp thì không bàn tới.

Có thể dễ dàng nhìn thấy hiện trạng của các CCN Quảng Nam là quy hoạch chắp vá. Không định hướng, tất cả địa phương đều dàn hàng ngang thu hút. Kết cuộc là các doanh nghiệp tại các CCN na ná nhau, không hề có sự lan tỏa, liên kết cùng phát triển. Nôn nóng thu hút đầu tư, giải quyết lao động đã khiến nhiều địa phương không cần biết công nghệ, sản xuất có đáp ứng thị trường hay không. Sự thiếu chọn lọc này đã dẫn đến hủy hoại môi trường, ảnh hưởng cuộc sống người dân. Kết quả những cuộc giám sát của HĐND Quảng Nam tại các CCN với tư cách thành viên, đã cho ông Vũ Văn Thẩm – Chủ tịch Hội Nông dân rút ra kết luận ban đầu là phần lớn doanh nghiệp đầu tư vào các CCN đều nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, không đủ điều kiện xử lý môi trường. Nông thôn bị xé lẻ bởi địa phương nào cũng muốn có CCN. “Chỉ mỗi cái cưa vòng, dăm ba người thợ lao động thủ công xử lý gỗ cao su, bạch đàn, sao có thể gọi là dự án công nghiệp? Sức sống CCN không có gì. Không khéo trở thành bãi rác” - ông Thẩm nói.

Ông Lê Viết Vinh - Giám đốc Trung tâm Phát triển CCN Núi Thành nói địa phương không mở rộng giai đoạn 2 CCN Trảng Tôn để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường giữa lòng thị trấn. Xem xét, dự định không cấp thêm dự án sản xuất dăm gỗ tại CCN Nam Chu Lai. Các địa phương khác cũng đã lên kế hoạch thu hút đầu tư doanh nghiệp một cách có chọn lọc hơn, giảm thiểu gánh nặng ô nhiễm, xử lý môi trường trong tương lai và cân đối doanh nghiệp để có thể dễ dàng đáp ứng nguồn nhân lực cho nhà đầu tư.

LIỆU CÓ DƯ THỪA?

Quy hoạch, phát triển cụm công nghiệp (CCN) đã trở thành “phong trào”, nhưng hiệu quả đến đâu, cần phải được “hội chẩn” một cách toàn diện để rộng đường phát triển.

Cụm công nghiệp Sedo (Duy Trinh, Duy Xuyên).
Cụm công nghiệp Sedo (Duy Trinh, Duy Xuyên).

1. CCN vẫn là mô hình lan nhanh về lượng, được khuyến khích đầu tư, bất chấp cả tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp cho thuê. Khá nhiều người đã bất ngờ khi Sở Công Thương công bố số CCN được điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển đến năm 2020 là 99 với tổng diện tích giai đoạn 2016 – 2020 là 2.255,56ha. Diện tích  quy hoạch này so với danh mục quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020 của Quảng Nam đã được Bộ Công Thương thông báo tại Công văn số 4476/BCT–CNĐP ngày 7.5.2015 là 717,18ha (bao gồm bổ sung 16 CCN và tăng diện tích 24 CCN). Dư luận đặt câu hỏi khi tỷ lệ lấp đầy của 55 CCN đã quy hoạch chi tiết chỉ khoảng 57,65% và hầu hết CCN dở dang vì thiếu vốn thì có cần thiết phải quy hoạch quá nhiều CCN như vậy hay không? Theo một tính toán, với tổng vốn đầu tư hạ tầng cho các CCN đang triển khai vào khoảng hơn 700 tỷ đồng thì nếu hoàn tất thì phải cần thêm tới 10 ngàn tỷ đồng đầu tư. Mức hỗ trợ ít ỏi từ ngân sách mỗi năm thì chưa chắc tới năm 2020 đã có thể đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các CCN hiện tại, chưa kể đến việc có thu hút được đầu tư hay không.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương nói phát triển các CCN là điều không thể thiếu để đón lõng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giải quyết lao động nông thôn. Con số CCN đang được quy hoạch này là nhằm chuẩn bị đón đầu, tranh thủ chỗ nào phát triển được để đón làn sóng đầu tư. Số lượng chỉ lấp đầy khoảng 57,65% nhưng nếu làm tốt công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng thì 99 CCN này sẽ không đủ trong xu thế hội nhập nên luôn luôn phải được điều chỉnh. Nếu dừng ở con số này thì tương lai sẽ bí vì khó có thể thỏa thuận với người dân để giải tỏa, dành đất nếu nhà đầu tư muốn đặt những cuộc làm ăn. Trước đây, Quảng Nam đã cho phép 108 CCN được tiến hành lập quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 2.313ha, phân bổ ở các huyện, thị xã. Tuy nhiên, thực tế triển khai một số CCN đã buộc nhiều CCN tăng quy mô diện tích. Một số khác buộc phải giảm quy mô, loại bỏ một số CCN không khả thi và lại bổ sung thêm những địa điểm khả thi vào danh sách được phép quy hoạch chi tiết. Con số 99 CCN được bổ sung, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới CCN Quảng Nam là điều cần thiết và cấp bách. Đây sẽ là tiền đề, tạo điều kiện cho các địa phương lập quy hoạch chi tiết, tổ chức bố trí không gian hợp lý cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, bố trí các ngành nghề nông thôn vào các CCN, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư…

2. Khó có thể xác định rằng liệu có dư thừa các CCN hiện thời hay không khi giới chức chính quyền lẫn cơ quan quản lý đều cho rằng tiến trình của các CCN phù hợp với quy hoạch tới năm 2020 của Quảng Nam. Tuy nhiên, không khó để nhận ra rằng, các địa phương lập CCN ra để nhận vốn từ ngân sách và đặt mục tiêu tăng trưởng theo tư duy nhiệm kỳ. Các địa phương có tâm lý muốn quy hoạch cho đủ, nhưng việc xây dựng hạ tầng để thu hút đầu tư lại không hề đơn giản. Có lẽ ít ai nghi ngờ về mục tiêu của những khoản đầu tư mà chính quyền cấp huyện, quận nêu ra. Tất cả đều đang rất cấp thiết. Song câu chuyện không hoàn toàn như thế nếu nhìn từ góc độ khác. Những cuộc giám sát của HĐND tỉnh cho thấy ở nhiều địa phương khi chỉ có một lò bún hoặc một cơ sở may mặc hay mây tre vào cũng được tính là một CCN. Ngay cả DN nghiệp ứng vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng thì lại gặp khó khi việc hoàn trả kéo dài gây mất vốn, mất lòng tin, kéo theo nguồn lực bị phân bổ kém hiệu quả. Phát triển CCN, chủ yếu vẫn dùng tiền ngân sách và việc quy hoạch hay mở rộng chưa căn cứ trên khả năng thu hút đầu tư thực tế. Nói một cách khác là “vẽ” ra để chờ thời và chờ xin vốn nhà nước để tính vào tăng trưởng. Còn địa phương thì chưa thể tìm ra những biện pháp huy động vốn hiệu quả. Làm sao lấp đầy các CCN là câu hỏi khó có lời giải đáp hiện tại.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu tuyên bố trong một vài cuộc họp gần đây sẽ chấm dứt sự phát triển tràn lan, dàn trải của các CCN trên địa bàn. Ngân sách chỉ hỗ trợ đầu tư mỗi huyện từ 1 đến 2 CCN hoàn chỉnh, điều hành theo một cơ chế thống nhất. Nói một cách cụ thể, kế hoạch hỗ trợ đầu tư cuốn chiếu, hoàn thành CCN này tới CCN khác là chuyện xác đáng bởi hiệu quả mới chính là điều sâu xa hơn là lợi ích cục bộ của vài địa phương. Và hai mục đích lớn nhất để đầu tư cho các CCN phát triển là hướng đến quản lý các cơ sở sản xuất, làng nghề một cách tập trung, tránh xa khu dân cư và tránh ô nhiễm môi trường. Nếu không bám sát các mục tiêu và bước đi này thì hiệu quả CCN vốn đã yếu và nhỏ sẽ càng ngày càng tụt hậu. Khả năng quy hoạch rồi… bỏ hoang chỉ là chuyện ngày một, ngày hai! Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, hiện hữu vẫn là mạng lưới, chứ không phải đầu tư ào ạt. CCN đây là CCN nông thôn, giải quyết yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, quy mô nhỏ, dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư, mang tính chất tư liệu sản xuất, lao động và nhà máy tại chỗ để không điều chuyển, xáo trộn lao động ra khỏi khu vực nông thôn. Quy mô CCN quy định không quá 50ha, nhưng có địa phương vẫn có CCN không quá 5ha như miền núi. Tiến trình này phù hợp với tiến độ, vốn liếng của nhà đầu tư để hình thành một CCN, từ đó mới khẳng định hiệu quả đầu tư của CCN. Còn khi chưa đủ điều kiện đó thì việc quy hoạch CCN vẫn còn đó. Không ai di dời, không ai xáo trộn, không ai thu hồi đất ở đó làm gì. Tiền đâu có mà làm? Định hướng quy hoạch của tỉnh là dành cho một khoảng tương lai xa như thế. Không phải quy hoạch rồi treo, không phải đền bù chuyển dân tới chỗ khác hay thu hồi đất đai sản xuất của họ mà mọi chuyện vẫn như cũ. Chỉ có điều, đó là sự thông báo trước rằng đất đó sẽ chỉ dành cho công nghiệp, không xây dựng các công trình dân sinh trên phần đất đã được quy hoạch mà thôi!

SỰ THAY ĐỔI CẦN THIẾT

Thiếu vốn triền miên và sự thiếu linh hoạt của địa phương trước các cơ chế nửa vời đã khiến các cụm công nghiệp (CCN) Quảng Nam dang dở đầu tư.

Cụm công nghiệp Thanh Hà.
Cụm công nghiệp Thanh Hà.

Không đủ vốn

CCN Thanh Hà giờ chỉ là một bãi đất trống, lơ thơ cây cỏ. Bảng quy hoạch dựng trên nền đất cát đã bị gió đánh tả tơi, xiêu vẹo bên những con đường đầu tư dang dở. Vài ba doanh nghiệp ẩn mình sau những hàng rào đầy dây leo, cây đã đổi màu xám xịt. Chính quyền Hội An nói đã đầu tư hơn 33,4 tỷ đồng trên 30ha ở CCN Thanh Hà từ tháng 5.2015 nhưng hiện phải dừng lại. Bà Nguyễn Thị Vân – Trưởng phòng Kinh tế Hội An nói hiện có 20 cơ sở nhưng chỉ có 3 doanh nghiệp hoạt động, và đang gặp khó khăn.

Hội An không là biệt lệ. Mười hai năm qua, tại Thăng Bình, ngoài CCN Hà Lam – Chợ Được gần hoàn chỉnh hạ tầng, 4 CCN đã được quy hoạch chi tiết thì 4 CCN còn lại đều chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng. Hiện 13 doanh nghiệp đang hoạt động tại các CCN (đã quy hoạch) với tỷ lệ lấp đầy chưa tới 40%, thậm chí có CCN Nam Hà Lam tỷ lệ lấp đầy chỉ 8,5%. Thiếu vốn, thiếu cả hạ tầng và sự ưu đãi nên rất nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, xúc tiến, rồi lắc đầu bỏ đi. Tam Kỳ chỉ mới lấp đầy CCN Trường Xuân 1, còn CCN Trường Xuân 2 và Trường Xuân – Thuận Yên nhiều năm vẫn phải “đứng bánh” vì thiếu nguồn lực đầu tư. Duy Xuyên thì chỉ lấp đầy 40% tại 4 CCN (104ha) được quy hoạch, nhưng CCN vẫn đang trong tình trạng thiếu hệ thống thoát nước, không nhà máy xử lý nước thải… Điện Bàn được cho là thuận lợi vẫn không thể khá hơn. Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn Trần Úc nói việc đầu tư lỡ dở đã khiến đất không sử dụng hết, bởi thiếu vốn và chính sách, cơ chế chưa rõ ràng, không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư kết cấu hạ tầng trong CCN. Tổng giá trị đầu tư hạ tầng khoảng 169,6 tỷ đồng, chỉ 28/46 doanh nghiệp sản xuất với diện tích thuê đất sử dụng 104,79ha. Tỷ lệ lấp đầy bình quân mỗi CCN khoảng 48,3%. Số doanh nghiệp còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư và ngừng hoạt động vì thua lỗ.

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Quang Thử nói: “Số vốn đầu tư cho CCN chiếm tỷ trọng quá nhỏ so với đầu tư từ nguồn ngân sách cho các ngành kinh tế khác nói chung và toàn ngành công nghiệp nói riêng (193,02/36.510 tỷ đồng chỉ khoảng 0,53%). Khó khăn chung nhất của tất cả địa phương là thiếu vốn đầu tư phát triển công nghiệp. Nhu cầu đầu tư cho CCN lớn, kịp thời mới có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư nhưng tình trạng vốn đầu tư nhỏ giọt”.

Sự thay đổi tích cực

“Tham vọng” đầu tư phát triển CCN để góp phần gia tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp chưa bao giờ “nguội tắt”. Ông Trương Quang Dũng - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT nói vốn ngân sách nhà nước chỉ đủ cho 31 CCN trọng điểm, không đủ cho việc lập ra khá nhiều CCN ở các địa phương. Quảng Nam muốn thành tỉnh khá tại khu vực vào năm 2020, nhưng bố trí vốn chưa thực sự tập trung. Tỷ trọng cân đối vốn cho CCN cứ đi như hình sin. Từ 1,2 tỷ đồng năm 2003 lên đỉnh cao nhất 32 tỷ đồng vào năm 2011, rồi lại rút xuống chỉ còn 9,5 tỷ đồng các năm sau. Trong khi các đầu tư khác lại có xu hướng tăng. “Sẽ tham mưu UBND tỉnh tăng tỷ lệ này lên, gấp khoảng 2 hoặc 3 lần cho các năm tới mới bảo đảm tỷ lệ lấp đầy lên đến 70 - 80%, không chỉ 57,65 % như hiện tại” - ông Dũng nói.

Theo ông Nguyễn Quang Thử vốn đầu tư hạ tầng CCN chậm có thể sẽ thay đổi. Nếu từ năm 2003 đến 2015, bình quân chỉ khoảng từ 15 đến 20 tỷ đồng/năm thì đã bắt đầu gia tăng. Năm 2016, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng CCN được phân bổ 18,964 tỷ đồng. UBND tỉnh cũng phân bổ 60 tỷ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách năm 2015 cho các địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng CCN. Ông Thử nói, dự kiến năm 2016 sẽ thu hút khoảng 20 dự án đăng ký đầu tư vào các CCN với tổng diện tích đất thuê và đăng ký thuê khoảng 100ha. Tổng vốn đầu tư đăng ký theo dự án khoảng 2.500 tỷ đồng và số lao động dự kiến khoảng 3.000 người.

Một cuộc “cách mạng” mở đường cho các CCN phát triển đúng hướng và thực chất hơn đang bắt đầu diễn ra. Các địa phương đã rà soát, loại khỏi những CCN không hiệu quả ra khỏi quy hoạch. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói cơ chế nửa vời và thiếu vốn đã hạn chế đầu tư CCN. Sẽ ưu tiên tăng vốn, xã hội hóa, vay vốn… để đầu tư CCN. Các địa phương cần rà soát lại quy hoạch chi tiết, đầu tư dứt điểm, chọn lọc nhà đầu tư, loại bỏ DN ô nhiễm vào Quảng Nam. Không vì nôn nóng giải quyết lao động mà thu hút bằng mọi giá.

Thực hiện chuyên đề: TÙY PHONG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chỗ đứng của cụm công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO