Chỗ neo đậu tâm hồn

NGUYỄN ĐIỆN NAM 13/05/2018 10:37

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!
                                        (Chế Lan Viên)

Từ nơi đất ở đến chỗ hóa tâm hồn tức là ký ức tình cảm đã neo đậu, ký thác yêu thương của đời người. Con người cứ mỗi ngày đi qua gieo trồng ký ức trên mảnh đất sinh sống, tích tụ mà thành lịch sử, rồi trao truyền qua “trí nhớ” nhiều thế hệ. Mất cái nền ấy đôi khi ta trở nên bơ vơ, lạc lõng.

Nhưng lịch sử là sự trải qua và vùi lấp không ít ký ức. Chiến tranh ly loạn, nạn thiên tai đã vùi chôn bao thành quách xưa cũ, làm nhiều vùng đất “thương hải biến vi tang điền”.

Như Mỹ Sơn của Quảng Nam, hồi thế kỷ 19 thống kê còn hơn 70 đền tháp mà giờ đổ nát không còn bao nhiêu. Dưới sức trì nặng của tuổi tác già nua, mưa nắng, các đền tháp còn sót lại đang phải oằn mình chịu đựng. Những tiếng kêu khẩn cấp trùng tu liên tục phát ra, các chuyên gia vào cuộc, nhà nước đầu tư hoặc vận động kinh phí, nhưng trùng tu Mỹ Sơn vẫn là câu chuyện dài. Bởi đụng vào những lớp ký ức vùi chôn ngàn năm đâu dễ dàng. Và còn bởi phương pháp, vật liệu trùng tu, nếu không cẩn trọng sẽ “trẻ hóa” những ngôi đền. Vì vậy, nên Dự án bảo tồn và tôn tạo Khu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn được Chính phủ hai nước Ấn Độ và Việt Nam ký vào năm 2014, phải thực hiện trong 5 năm (2016-2021) đối với khu vực các tháp K, H, A. Vừa rồi cũng có ý kiến ra vào về cách thức trùng tu, hy vọng là các chuyên gia xử lý phù hợp với những hiện vật, vỉa trầm tích từ thế kỷ 12-13 bị bóc gỡ, giữ được “tính nguyên gốc” của di sản.

Điều đáng quan ngại hơn là những lời cảnh báo về sự xâm hại di tích vì  công cuộc hiện đại hóa, hoặc đô thị hóa. Không may mắn như Mỹ Sơn, nhiều di tích văn hóa, lịch sử trong nước đang đứng trước nguy cơ xóa sổ, khiến ký ức vùng đất mai một. Như chuyện từng ồn ào về Nam Ô (Đà Nẵng), các di tích Nghĩa trủng, rừng cổ thụ, giếng Chăm, miếu thờ Huyền Trân… có nguy cơ bị phủ lấp. Hay ở Hà Nội, di tích Vườn Chuối chứa đựng lớp văn hóa kéo dài nhiều thời kỳ khác nhau, từ Đồng Đậu qua Gò Mun tiến đến Đông Sơn, cách đây 3.500-3.000 năm, được phát hiện từ những năm 1970 nhưng đến giờ nằm trong khu đất đã giao cho một công ty xây dựng. Theo các chuyên gia khảo cổ học, Vườn Chuối cùng các di tích tiền Đông Sơn đến Đông Sơn trong khu vực này hợp thành một quần thể di tích có giá trị phản ánh lịch sử thời kỳ dựng và giữ nước đầu tiên của Việt Nam. Nếu quần thể này bị các công trình xây dựng mới san lấp thì cũng có nghĩa ký ức về nơi sinh sống của người Việt cổ ở đồng bằng châu thổ Bắc Bộ sẽ vùi chôn vĩnh viễn. Cũng rơi vào tình trạng như Hà Nội, ở TP. Hồ Chí Minh đang dậy lên những tiếng gọi phải bảo vệ các công trình, di tích có tuổi hàng trăm năm. Đó là trường hợp của tòa dinh Thượng thơ và nhà thờ dòng Mến thánh giá Thủ Thiêm đứng trước nguy cơ bị đập bỏ hoặc di dời. Lạ thay, vùng đất Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh trong mấy trăm năm dựng nghiệp có các công trình biểu tượng rất ý nghĩa như nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, Bưu điện thành phố... nhưng chưa được công nhận là di tích (?). Được biết, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 170 di tích đã được công nhận và còn khoảng 100 công trình đang nằm trong danh mục kiểm kê để lập hồ sơ xét duyệt di tích.

Có người nói một cách chua chát rằng chỉ có những vùng đất “mất trí nhớ” mới không bảo tồn hoặc xóa sổ di tích là các công trình đã gắn với lịch sử đời người hàng trăm năm, ngàn năm vì làm mất luôn chỗ neo đậu tâm hồn. Còn nếu xây mới một đô thị, một thành phố, hay chỉ một khu dân cư mà không có thiết chế văn hóa đi kèm thì cũng là chỗ ở vô hồn.

Nơi đất ở có thể bán mà đi trú ngụ nơi khác. Nơi đã hóa tâm hồn mà bán tất thì “ở trọ trần gian” buồn thảm biết bao!

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chỗ neo đậu tâm hồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO