Chờ nương dâu xanh...

LÊ QUÂN 15/03/2018 09:42

Những người dân vùng bãi bồi Thu Bồn - Gò Nổi, xã Điện Quang (Điện Bàn) vừa khấp khởi nhen lên hy vọng về một ngày nghe lại tiếng tằm ăn lá dâu, thấy lại những nương dâu phủ xanh bãi biền.

Hái dâu ở Làng lụa Hội An. Ảnh: H.X.H
Hái dâu ở Làng lụa Hội An. Ảnh: H.X.H

Và hy vọng ấy sẽ sớm thành hiện thực, khi UBND tỉnh đã có quyết định về việc tập trung thực hiện một số nhiệm vụ nhằm khôi phục và phát triển nghề truyền thống dâu tằm tơ lụa và thổ cẩm Quảng Nam. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, ngoài việc giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban ngành, đơn vị liên quan, UBND tỉnh giao UBND thị xã Điện Bàn, Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam phối hợp với Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Điện Quang tiến hành khảo sát, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng mô hình điểm sản xuất dâu tằm theo chuỗi tại một số nơi phù hợp.

Cả làng hồ hởi… đợi

Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang kể lại câu chuyện về vùng dâu tằm Gò Nổi những năm khi nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa còn hưng vượng. Khi ấy, ở vùng ven sông Thu Bồn, nhà nhà trồng dâu, người người nuôi tằm. Năm 1977 Tỉnh ủy Quảng Nam Đà Nẵng (cũ) đã chỉ đạo cho xã Điện Quang trồng lại dâu, khôi phục nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Giai đoạn 1986-1992 là thời kỳ nghề trồng dâu nuôi tằm hưng thịnh nhất, do cơ chế khuyến khích phù hợp của Công ty Dâu tằm tơ lụa tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ. Cứ nông dân sản xuất được 1kg kén công ty sẽ thu mua giá sàn tương đương với 20kg lúa, nên nông dân hăng hái trồng dâu nuôi tằm, hầu như hộ nông dân nào trên địa bàn Điện Quang cũng kết hợp “chân ruộng, chân tằm”. Diện tích trồng dâu lên đến đỉnh điểm 340ha, lượng kén hàng năm sản xuất hơn 270 tấn. “Lúc bấy giờ Công ty Dâu tằm tơ lụa Quảng Nam - Đà Nẵng còn liên doanh với HTX Nông nghiệp Điện Quang xây dựng nhà máy ươm tơ xuất khẩu công suất 20 tấn tơ mỗi năm trên vùng nguyên liệu ngay tại xã Điện Quang. Cuộc sống của nông dân Điện Quang nói riêng, Gò Nổi nói chung, thời điểm đó rất phồn thịnh” - ông Thành nhớ lại.

Nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa sẽ “hồi sinh” nếu nhận được sự đồng thuận, quyết tâm của chính quyền và người dân.  Trong ảnh: Nông dân xã Duy Trinh (Duy Xuyên) đã bước đầu khôi phục việc trồng dâu. Ảnh: L.Q
Nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa sẽ “hồi sinh” nếu nhận được sự đồng thuận, quyết tâm của chính quyền và người dân. Trong ảnh: Nông dân xã Duy Trinh (Duy Xuyên) đã bước đầu khôi phục việc trồng dâu. Ảnh: L.Q

Và bây giờ, sau hơn 30 năm, người dân Điện Quang cùng trông đợi “lấy lại” một thời hoàng kim của vùng quê xứ lụa. Ông Lê Phước Bông, người dân xã Điện Quang, một trong những hộ hưởng ứng mạnh mẽ phong trào ươm lại cây dâu, nói rằng đã lâu lắm rồi, ông trông đợi tới cái ngày những bãi bồi ven sông đoạn nhà mình ở sẽ xanh lại màu dâu, xóm làng rộn ràng cảnh nuôi tằm, bủa kén. Còn ông Nguyễn Đức Thành thì nói, ngay năm 2016, khi nghe phong thanh tỉnh có chủ trương chọn Điện Quang để thí điểm phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm, người dân trong xã hồ hởi lắm. “Những năm 1990, mất thị trường tiêu thụ tơ, sản xuất thua lỗ, kém hiệu quả, nông dân không nuôi tằm nữa nên ào ạt đào dâu chuyển sang trồng các loại cây khác, phá vỡ vùng trồng dâu chuyên canh, người có nhu cầu nuôi tằm cũng bỏ nghề. Những năm sau này, đất đai ven sông bị sạt lở nghiêm trọng; chưa kể vài năm nay, nông dân sản xuất nông nghiệp cứ gặp phải điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” thường xuyên, hiệu quả thu nhập ngày càng thấp kém. Do đó, việc chọn chuyên canh cây dâu và khôi phục nghề nuôi tằm ươm tơ của cha ông hy vọng sẽ là một trong những bước đệm phát triển kinh tế cho nông dân vùng Gò Nổi nói chung” - ông Thành chia sẻ.

Những bước đi đầu tiên

Tỉnh đã có chủ trương, kế hoạch thực hiện hẳn hoi, do đó theo ông Thành, những việc địa phương này cần làm ngay là tổ chức quy hoạch đất ven sông, ven bãi liền vùng, liền khoảnh. “Tích tụ, tập trung đất đai, dồn điền đổi thửa, ưu tiên giao thầu đất vòng 2 cho HTX thuê để liên kết với doanh nghiệp và nông dân triển khai trồng dâu nuôi tằm, là nội dung hết sức quan trọng và có tính quyết định cho việc khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm trong thời gian đến” - ông Thành nói. Theo kế hoạch, giai đoạn 2018-2025 Điện Bàn sẽ từng bước tổ chức sản xuất chuyên canh 200ha dâu và sẽ có 800 hộ nuôi tằm, bình quân mỗi hộ trồng 5 sào dâu để nuôi tằm. Cùng với đó, bố trí 2ha đất để quy hoạch 2 điểm, một điểm dành cho HTX xây dựng nhà nuôi tằm con tập trung cung cấp cho hộ nông dân nuôi tằm lớn, một điểm  để Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam đầu tư xây dựng lò sấy kén gắn với xây dựng nhà máy ươm tơ. Hiện tại đã có 12 hộ tham gia với tổng diện tích 3ha đất và sẽ triển khai trồng dâu trong tháng 4 tới, nuôi tằm trở lại vào cuối năm 2018.

Dệt lụa ở Làng lụa Hội An.
Dệt lụa ở Làng lụa Hội An.

Ông Lê Thái Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam cho biết, khi đảm bảo được nguồn nguyên liệu cho tơ lụa, việc tìm đầu ra, thị trường tiêu thụ không phải là quá khó. Chưa kể, đã có nhiều doanh nghiệp tơ lụa tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) đang tìm cách liên kết với doanh nghiệp của Quảng Nam để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm tơ lụa xứ Quảng. “Công ty sẽ tổ chức tìm hiểu, học tập, nghiên cứu tuyển chọn giống tằm nuôi thích hợp với điều kiện của địa phương. Sau đó, cùng với HTX Điện Quang hoàn thiện quy trình nuôi tằm tiên tiến, bao gồm nuôi tằm con riêng, tằm lớn riêng, nhằm tăng năng suất kén. Đồng thời thực hiện quy trình trồng thâm canh dâu lai để tăng năng suất lá, nâng cao chất lượng lá dâu; mặt khác xây dựng mô hình thử nghiệm giống dâu mới, giống tằm mới đạt hiệu quả kinh tế cao, thích nghi với thời tiết khí hậu địa phương. Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam sẽ mời các cơ quan chuyên ngành tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm cho nông dân trên địa bàn Điện Quang” - ông Lê Thái Vũ cho hay.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - ông Lê Muộn cho biết, với chủ trương của tỉnh về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, trong thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp quan tâm đến việc khôi phục nghề dâu tằm, tơ lụa, thổ cẩm ở Quảng Nam. Điển hình như Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam, Công ty Kraig Biocraft Laboratories, với việc xin triển khai dự án thí nghiệm trồng dâu nuôi tằm tại một số địa phương phù hợp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường về lụa tơ tằm, đặc biệt là thị trường một số nước như Mỹ, Nhật Bản… rất cao. Điều này cũng đã mở ra triển vọng trong phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa ở một số vùng có điều kiện của Quảng Nam.

Sẽ có chính sách hỗ trợ khôi phục nghề dâu tằm, tơ lụa

Để phục hồi và phát triển nghề truyền thống dâu tằm, tơ lụa - thổ cẩm trên địa bàn Quảng Nam, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 627/UBND-KTN giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan sớm triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm. Trong đó, UBND tỉnh đề nghị Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam tiếp tục đảm nhận vai trò tiên phong, nòng cốt, tổ chức liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị có liên quan ở trong và ngoài tỉnh để đầu tư, khôi phục và phát triển nghề dâu tằm, tơ lụa. Triển khai xây dựng Dự án khôi phục và phát triển nghề dâu tằm và tơ lụa, tập trung ở vùng đã phát triển nghề này trước đây, nhất là các diện tích bãi bồi dọc hai bên sông Thu Bồn, Vu Gia của các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Nông Sơn và thị xã Điện Bàn. Việc triển khai thực hiện theo hướng chọn một số địa phương, đơn vị để hợp tác, liên kết làm điểm phát triển sản xuất theo chuỗi (từ trồng dâu, nuôi tằm, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, tiêu thụ…).

UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT cùng với các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam thực hiện tốt các nội dung nêu trên. Đồng thời chủ trì, phối hợp tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ phục hồi, phát triển nghề dâu tằm và tơ lụa; kiến nghị với Trung ương về chính sách hỗ trợ để phát triển các ngành nghề này. Ngành nông nghiệp phối hợp với UBND các địa phương khảo sát, đánh giá, lập quy hoạch vùng trồng dâu nuôi tằm; phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp trong khảo sát, xây dựng, lựa chọn đơn vị, địa phương thực hiện các dự án về dâu tằm. UBND tỉnh giao UBND thị xã Điện Bàn chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan phối hợp với Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam, Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang tiến hành khảo sát, tuyên truyền, vận động nông dân tham gia xây dựng mô hình điểm sản xuất dâu tằm theo chuỗi tại một số nơi phù hợp.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chờ nương dâu xanh...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO