(VHQN) - Ngày xưa, thời chúng tôi gắn kết tình làng nghĩa xóm từ những “vòng ôm” của “Rồng rắn lên mây”, từ những nắm tay thật chặt “Dung dăng dung dẻ”. Những trò chơi con trẻ, khỏe được đôi chân, dẻo dai cơ thể, thuộc lòng không biết bao nhiêu câu hát đồng dao dễ nhớ, dễ thuộc, giản dị, mộc mạc làm cho tâm hồn chúng tôi trong sáng như trăng rằm.
Vui chơi dưới ánh trăng
Chờ những đêm trăng sáng, lũ chúng tôi í ới nhau đi về phía ngọn đồi - nơi đó bao dấu tích của chiến tranh còn sót lại - nơi đó, chỉ có loài cỏ may mọc khắp triền đồi. Ở đó dưới dãy thông hào, bên những quả bom còn sót lại, là nơi để lũ chúng tôi chơi đánh trận giả.
Chúng tôi chia phe địch, phe ta, chẳng đứa nào chịu làm giặc, toàn tranh đóng vai bộ đội. Hai bên giao chiến, dùng quả bời lời làm “đạn” trong trò chơi “bắn súng”, trái bời lời bắn vào da đau điếng, vỏ bị giập nát bay mùi cay nồng giống y “khói đạn”.
Lớn lên, mỗi đứa một phương nhưng khi nhắc về ký ức tuổi thơ, là luôn nhớ về thời thơ ấu cùng nhau chơi những trò chơi đồng dao, cùng nhau đợi trăng lên...
Bên địch bao giờ cũng thua, giơ cả hai tay đầu hàng, được dẫn độ từ dưới hầm ếch, những dãy thông hào... để “trao trả cho ta”! Người chỉ huy bên bộ đội ta thì được chọn làm thầy lang bốc thuốc.
Còn bên kia chọn người khỏe mạnh và lớn hơn để đi đầu, đứa sau đưa hai tay ôm vòng bụng đứa trước, cứ thế tiếp nối thành con rồng, con rắn, vừa chạy vừa hát, đối đáp giữa thầy thuốc và rồng rắn:
“Rồng rắn lên mây/ Có cây lúc lắc/ Có nhà hiển binh/ Thầy thuốc có nhà hay không?/ Cho tôi xin ít lửa/ Lửa làm gì?/ Lửa kho cá/ Cá mấy khúc?/ Cá ba khúc/ Cho tôi xin khúc đầu/ Cục xương cục xẩu/ Cho ta xin khúc giữa/ Cục máu cục me/ Cho ta xin khúc đuôi/ Tha hồ thầy đuổi…”.
Cũng có lúc dùng đối đáp khác: “Có, mẹ con rồng rắn đi đâu?/ Rồng rắn đi lấy thuốc cho con/ Con lên mấy?/ Con lên một/ Thuốc chẳng ngon/ Con lên hai/ Thuốc chẳng ngon/ Con lên ba/ Thuốc chẳng ngon/ Con lên bốn/ Thuốc chẳng ngon/ Con lên năm/ Thuốc chẳng ngon/ Con lên sáu/ Thuốc chẳng ngon/ Con lên bảy/ Thuốc chẳng ngon/ Con lên tám/ Thuốc chẳng ngon/ Con lên chín/ Thuốc chẳng ngon/ Con lên mười/ Thuốc ngon vậy, xin khúc đầu/ Cùng xương cùng xẩu/ Xin khúc giữa/ Cùng máu cùng me/ Xin khúc đuôi/ Tha hồ mà đuổi”.
Bầy trẻ vừa hát vừa chơi rộn ràng. Không chỉ “Rồng rắn lên mây” mà “Mèo đuổi chuột”, “Dung dăng dung dẻ... cũng vang cả xóm làng dưới ánh trăng khi mờ khi tỏ.
Sự gắn kết của những đứa trẻ
Hồi đó không có đồng hồ, không có lịch, chỉ nhìn trăng mà đoán tháng, đoán ngày, chúng tôi ai cũng thuộc lòng: “Mùng một lưỡi trai/ Mùng hai lá lúa/ Mùng ba câu liêm/ Mùng bốn lưỡi liềm/ Mùng năm liềm giật/ Mùng sáu thật trăng/ Mười rằm trăng náu/ Mười sáu trăng treo/ Mười bảy sảy giường chiếu/ Mười tám rám trấu/ Mười chín đụn dịn/ Hăm mươi giấc tốt/ Hăm mốt nửa đêm/ Hăm hai bằng tay/ Hăm ba bằng đầu/ Hăm bốn ở đâu/ Hăm nhăm ở đấy/ Hăm sáu đã vậy/ Hăm bảy làm sao/ Hăm tám thế nào/ Hăm chín thế ấy/ Ba mươi không trăng”.
Phải đợi đến mùa trăng sau, nên hẹn nhau đi chơi “trăng mười bảy”, bởi khi mọi người thấm mệt, ngủ say giấc là lũ chúng tôi lén chạy lên đồi…
Chơi thì chơi vậy thôi, nhưng đâu hiểu hết được trò chơi từ đồng dao, ngoại tôi mới giảng giải rằng, đó là tình đoàn kết giữa người với người, thông qua câu chuyện tình đoàn kết nhất trí của rồng rắn, không được “đứt đoạn”, phải kết hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn. Và ý nghĩa cao xa hơn là tính gắn bó giữa cộng đồng, là ý chí của toàn dân tộc.
Ngoại còn giải thích thêm, vì sao khi đoàn rồng rắn hát tới câu “tha hồ mà đuổi” thì thầy thuốc bắt đầu đuổi đoàn rồng rắn. Người đứng đầu làm mọi cách bảo vệ cái đoạn đuôi phía sau. Thầy thuốc cần phải làm tất cả mọi thứ để chạm được khúc đuôi, có nghĩa là chạm vào người cuối cùng của đoàn rồng rắn. Nếu thầy thuốc bắt được khúc đuôi thì người đó sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
Vì sao không bắt đoạn đầu, mới hiểu ra nguyên tắc bắt rắn của ông bà ta muốn nhanh nhất, phải chạm vào đuôi, vì phía đầu có nọc độc, dễ bị rắn cắn, khi bắt rắn phải giật mạnh làm giãn cột sống là con rắn yếu hẳn đi, sau đó quật mạnh con rắn để mất sức mạnh… Từ những trò chơi, những câu hát đồng dao mà ông bà ta đã dạy lối sống, cách đối nhân xử thế, hòa mình với thiên nhiên…
Lớn lên, mỗi đứa một phương nhưng khi nhắc về ký ức tuổi thơ, luôn nhớ về những ngày tháng tươi đẹp thời thơ ấu cùng nhau chơi những trò chơi đồng dao, cùng nhau đợi trăng. Bất chợt đêm nay văng vẳng bên tai tôi tiếng nói cười trong trẻo, tiếng í ới gọi nhau. Tôi lại thèm một đêm trăng sáng.