Theo bước đi thời gian, có lẽ ai cũng đều trải nghiệm qua ba hình thái chợ ấy trong vòng mấy chục năm nay. Nhưng lối rẽ vào chợ là tùy ở mỗi người, mang theo những cảm nhận và tâm thế khác nhau, với hai chiều truyền thống và hiện đại.
Như chuyện của đứa em gái hơn 15 năm mới từ Mỹ trở lại Tam Kỳ và xứ Quảng, em tỏ bày cảm nhận nhiều điều khác lạ.
Quê nhà đã có những ngôi chợ, siêu thị, cửa hàng sang trọng hơn. Đồng thời chợ ảo thiết lập trên nền tảng số, internet, cũng đã phổ cập, nên người ta mua hàng rôm rả mà không cần tới chợ.
Dẫu vậy, ngang qua chợ Tam Kỳ, ở góc nhô ra phía đường Bạch Đằng, em nói vẫn thích không khí nửa quê nửa phố, nôn nao kỷ niệm một thời.
Rồi thoáng ưu tư khi kể chuyện bên Mỹ, hiện đại lắm nhưng vẫn có nơi dành mở không gian chợ quê, để người ta trồng được thứ gì ở vườn nhà thì đem ra bán.
Thường khu nào người Việt xa xứ quây quần đông đúc thì lại có kiểu chợ xôm tụ như thế. Hình như níu chút hồn quê xứ sở với người ở nơi xa đất nước là một nhu cầu tinh thần, để ra chợ gặp gỡ, trò chuyện, mặc cả mua bán cho vui.
Ngược chiều cảm xúc từ nơi văn minh hiện đại trở lại truyền thống nét xưa chợ quê với người trở về từ phương xa, có lẽ là tâm thức vương vấn kỷ niệm đời thường.
Như tôi ở phố phường ngót 27 năm nhưng mỗi khi về quê lại ưng vào chợ tìm hình ảnh mấy “bà già trầu” ngồi bán xôi chè, mắm muối, và đủ thức quà “bánh đúc, bánh nậm, bánh bèo/ bánh tráng, bánh ú, bánh xèo, bánh tro/bánh khô, bánh thuẫn, bánh bò…”.
Có nơi tiếng tăm như vùng Gò Nổi, nông thôn mới khang trang mà chợ quê vẫn còn đầy cảm xúc ấy khi ngang qua Hà Mật, Phú Bông,…
Rồi không ít làng lên phố, một thời không xa phố - chợ là mô hình thu hút đầu tư. Chợ phố thai nghén cách thức bán buôn mới.
Như việc kết nối các đại lý, cửa hàng chung quanh phố vào đến khu trung tâm chợ; lại quy hoạch khác kiểu chợ cũ là theo loại hàng chuyên biệt hóa.
Chợ phố có chỗ dành bán thức hàng quê, hàng xén kiểu quê mùa mua hàng trả tiền mặt; lại có gian trưng bày hiện đại bán hàng hiệu, có quét mã vạch hoặc QR kiểm tra xuất xứ hàng hóa và thanh toán qua tài khoản.
Từ chợ phố đến kiểu chợ số cũng đã hình thành, nghĩa là kết nối qua cả thương mại điện tử, để nếu người ta cần hàng sẽ tiếp tục cung cấp bởi mạng lưới shipper.
Không thể cản trở xu thế chợ số đang lan tỏa phạm vi quốc gia và toàn cầu. Vậy nên nông dân cũng phải tiếp cận thương mại điện tử, qua chợ số mà bán hàng.
Trước đây nông sản khô mới được shipper chuyển đi, nay thì cả hoa quả tươi, thủy hải sản, cây giống, cây cảnh… đều có thể. Sức mua qua mạng ngày càng tăng. Bằng chứng như mô hình “cây xoài nhà tôi” ở tỉnh Đồng Tháp (nơi có hơn 9 nghìn héc ta xoài với sản lượng hàng năm hơn 90 nghìn tấn), nông dân đã bán trái cây này qua mạng với cách thức hiện đại.
Theo đó, có cả cơ sở dữ liệu được tạo lập quản lý tất cả cây xoài tham gia mô hình, mỗi cây đều gắn mã QR. Quét mã đó có thể biết được địa chỉ người trồng xoài, thông tin định danh, tuổi cây, loại cây, giá bán, đáp ứng tiêu chuẩn VietGap, Global Gap ra sao… để đặt mua. Có cây xoài cát Hòa Lộc đã được đặt mua 10 triệu đồng, tới kỳ thu hoạch sẽ được đóng gói toàn bộ số quả gửi đi.
Thiển nghĩ những loại nông sản có tiếng của xứ Quảng như lòn bon Tiên Phước, Đại Lộc, Nam Giang; dưa hấu Kỳ Lý; quế Trà My; rau Trà Quế, Hưng Mỹ… áp dụng mô hình này sẽ có thương hiệu lan tỏa hơn.
Từ chợ quê, chợ phố đến chợ số là cả hành trình từ truyền thống đến văn minh hiện đại. Nhưng neo lại với người là chợ loại gì cũng cần chất lượng, cần cái tình chân thật trong giao thương.