Du lịch

Chỗ đứng Quảng Nam trong quy hoạch du lịch Việt Nam

QUỐC TUẤN 15/06/2024 12:19

(QNO) - Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký phê duyệt ngày 13/6 là tiền đề để ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đi vào chiều sâu.

20230224_161640.jpg
Theo quy hoạch vừa được ban hành, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu trong năm 2025 phấn đấu đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế. Trong ảnh: Khách quốc tế tại biển Cửa Đại, Hội An. Ảnh: Q.T

Phát triển theo hướng tăng trưởng xanh

Theo quy hoạch vừa được ban hành, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu trong năm 2025 phấn đấu đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8-9%/năm.

Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13-15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4-5%/năm.

Cùng với đó là mục tiêu ngành du lịch sẽ đóng góp trực tiếp 8-9% trong GDP nước ta trong năm 2025; đến năm 2030 nâng tỷ lệ này lên khoảng 13-14% trong GDP Việt Nam.

Tác động, phạm vi ảnh hưởng của ngành du lịch được hoạch định sẽ rất sâu rộng khi dự báo năm 2025 tạo ra khoảng 6,3 triệu việc làm, trong đó khoảng 2,1 triệu việc làm trực tiếp; đến năm 2030 tạo ra khoảng 10,5 triệu việc làm, trong đó khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp.

20230719_093812.jpg
Ngành du lịch được hoạch định sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, tạo sinh kế cho cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao dân trí và đời sống tinh thần của người dân

Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, tạo sinh kế cho cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao dân trí và đời sống tinh thần của người dân.

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch hướng đến là vào năm 2030, du lịch Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.

Theo tầm nhìn của quy hoạch, đến năm 2045, du lịch Việt Nam khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế; điểm đến nổi bật toàn cầu, trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Phấn đấu đón 70 triệu khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 7.300 nghìn tỷ đồng; đóng góp 17-18% trong GDP.

Vị thế của Quảng Nam

Sự phát triển mạnh mẽ của du lịch Quảng Nam, nhất là trong khoảng 20 năm qua đã giúp định vị thương hiệu du lịch địa phương là một điểm đến quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam và được hoạch định chỗ đứng khá rõ nét trong bản quy hoạch này.

dji_0901.jpeg
Theo quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hội An nằm trong số 11 trung tâm du lịch gắn với các đô thị có tiềm năng và lợi thế nổi trội. Ảnh: Q.T

Theo quy hoạch, ở nội dung phát triển các dòng sản phẩm chính có đề cập việc phát triển các sản phẩm du lịch gắn với các đô thị trung tâm: Thủ đô Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ; các đô thị đặc thù, như: đô thị di sản Hội An (Quảng Nam), Huế (Thừa Thiên Huế)...

Hội An cũng được nằm trong số 11 trung tâm du lịch gắn với các đô thị có tiềm năng và lợi thế nổi trội. Theo đó, Hội An cùng với Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình (Ninh Bình), Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang) được ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ gắn với các định hướng phát triển kinh tế ban đêm.

Định hướng quy hoạch không gian phát triển du lịch Việt Nam chặng đường sắp tới sẽ chia làm 8 khu vực động lực. Trong đó, khu vực động lực phát triển du lịch Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam sẽ thúc đẩy phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung bằng việc kết nối các di sản thế giới trong nước với quốc tế, gắn kết các sản phẩm du lịch văn hóa với du lịch đô thị và nghỉ dưỡng biển.

Trong 5 hành lang du lịch chính được hoạch định, hành lang du lịch Đông - Tây (miền Trung) sẽ hình thành trên cơ sở hành lang kinh tế Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng, kết nối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và hành lang kinh tế Nam Giang (Quảng Nam) - Đà Nẵng, kết nối với Lào qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang.

9d2f8ec1-8c2f-4ca0-86b1-fa8234e6af94.jpeg
Trong danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia, Cù Lao Chàm là một trong 17 địa điểm ở vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung được đề xuất để phát triển khu du lịch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030. Ảnh: Q.T

Ngoài ra, trong danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia, Cù Lao Chàm là một trong 17 địa điểm ở vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung được đề xuất để phát triển khu du lịch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chỗ đứng Quảng Nam trong quy hoạch du lịch Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO