Chợ phiên ở Tây Giang

NHẬT MINH 13/08/2013 08:31

Không vồn vã mời chào, không trả giá nhưng ai cũng thích thú với gian hàng nông sản, nông cụ của đồng bào Cơ Tu ở chợ phiên Tây Giang (nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 10 năm tái lập huyện) vừa diễn ra.

Bán hàng kiểu Cơ Tu

Trong 15 gian hàng tại phiên chợ do huyện Tây Giang tổ chức nhân kỷ niệm 10 năm tái lập huyện, có đến 10 gian được ưu tiên dành cho bà con Cơ Tu của 10 xã trên địa bàn. Có thể tìm thấy ở đây tất cả những “đặc sản” của vùng cao Tây Giang từ rau củ quả cho tới sản phẩm truyền thống như vải thổ cẩm, các mặt hàng từ đan lát, mật ong rừng cho đến các loại rượu của người bản địa.

Các loại rau củ quả được bày bán tại phiên chợ do huyện Tây Giang tổ chức.                                                                                      Ảnh: NHẬT MINH
Các loại rau củ quả được bày bán tại phiên chợ do huyện Tây Giang tổ chức. Ảnh: NHẬT MINH

Trái cà, búp măng, trái thơm, củ sắn, củ khoai, khúc mía... xưa nay được treo trên góc bếp của người Cơ Tu, nay đã có mặt tại các gian hàng. Tại đây, giá bán các loại mặt hàng được tính theo cân nặng và tùy loại sản phẩm. Tuy nhiên, cũng có một vài sản phẩm được bà con linh động bán hàng theo kiểu “thuận mua vừa bán”. Tức là các mế, các chị cũng giảm giá một chút lấy lòng người mua chứ ai cũng hiểu ở phiên chợ vùng cao rất ít khi bà con nói thách.  Riêng gian hàng trưng bày sản phẩm lưu niệm đan lát truyền thống Cơ Tu như mâm đựng cơm, nong, nia, giỏ, túi xách... được ưa chuộng và bán rất chạy mặc dù giá không “mềm”. Như chiếc mâm có đường kính bằng vòng tay người ôm được định giá 500.000 đồng, chiếc gùi của đồng bào được đan tinh xảo có giá hơn 600.000 đồng…   Mua được cặp sản phẩm mâm đựng thức ăn, ông Ríah Ka (ở thôn Arooih, xã Ga ry)  tỏ ra rất thích thú. Theo lý giải của ông, người Cơ Tu sinh sống ở 3 vùng thượng, trung và hạ, tuy đồng nhất nhau nhưng cũng có những khác biệt mang tính vùng miền. “Tôi thấy 2 chiếc mâm đan lát này là mua luôn. Một chiếc mang về nhà dùng để đãi khách cho sang, chiếc còn lại tôi mang biếu làm quà. Bà con mình dù tiến bộ mấy thì những món quà truyền thống của người Cơ Tu luôn có giá trị đặc biệt của nó trong đời sống. Hai chiếc với giá 1 triệu đồng, tôi thấy cũng hơi đắt nhưng không phải lúc nào muốn mua cũng có. Hơn nữa, chiếc mâm này không chỉ được làm bằng công sức của người làm ra nó mà nó còn được phun một lớp keo chống nước, mọt, bền và chắc hơn nhiều. Bà con bữa ni cũng biết ứng dụng và bắt chước kỹ thuật làm đồ gỗ của người Kinh đấy. Tôi mừng lắm!”

Quảng bá là chính

Bên cạnh chất lượng của sản phẩm, vấn đề “nội thất” cho gian hàng cũng được các mế, các chị chú ý thiết kế để thu hút khách. Gian hàng chia làm hai phần, phần đầu là khu tính tiền, kiểm tra, thử sản phẩm; phần còn lại là bài trí sản phẩm theo từng khu đặc trưng. Các chị chủ hàng cho biết, đã tham khảo một số nơi về cách trưng bày. “Thi thoảng mình cũng đi siêu thị ở thành phố, mình thấy họ làm rứa, thấy cũng đẹp nên mình bắt chước làm thôi. Nhưng mình làm theo cách của mình, thấy để đâu đẹp, tiện và người ta dễ nhìn là được rồi” - chị Bhríu Thị Bập ở gian hàng nông sản xã Dang cho biết.

Để hình thành những gian hàng Cơ Tu trong phiên chợ Tây Giang cũng lắm gian nan, nhất là với 4 xã vùng cao biên giới: Ga ry, A xan, Ch’ơm và Tr’hy. Theo chủ trương của huyện, mỗi xã được bày bán các mặt hàng của mình tại một gian hàng chung. Để làm tốt công tác này, huyện chỉ đạo xuống xã, xã phổ biến xuống thôn, thôn xuống từng hộ dân vận động bà con mang hàng xuống bán. Số lượng các hộ tham gia, các mặt hàng bày bán không hạn chế. Tuy nhiên, do điều kiện giao thông đi lại khó khăn, phương tiện vận chuyển không có, phần lớn các các hộ phải tự vận chuyển xe máy dẫn đến tình trạng các mặt hàng không còn chất lượng như ban đầu. Chị Bh’ríu Thị Mỹ (xã Tr’hy) nói: “Nhà mình chở bằng xe máy nên dứa, chuối, các loại rau củ quả... bị bầm dập hết. Cái nào hư thì mình cho bà con ở trung tâm về ăn, cái nào tốt thì mang ra bán. Hầu như hư hết một nửa số hàng mang xuống rồi, nhưng thấy được tham gia phiên chợ của huyện thế này cũng vui lắm”.

Phần lớn lượng khách đến với phiên chợ Tây Giang chủ yếu là khách tham quan; các mặt hàng, nhất là rau củ quả rất khó tiêu thụ. Vậy nhưng ai tham gia phiên chợ Tây Giang đều cảm thấy rất phấn khởi. Chị Bh ríu Thị Mỹ thành thật: “Bán hàng không chạy nhưng không buồn đâu. Cái bà con cần là có thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm của người Cơ Tu địa phương”. Cũng như chị Mỹ, rất nhiều đồng bào Cơ Tu khi tham gia phiên chợ Tây Giang đều muốn thông qua các sản phẩm ở phiên chợ, nhiều người biết đến đời sống người Cơ Tu chốn rẻo cao Trường Sơn đã đổi thay rất nhiều.

 NHẬT MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chợ phiên ở Tây Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO