Chợ phiên cụm xã Trà Giác - Trà Giáp - Trà Ka: Nơi giải quyết đầu ra cho nông sản

HÀN GIANG 23/10/2018 07:05

Chợ phiên cụm xã Trà Giác - Trà Giáp - Trà Ka vừa được UBND huyện Bắc Trà My khai trương hoạt động vào đầu tháng 10.2018. Chợ nhóm họp vào 3 ngày đầu mỗi tháng, được kỳ vọng sẽ giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản, thực phẩm do người dân địa phương sản xuất.

Chợ phiên khai trương vào đầu tháng 10 vừa qua, thu hút nhiều người dân đến tham quan, mua sắm. Ảnh: H.G
Chợ phiên khai trương vào đầu tháng 10 vừa qua, thu hút nhiều người dân đến tham quan, mua sắm. Ảnh: H.G

Phong phú chợ phiên

Hôm khai trương chợ phiên, người dân các xã Trà Giác - Trà Giáp - Trà Ka mang rất nhiều sản phẩm nông sản đến bày bán như gạo đỏ, bầu bí, chuối, măng rừng, mật ong, cá niên, thịt bò, gà vườn, dê, heo đen; hay các loại cây dược liệu khô đóng gói... Nhiều hàng thủ công đan lát, hay nông cụ sản xuất của các lò rèn ở thị trấn Trà My cũng góp mặt làm nên sự phong phú của chợ phiên. Chỉ trong buổi sáng khai trương, rất nhiều nông sản, thực phẩm tươi, sạch do chính tay người dân 3 xã nuôi trồng, chế biến đã được bán hết cho người dân và du khách đến tham quan.

Vượt qua phút bỡ ngỡ ban đầu khi vào vai tiểu thương ở chợ phiên, anh Hồ Văn Biên (ở thôn 1, xã Trà Ka) thoăn thoắt cân gạo, măng tươi bán theo yêu cầu mua của du khách. Mỗi lần giao hàng cho khách anh đều ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ tay. Hỏi chuyện, anh chia sẻ, sở dĩ phải ghi chép như vậy để về có cơ sở báo lại cho bà con. Họ không có điều kiện mang nông sản đến chợ phiên nên nhóm của Hồ Văn Biên chịu trách nhiệm gom hàng ra bán giúp, chứ không lấy tiền lời chênh lệch. Gạo đỏ do người dân địa phương trồng trên rẫy là mặt hàng anh Biên bán chạy nhất, mới nửa buổi sáng “mở hàng” anh đã bán hết gần 100kg. “Chợ phiên cụm xã được khai trương, bà con phấn khởi chuẩn bị nhiều sản phẩm nông sản cho chúng tôi mang ra bán. Nếu chợ phiên duy trì hoạt động ổn định, giải quyết được đầu ra cho nông sản thì bà con mình sẽ an tâm sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình” - anh Biên bày tỏ.

Cũng như nhiều du khách đến tham quan, chọn mua những sản phẩm nông sản, thực phẩm theo sở thích, chị Nguyễn Thị Tố Trinh ở thị trấn Trà My cho rằng, các mặt hàng được bà con bày bán ở chợ phiên có giá cả rất phải chăng, vừa với khả năng mua sắm của nhiều người. Mua các sản phẩm do chính tay người dân vùng cao của huyện nuôi trồng, sản xuất cũng thấy rất an tâm. Theo kế hoạch, chợ phiên cụm xã Trà Giác - Trà Giáp - Trà Ka sẽ nhóm họp cùng thời gian tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh (Nam Trà My); góp phần tạo điểm nhấn trong hành trình du khách khám phá vùng tây Quảng Nam. Ông Phạm Xuân Bách - Chủ tịch UBND xã Trà Giác nói: “Chợ phiên hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho bà con người Xê Đăng, Ca Dong, Co mua bán, trao đổi các sản phẩm hàng hóa truyền thống, hay lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung phát triển các mô hình kinh tế, để ngày càng có nhiều sản phẩm sạch, chất lượng, duy trì hoạt động ổn định của chợ phiên, vừa giúp nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình”.

Kích thích sản xuất

Công trình chợ phiên cụm xã Trà Giác - Trà Giáp - Trà Ka được đầu tư xây dựng hơn 3.000m2 từ nguồn ngân sách huyện, với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Chợ nằm tại giao lộ tuyến quốc lộ 40B và đường Trường Sơn Đông, đoạn từ Quảng Nam đi Kon Tum.

Theo ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, thời gian qua, được sự hỗ trợ từ trung ương, tỉnh, cùng với ngân sách địa phương, Bắc Trà My đã tập trung đầu tư, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Như mô hình nuôi cá lồng bè, nuôi bò, nuôi heo đen, nuôi gà đồi; trồng các loại cây ăn trái như thanh trà, cam sành, chuối, ổi... Từ những chương trình, chính sách được triển khai hiệu quả đã đưa diện mạo nông thôn miền núi trên địa bàn huyện có nhiều thay đổi tích cực, nhân dân ổn định sản xuất, đời sống kinh tế từng bước được cải thiện rõ rệt. Cùng với phát triển sản xuất, hoạt động thương mại trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư, đã có những chuyển biến và đa dạng về loại hình, tuy nhiên chưa lan tỏa rộng rãi đến các xã. Việc sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực phẩm tại địa phương vẫn còn manh mún, chưa có giá trị thương phẩm, phần lớn do thương lái thu mua với giá trị thấp làm ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân. Từ thực tế đó, huyện đã đề nghị UBND tỉnh quyết định bổ sung quy hoạch ngành thương mại, trong đó, có xây dựng chợ phiên cụm xã Trà Giác - Trà Giáp - Trà Ka.

“Việc hình thành chợ phiên đánh dấu bước chuyển đổi quan trọng trong giao thương của người dân vùng cao; giải quyết đầu ra cho nguồn nông sản, thực phẩm được sản xuất trong nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Chợ phiên hoạt động hiệu quả sẽ kích thích các mô hình kinh tế phát triển theo hướng hàng hóa, trên cơ sở tận dụng được nguồn tài nguyên đất đai dồi dào và lực lượng lao động nông nhàn tại địa phương. Đồng thời nâng cao nhận thức cho nhân dân trong sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế vườn nhà, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện” - ông Nhuần nhìn nhận.

HÀN GIANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chợ phiên cụm xã Trà Giác - Trà Giáp - Trà Ka: Nơi giải quyết đầu ra cho nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO