Chợ quê

VÕ VĂN TRƯỜNG 10/02/2018 12:19

Cũng lạ, chẳng hiểu sao, tết cứ gợi cho người ta nhớ đẩu đâu. Mình có còn đứa trẻ trâu nữa đâu mà cứ mong tết về. Lại nhớ chợ quê những ngày giáp tết. Tôi xa quê, xa ngôi chợ làng cũng đã lâu, nhưng mỗi dịp tết lại lan man nhớ những phiên chợ tết theo mẹ đi chợ. Hình ảnh về những phiên chợ tết thời gian xa hơn trong thơ Đoàn Văn Cừ cứ thôi thúc tâm trí trẻ thơ của tôi sự tò mò tìm kiếm. Đâu rồi “Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ/ Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán/ Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản/ Tay mài nghiên hý hoáy viết thơ xuân/ Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/ Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ…” .

Chợ quê ngày tết. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Chợ quê ngày tết. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tôi nhớ thói quen đi chợ tết của mẹ. Có lẽ nó tự nhiên hình thành rồi ăn sâu trong tiềm thức như những người dân quê tôi. Với bà, ngày tết nhất thiết phải có lá dong để gói bánh, chút hoa quả để dâng lên tổ tiên và cái kẹo, cái bánh làm quà cho mấy đứa trẻ nhỏ. Chợ Đồng Tranh quê tôi ở ngay ngã ba Phú Bình (huyện Hiệp Đức) ngày đó cũng chỉ lác đác mấy hàng quán, chợ họp hàng hóa cũng giản đơn… muốn mua bán thong dong đủ đầy hơn thì bà con quê tôi phải lặn lội gần chục cây số để đi chợ Việt An. Vì đây là chợ đầu mối của cả vùng, có cả xe hàng chở cá từ biển lên hẳn hoi. Tôi nhớ chợ Việt An họp từ sáng sớm kéo dài đến tận chiều với đủ hàng hóa. Giáp tết, thời tiết cuối đông, thường là mưa lất phất nhưng vẫn không thể ngăn dòng người nô nức đổ về chợ để mua sắm. Nhiều gia đình có “cây nhà lá vườn” tranh thủ đem ra chợ bán để kiếm tiền sắm tết, nhiều em nhỏ cũng ra chợ canh hàng, phụ giúp mẹ buôn bán. Phiên chợ quê trở nên tấp nập, đông vui hơn bao giờ hết. Các mặt hàng được bán chủ yếu của nông dân làm ra như củ kiệu, củ hành, xấp lá chuối, mấy đòn bánh tét, rổ bánh chưng hay những vật dụng thường ngày như cây chổi, bó rau, bó hoa hay nải chuối, trái bòng chưng bàn thờ ngày tết...

Năm nào cũng vậy, bắt đầu khoảng 20 tháng Chạp trở đi, chợ thường đông hơn, buôn bán cũng sầm uất hơn bởi người người tập trung mang những sản vật làm ra được đi bán. Thậm chí người từ thành phố cũng về đây mua những sản vật từ các chợ quê vì họ tin tưởng độ an toàn của sản phẩm chợ quê. Nhớ nhất là phiên chợ 23 tháng Chạp, khi ông Công, ông Táo về trời.  Không khí nhộn nhịp hẳn lên, các hàng bán gạo nếp, thịt heo, thịt bò, gà, rau xanh các loại lúc nào cũng tấp nập người mua. Đắt hàng nhất là các hàng bán cá chép vàng, hương, vàng mã, giấy tiền phục vụ ông Công, ông Táo chầu trời. Tiếng người mua trả giá thêm một bớt hai, tiếng mời chào bán mua hòa trộn vào nhau khiến cho cả không gian chợ quê trở nên náo nhiệt.

Chợ Việt An khác với những chợ vùng quê khác bởi tính đa dạng của dân họp chợ. Dân họp chợ ở đây được xem là tứ xứ, từ Quế Sơn qua, Hiệp Đức xuống, Thăng Bình lên và cánh nữa đi ra từ Tiên Phước. Lời chào mời, câu trả giá bán mua âm vực giọng nói cũng  khác nhau. Lâu thành quen, người sành chợ thuộc cả tính bán tính mua, cách nói chua ngoa của kẻ chợ từng vùng. Đặc biệt địa danh chợ Việt An cũng đã đi vào câu hát ru nằm lòng nhiều thế hệ: “Bồng con mà bỏ vô nôi/ Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu/ Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/ Mua cau Đông Phú, mua trầu Việt An”.  Lý giải điều này một nhà giáo lão thành quê tôi cho hay, Việt An là chợ quê thật nhưng nó có lịch sử ra đời rất sớm. Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, trong cuốn viết về Quảng Nam, ở mục chợ quán ghi Quảng Nam có 32 chợ. Trong 32 chợ có tên chợ Việt An. Bộ sách này được chỉnh sửa vào năm 1909 thời Duy Tân. Quyển 5 viết về Quảng Nam, ở mục chợ quán ghi Quảng Nam có 63 chợ. Sách ghi rõ hạng thuế của mỗi chợ. Lúc bấy giờ ngạch thuế chợ chia làm chín hạng. Chợ có ngạch thuế hạng nhất là chợ Vạn ở Tam Kỳ. Chợ Được ở xã Phước Ấm (Thăng Bình) hạng hai. Chợ Chùa ở thôn Phụng Châu Tây thuộc huyện Duy Xuyên hạng ba. Ngạch thuế hạng bốn có chợ Cẩm Sa (Điện Bàn), chợ Bàn Thạch (Duy Xuyên), chợ Quán Rường ở xã Mỹ An huyện Hà Đông (nay là huyện Phú Ninh) và chợ Việt An.

Đó là nói về câu chuyện lai lịch của chợ Việt An, còn chợ tết ở đây thì năm nào cũng vậy. Bất chấp cái lành lạnh của những ngày cuối đông, người bán kẻ mua như quên thời gian, ai cũng mang chung một tâm trạng hưng phấn. Từ xa nhìn vào chợ, người ta bắt gặp một rừng người với áo quần đủ màu sắc sặc sỡ, nhấp nhô di động như một đàn bướm sau một đợt thiên di trú đông nay tìm về chốn cũ. Ngắm nhìn phiên chợ, dường như những mảng màu sặc sỡ của cuộc sống đều tụ lại nơi đây. Chợ tết hiển hiện cái suy nghĩ kiểu tiểu nông lâu đời của dân mình là “làm cả năm, chỉ dành đi chợ ba ngày tết”. Nhiều gia đình chờ đến ngày cận tết mới sắm sửa nhưng có người đi chợ tết chỉ để xem hàng hóa, chào hỏi nhau, để cùng cảm nhận mùa xuân đang về. Với những người rời quê ra phố thị sinh sống như tôi, mỗi dịp cận tết lại về quê, lại xăng xái đi chợ cùng chị (mẹ tuổi cao sức yếu đã không còn đi chợ nữa rồi). Đi chợ mà chỉ để ngồi nhấp ly cà phê, ngẫm ngợi chút dư âm ngày tháng. Và nhìn thấy chị xách giỏ ra khỏi cổng chợ, trở về, để hoài vọng nỗi háo hức mong chờ gói kẹo miếng bánh thuở ấu thơ yêu dấu…

Mấy chục năm rồi mà tâm trí tôi vẫn in đậm tâm trạng đêm trước hôm đi chợ tết. Thường thì tôi không ngủ được vì vui sướng và hồi hộp. Mới tờ mờ sáng, khi sương còn nặng hạt, cái lạnh còn căm căm, mọi người đã trở giấc gọi nhau í ới, gồng gồng gánh gánh ra đường thật sớm để còn kịp bán mua. Nhà ai cũng có người đi chợ và lẽo đẽo có trẻ con đi theo. Vì vậy không khí vui vẻ, nhộn nhịp khác thường.   

Khi những ngày cuối cùng của năm đang dần khép lại, là những hoài niệm về phiên chợ tết ngày xưa lại hiện về trong ký ức của tôi. Ai đó bảo chợ quê bỗ bã nhưng thanh bình. Một góc ồn ào trong bình lặng làng quê. Chợ tết quê tôi chính là nơi để tôi có thể tìm về và cảm nhận sâu sắc hơn sự gắn bó với cộng đồng, sự giao hòa với đất trời, vạn vật khi mùa xuân đang tràn về trên khắp quê hương, xứ sở.

VÕ VĂN TRƯỜNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chợ quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO