Chợ phiên mùa biển động

Ghi chép của MINH ĐỨC 26/11/2016 08:00

Chạy theo mùa, nay đây mai đó là đặc điểm chung của nhiều chợ vùng bãi ngang ven biển. Mùa đông, biển cồn cào, phiên chợ cá ở thôn Tân Bình Trung (xã Tam Tiến, Núi Thành) phải dời sâu vào ven sông Trường Giang. Nhưng tôi đi chợ lần nào cũng có cảm giác như đang chứng kiến ngư dân thu được một mẻ cá đầy, cả làng xúm lại xuýt xoa…

Nhiều ghe thuyền cập bến, phiên chợ bắt đầu nhộn nhịp.Ảnh: MINH ĐỨC
Nhiều ghe thuyền cập bến, phiên chợ bắt đầu nhộn nhịp.Ảnh: MINH ĐỨC

Vùng biển ngang Tam Tiến rất trù phú, có nhiều rạn đá dưới đáy biển với nguồn lợi hải sản dồi dào, đa dạng chủng loại. Địa phương có hơn 300 phương tiện, chủ yếu khai thác ở tuyến lộng với các nghề chụp mực, giã cào, mành mùng… Do khai thác gần bờ nên hải sản ở đây nổi tiếng tươi ngon, chợ biển nơi này lúc nào cũng đông người, bất kể nắng mưa. Mùa hè, chợ hình thành ngay trên bãi biển vào mỗi sáng, người đi chợ cứ như ùa ra mặt sóng để tranh mua từng rổ cá tươi. Còn mùa biển động, chợ phải di dời, túm tụm ở một khoảnh đất ven sông Trường Giang, nhưng vẫn cảnh bán mua sôi động, cá mực được chở về đây tấp nập, lấp lánh ánh bạc giữa đêm...

1. Mười hai giờ khuya, phiên chợ hình thành với vẻ ngái ngủ. Vài bóng điện quả ớt tù mù giăng ở bến sông, chỉ thấy những đốm sáng từ các bếp lò đang nhen nhóm đun nấu các nồi nước nhưn bún, mỳ. Trên khoảnh đất nhỏ, những thúng, mủng, rổ, ki… được đặt chật kín và người đi chợ đã họp thành từng tốp ngồi rủ rỉ. Và những câu chuyện cũng thưa nhỏ dần.

Đến hẹn lại lên, kể từ ngày bước qua mùa biển động, nhiều người đến đây để chờ đợi như kiểu đàn bà ngồi chờ thuyền trước sóng, ngóng đợi những người đàn ông lăn lộn với biển khơi trở về, giống một số cảnh được miêu tả trong tiểu thuyết “Mùa tôm” mà tôi vừa hình dung ra. Nhưng dường như tôi đã nhầm, từng tốp phụ nữ ngồi dưới chút ánh sáng le lói kia chưa hẳn là “đàn bà biển”, mà họ là những tiểu thương, rổi cá đến từ tứ xứ, có người ở tận Tiên Phước, Phú Ninh, Quảng Ngãi... Có lẽ vì đường sá xa xôi, ngại đi lúc nửa đêm nên họ “ém quân” ở đây từ sớm, nhiều người còn tranh thủ đánh được một giấc trước khi phiên chợ bắt đầu, hoặc phải ngủ gà ngủ gật, vất vả với mưa gió thất thường vào mùa đông. Và có vẻ như phiên chợ bắt đầu họp với vẻ ủ rũ ấy. Không như những tiểu thương địa phương, tối đến họ qua đây giăng thúng mủng giành chỗ rồi về nhà ngủ thẳng cẳng, ghe chở cá gần tới bến là điện thoại reo ngay.

Tôi không thích mấy cảnh chờ đợi như thế này, nhưng đành phải đến sớm cho chắc vì không biết phiên chợ lúc nào mới bán mua tấp nập, mà nghe nói cũng chỉ diễn ra vài chục phút. Nhưng rất may, lúc tôi định quay về ngủ tiếp thì hàng loạt chiếc bóng đèn bật lên, sáng bừng cả mặt sông. Tiếng máy nổ chát chúa nghe lúc một gần hơn, rồi nhiều phương tiện chở ăm ắp cá mực lần lượt tấp vào bờ. Có lẽ đây là lúc cao trào của phiên chợ này. Người ở đâu đông như hội ào ra bến sông, kẻ xách người bưng hối hả. Hàng tấn cá mực được đưa xuống bãi. Hải sản ở đây chủ yếu là những loại cá lớn, mực, ốc, tôm sú… được khai thác bằng nghề giã cào, vốn ăn nên làm ra vào mùa này. Bến sông như vỡ ra, tiếng í ới, kỳ kèo, mắng mỏ. Cảnh người đứng kẻ ngồi ken dày. Mùi cá tanh nồng phả trong hơi sương…

2.Chị Nguyễn Thị Chung (một người dân địa phương) đang tất bật với mấy rổ cá vừa mua được, đôi tay đang thoăn thoắt bốc xếp, phân chia những con cá lớn nhỏ nhưng mắt cứ hướng về những thúng hải sản vừa được đưa xuống bãi. Chị nhất quyết không cho chúng tôi chụp ảnh nhưng quay qua một tiểu thương kế bên năn nỉ “ngồi im rứa, cười tươi lên” để tôi kịp chớp vài kiểu. Chị không cho chụp ảnh với lý lo “bọn trẻ bây giờ mạng mẽo rành lắm, đăng lên báo tiếng trước tiếng sau là hắn thấy liền, dị chết”. Chị Chung buôn bán cá đã mấy chục năm nay và “chạy” theo phiên chợ này cho hết mấy tháng mùa đông. Nhiều người ở đây biết chị vì gia cảnh đơn chiếc, nhờ bám chợ từ biển đến sông quanh năm mà nuôi được đứa “con riêng” ăn học nên người. Năm vừa rồi đứa con gái của chị tốt nghiệp đại học, được giữ lại trường và cho đi học ở nước ngoài. Những tiểu thương quanh chị ai cũng nói về điều này với vẻ tự hào, còn chị thì cứ diễn giải niềm vui ấy theo cái nhìn thực tế của mình, rằng trước mắt không phải lo xin việc, còn về già, khi đôi vai không còn sức để gồng gánh thì cũng có nơi nương tựa. Chị nói: “Bây giờ thì khỏe hơn rồi, không còn lo dành dụm từng đồng gửi cho con. Chuyện bán mua cũng khấm khá hơn. Chợ này hình thành mấy năm nay chứ hồi trước mùa biển động là tan tác hết. Được ít nhiều chi chừ ngư dân cũng đưa về đây chứ không bán ở nhiều nơi như trước. Nhờ rứa mà cái nghề của mình cũng ngược xuôi quanh năm”.  

Cá tươi được đưa lên chợ.Ảnh: MINH ĐỨC
Cá tươi được đưa lên chợ.Ảnh: MINH ĐỨC

Phiên chợ trái mùa ở vùng bãi ngang Tam Tiến đang tạo ra những nguồn thu nhập cho nhiều người, bớt đi cảnh ăn không ngồi rồi trong mấy tháng mùa đông. Ngoài hàng trăm tiểu thương tập trung về đây mỗi đêm, đưa đón hàng tấn cá mực phân phối ở khắp nơi để kiếm lời thì đội ngũ ngư dân làm nghề trung chuyển cũng có thêm nguồn thu nhập ổn định. Như anh Huỳnh Văn Phu (thôn Phước Lộc, xã Tam Tiến), mấy năm nay vào mùa đông không còn phải kéo phương tiện của mình gối bãi. Mùa này, các ghe thuyền khai thác hải sản ở địa phương không thể về neo đậu tại bãi ngang mà tập trung về cảng Kỳ Hà để tránh sóng gió sau khi kết thúc chuyến biển, nhưng thị trường quen thuộc của họ là ở vùng biển Tam Tiến. Anh Phu rủ thêm một ngư dân, cùng nhau nhận vận chuyển hải sản từ Kỳ Hà về đây tiêu thụ. Anh kể, với “hợp đồng” trung chuyển hải sản cho 4 chiếc giã cào, mỗi chiếc trả 200 nghìn đồng/chuyến, trừ chi phí, một đêm anh thu nhập khoảng 500 nghìn đồng. Làm nghề này được cái không phải chống chọi với sóng gió mùa đông, nhưng cũng không dễ dàng như “lấy đồ trong túi”. “Ớn nhất là đêm hôm xuôi ngược trên sông, phải nhớ từng cái rớ, cây cọc, từng chỗ nước cạn nước sâu; rồi luồn lách qua ghe thuyền chằng chịt ở cảng Kỳ Hà để cập vào lấy cá. Làm biển mà, có nghề nào sướng đâu…” - anh Phu nói.      

Mỗi đêm có hàng chục phương tiện như anh Phu chở cá mực về cập chợ. Cảnh mua bán tấp nập hiện ra trước mắt tôi, không kém cạnh những phiên chợ chính vụ vào cái thời biển còn rộng rãi ban phát nguồn sống cho dân chài. Ngày ấy, cá mực còn nhiều, một chiếc thúng chai bơi ra khỏi sóng với một vài ống câu là có thể tay xách nách bưng cá mực. Còn với nghề mành đèn, “con nước” nào cũng thấy nhiều chiếc thuyền “kéo cờ đỏ” báo hiệu cá đã đầy khoang, kêu dân làng cùng ùa ra phụ khiêng chia cá. Ở vùng bãi ngang, sóng gió thất thường, người dân có thói quen chờ đợi nhau vào bờ khi biển giã bội thu và cả những lần gió lốc bất chợt. Người ta cùng kéo nhau vượt sóng vào bờ hoặc xúm lại gánh gồng. Thời mà cá còn rẻ hơn muối vì đường sá cách trở, thì chỉ có đôi vai biết san sẻ và tinh thần đoàn kết, nương tựa lẫn nhau mới thoát khỏi cực khổ, hiểm nguy. Còn giờ đây, hải sản đã có đầu ra ổn định, phiên chợ là hình ảnh cụ thể về sự đổi thay của vùng đất này, là nơi người ta có thể gặp nhau và gìn giữ hoặc nhận ra chút tình của dân biển để cùng dìu dắt vượt thoát đói nghèo. Biển không còn rộng rãi nữa nhưng kinh tế nhiều gia đình đã khá lên thấy rõ. Hiếm có nơi nào như nơi này, chính sách phát triển thủy sản cho vay vốn rất ưu đãi nhưng nhiều người có điều kiện vẫn không chịu đóng tàu lớn vươn khơi, ngư dân vẫn “tối đi sáng vô” còn tiểu thương thì vẫn muốn chạy chợ từ biển vào sông.  

Chợ tàn nhanh. Hối hả phía mấy ngả đường còn mờ mờ bóng đêm là những bước chân không kịp để lại dấu. Họ lao đi cho vừa phiên chợ sáng…

Ghi chép của MINH ĐỨC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chợ phiên mùa biển động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO