Chờ ngày "bùng nổ" đầu tư

TRỊNH DŨNG 27/09/2023 06:58

Khá nhiều nhà đầu tư đã liên hệ Quảng Nam để “đặt cược” những dự án đầu tư. Những cuộc ký kết, hợp tác mở ra triển vọng cho địa phương chờ ngày bùng nổ đầu tư.

Thaco Group là nhà đầu tư nội địa lớn nhất đang đầu tư thành công tại Quảng Nam. Tập đoàn này đang triển khai thí điểm công nghiệp hỗ trợ cơ khí kêu gọi, thu hút đầu tư vào địa phương. Ảnh: T.D
Thaco Group là nhà đầu tư nội địa lớn nhất đang đầu tư thành công tại Quảng Nam. Tập đoàn này đang triển khai thí điểm công nghiệp hỗ trợ cơ khí kêu gọi, thu hút đầu tư vào địa phương. Ảnh: T.D

Hiệu quả

Thống kê hiện có hơn 1.650 dự án đầu tư còn hiệu lực (970 dự án nội địa (hơn 300 nghìn tỷ đồng) và 195 dự án FDI (gần 6 tỷ USD), gần 9.000 doanh nghiệp lớn nhỏ đang vận hành trên đất Quảng Nam.

Lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư này đã góp sức đưa Quảng Nam đứng vào nhóm các tỉnh, thành có đủ năng lực điều tiết ngân sách về trung ương kể từ năm 2017 (gia tăng từ 10% lên 14% và hiện giờ là 18%). Con số ấn tượng này là kết quả của quá trình xúc tiến đầu tư của địa phương trên bình diện rộng nhiều năm qua.

Thị trường địa phương đã từng chứng kiến sự đổ bộ ào ạt của các nhà đầu tư (nước ngoài lẫn nội địa). Tại các khu kinh tế, khu công nghiệp luôn diễn ra hình ảnh đầu tư sôi động.

Không quá khó để nhìn thấy Quảng Nam đặt cược và hy vọng vào các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế thông qua các thỏa thuận đã được ký kết và cấp phép đầu tư như: Trường Hải, kính nổi Chu Lai, gạch men Đồng Tâm, thiết bị vệ sinh Inax, thiết bi ngành may Groz Becker, Indochina Capital, Victoria, Golden Sand, Huyndai, Mazda, Heneiken, Panko, The Nam Hai, sân golf Montgomerie Links, Palm Garden…

Sự có mặt của Exxon Mobil (Mỹ), Hyosung (Hàn Quốc), Misubishi (Nhật Bản), Công ty điện Ratchaburi (Thái Lan), Trường hàng không New Zealand, Tập đoàn Mitsui (Nhật Bản), Amann (Đức), Tập đoàn UMS (Singapore), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn PHI Group… đã kéo theo làn sóng đầu tư “không ngừng nghỉ” vào địa phương (cho dù đã có sự chững lại trong vòng 3 năm dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế hiện tại).

Quảng Nam đã trở thành điểm đến của doanh nghiệp Hàn Quốc. Quốc gia này đứng hàng đầu về số lượng dự án đầu tư FDI tại địa phương (gần 60 dự án). Các doanh nghiệp này đã đưa Khu công nghiệp Tam Thăng trở thành “thương hiệu quốc tế”, hấp dẫn những nhà đầu tư được cho là khó tính như Đức đến đặt nhà máy nguyên phụ liệu ngành may Amann (và liên tục mở rộng đầu tư).

Sự xuất hiện của nhiều thương hiệu đầu tư lớn trên khắp thế giới đầu tư thành công tại địa phương, đã biến Quảng Nam thành “đất lành” cho doanh nghiệp từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư.

Không chỉ những dự án đã đầu tư, hiện tại trên khắp các vùng Quảng Nam đã có đến 60 nhà đầu tư với những dự án đã được thống nhất chủ trương, địa điểm nghiên cứu đầu tư hoặc đang lập thủ tục đất đai, chuẩn bị đầu tư...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, thành công của các nhà đầu tư hiện tại là tấm gương phản chiếu rõ nhất về môi trường đầu tư của địa phương đã được cải thiện. Việc lựa chọn nhà đầu tư, xây dựng danh mục dự án đầu tư thực tế, phù hợp với quy hoạch và yêu cầu phát triển của địa phương.

Cơ hội bùng nổ đầu tư?

Một thỏa thuận chủ trương đầu tư giữa UBND tỉnh và Hyosung Advanced Materials (Hàn Quốc) về đầu tư xây dựng cụm nhà máy công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai đã được ký kết. Chính quyền đang xem xét, thẩm định dự án của Tập đoàn Vidaxl (Hà Lan), Karcher (Đức), Công ty Điện khí Quốc Quang (Trung Quốc)… đã liên hệ với địa phương trong 9 tháng đầu năm 2023, để cấp phép đầu tư.

TS. Trần Du Lịch - Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung nói, Quảng Nam đang nổi lên như một hiện tượng trong phát triển của miền Trung. Không chỉ các dự án đã đầu tư, nhiều doanh nghiệp khác đang có ý định hợp tác, đủ để Quảng Nam tạo ra những đột phá lớn để bùng nổ đầu tư. TS. Trần Du Lịch kỳ vọng chỉ trong vòng 10 năm tới, Quảng Nam sẽ là một tỉnh năng động bậc nhất miền Trung, tăng trưởng mỗi năm 2 con số.

Đánh giá của TS. Trần Du Lịch có thể dựa vào những dữ liệu đầu tư hiện có của địa phương. Kết luận của Thủ tướng đã trở thành cơ hội vàng cho Quảng Nam thu hút đầu tư, trở thành một cực tăng trưởng trong tương lai. Các cơ chế, chính sách đều có tầm nhìn chiến lược lâu dài.

Cảng hàng không Chu Lai gắn khu phi thuế quan Tam Quang đã chuẩn bị hiện trạng sử dụng đất, thủ tục giao, cho thuê đất... để xã hội hóa đầu tư, khai thác. Quảng Nam thực hiện thí điểm phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ khí Việt Nam với “con sếu đầu đàn” Thaco sẽ kéo theo “đàn chim sẻ” dự phần.

Ngành công nghiệp dược liệu hình thành sẽ gia tăng giá trị dược liệu, bảo vệ rừng tốt hơn và gia tăng đời sống, sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Một trung tâm silica hình thành sẽ chấm dứt việc khai thác, tuyển rửa, xuất khẩu thô. Hội An, Mỹ Sơn và tài nguyên văn hóa, du lịch khác sẽ được xây dựng nên ngành công nghiệp văn hóa.

Ông Lê Trí Thanh nói, chuyện bàn định này không phải là xa vời, không phải là chuyện tương lai quá xa mà thực sự đang hiện hữu. Chỉ cần nâng các cơ sở sản xuất này lên một tầm vóc mới, có đủ tầm nhìn xa, có lộ trình cụ thể thì sẽ thành công.

Những nhà đầu tư như Công ty Parsons Brinckerhoff (Hoa Kỳ) tại Việt Nam, Thiên Tân Group - Quảng Ngãi, Tập đoàn Jk & D Intrernational, Ltd (Hoa Kỳ), liên danh Tư vấn Tedi (Việt Nam) và OCG (Nhật Bản), Vietjet Air… đã từng đề xuất tìm nguồn đầu tư, nâng cấp mở rộng sân bay quốc tế Chu Lai có thể sẽ trở lại tìm cơ hội nghiên cứu đầu tư khi các thủ tục xã hội hóa đầu tư Cảng hàng không Chu Lai hoàn tất.

Sẽ có cuộc cạnh tranh ai đổ tiền vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư phương tiện cần thiết để chiếm thế thượng phong trong việc cạnh tranh quyền hạ cánh và sử dụng kho bãi của trung tâm vận chuyển hàng hóa quốc tế của khu vực Bắc Á - Thái Bình Dương - một cửa ngõ xuất khẩu của cả Đông Nam Á.

Theo ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thông qua các cuộc gặp gỡ, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào Quảng Nam. Nhất là cuộc gặp gỡ trực tuyến EU hồi tháng 6/2022 và phiên gặp đoàn California ngày 3/8/2023, hy vọng sẽ đón làn sóng đầu tư từ Hoa Kỳ và cộng đồng châu Âu vào địa phương.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chờ ngày "bùng nổ" đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO