Chợ sâm vùng cao

NGUYỄN DƯƠNG 17/10/2017 14:22

Gọi đấy là phiên chợ đặc biệt cũng chẳng ngoa, bởi không sự mặc cả, chủ hàng  nói giá, khách ưng thì mua, không có một tiếng kỳ kèo. Và có không ít người bán chỉ nhận tiền mệnh giá 500 ngàn đồng, vì “tiền lẻ nhiều, đem về leo núi mệt lắm!”.

Giá trị sâm Ngọc Linh ngày càng tăng cao đem lại thu nhập ổn định cho người dân Nam Trà My. Ảnh: N.D
Giá trị sâm Ngọc Linh ngày càng tăng cao đem lại thu nhập ổn định cho người dân Nam Trà My. Ảnh: N.D

1. Sau khi Lễ hội sâm núi Ngọc Linh được tổ chức vào 6.2017 thành công rực rỡ, nhiều người đua nhau lên Nam Trà My xem củ sâm Ngọc Linh nó như thế nào. Cộng với sức mạnh của truyền thông, sâm Ngọc Linh đã trở nên đắt hơn vàng bởi nó đã thành một sản phẩm của quốc gia!  Chính vì vậy, huyện Nam Trà My tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh hàng tháng, như một cách để từng bước quảng bá thương hiệu cho khách hàng trong cả nước. Và không ngoài dự đoán, khi phiên chợ sâm chưa lần đầu tiên khai mạc vào đầu tháng 10 vừa qua, tại các gian hàng bày bán đã đông nghịt người. Chỉ sau chừng vài tiếng đồng hồ, có người đã thu về hơn 1 tỷ đồng. Với chừng 30 gian hàng được bố trí trong khu chợ luôn được khách hàng đặc biệt quan tâm. Người mua về dùng, người làm quà biếu, người chỉ đơn giản đi xem để biết củ sâm nó như thế nào mà thôi. Cả phiên chợ không có lấy một tiếng mặc cả. Có chăng, đó là những thắc mắc, giải thích về cách phân biệt đâu là sâm thật, đâu là sâm giả...

Có những mặt hàng mới nhìn con số đã thấy... choáng! Như bình rượu ngâm 14 củ sâm Ngọc Linh được kết lại với nhau có giá 200 triệu đồng, hay củ sâm 7 năm tuổi, thân cao gần 1m có giá đến 250 triệu đồng. Đắt thế, nhưng tất thảy đều đã có chủ. Thậm chí, còn không đủ hàng đáp ứng nhu cầu của khách. Theo chị Huỳnh Thị Sâm - Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Sâm, chỉ trong 6 tiếng đồng hồ, gian hàng của chị đã bán hơn 10kg sâm củ, thu về gần 1,2 tỷ đồng. Ngay trong đêm, chị đã huy động người thân lên các chốt sâm để tiếp tục gom hàng về bán cho khách trong ngày tiếp theo của phiên chợ. “Sau phiên chợ, chúng tôi đã trực tiếp giao thêm cho khách hơn 7kg củ sâm Ngọc Linh nữa. Người ta tin tưởng vì mua sâm tại chính vùng sâm” - chị Sâm cho hay.

Lặn lội từ Hà Nội vào Đà Nẵng rồi bắt taxi từ đó lên đây để tìm mua sâm, anh Trần Quốc Bảo sẵn sàng bỏ ra gần 300 triệu đồng để mua cho mình 3kg sâm Ngọc Linh. Bởi theo anh, không dễ gì mua được sâm tại chính gốc, chất lượng được đảm bảo. “Một lần đi là một lần khó. Lại mua được sâm thật nên sẵn sàng mua. Mình ít tiền,  mua chừng đó, chứ không sẽ mua thêm nữa” - anh Bảo cười. Có lẽ cũng chính vì thế, mệnh giá đồng tiền được dùng tại phiên chợ sâm chỉ rặt là tờ 500 ngàn đồng. Có lúc, nếu bỏ lên cân ký, những đồng tiền còn có trọng lượng lớn gấp 4 lần so với trọng lượng của những củ sâm mua về. Như anh Hồ Văn Nam, ở xã Trà Linh, người đem sâm xuống bán tại phiên chợ khẳng định: chỉ lấy tiền 500 ngàn đồng thôi, tiền kia nhiều, mang về lại leo núi mệt lắm!

2. Có nhiều ý kiến nghi ngờ rằng, mỗi tháng tổ chức phiên chợ sâm một lần, liệu có  đảm bảo được hàng và chất lượng sâm để phục vụ nhu cầu khách hàng hay không? Tất cả đã được trả lời ngay tại phiên chợ lần này. Mỗi củ sâm Ngọc Linh được đưa vào bán tại phiên chợ lần này đều trải qua 2 lần kiểm tra gắt gao của lực lượng chức năng. Tuy chỉ là kiểm tra bằng... mắt thường nhưng về độ tin cậy thì hoàn toàn yên tâm! “Nói thiệt, máy móc đôi khi còn trục trặc, chứ như chúng tôi thì không. Cầm củ sâm lên đã biết thật hay giả, cho dù nó và củ tam thất hoang giống nhau đến 90% nhưng vẫn phân biệt được ngay vì nhìn là biết liền!” - ông Hồ Văn Du, người trồng sâm lâu năm nhất ở Nam Trà My, đồng thời cũng là Trưởng ban Giám sát chất lượng sâm, cười nói. Trong Lễ hội sâm vào 6.2017, có người tung tin tại gian hàng của chị Hồ Thị Mười (thôn 1, xã Trà Mai) bán sâm giả. Lập tức, già Du - người trồng sâm lâu năm, thành viên Ban giám sát chất lượng sâm, cùng với lực lượng chức năng tới để kiểm tra. Trong số sâm người ta tố cáo, tất cả đều là thật, chỉ duy 1 củ mà già Du đã thử đủ kiểu cũng chẳng dám khẳng định đó là thật hay giả. Cũng may lúc đó, ông Đặng Ngọc Phái, nguyên là Phó Giám đốc Công ty Dược, vật liệu y tế tỉnh và PGS-TS. Trần Công Luận, nguyên là Giám đốc Trung tâm sâm và dược liệu TP. Hồ Chí Minh cũng có mặt tại đó. Sau khi xem xét kỹ, mọi người mới biết được, củ sâm này được trồng ở miền núi phía Bắc đưa vào!

Chính vì vậy, để luôn đảm bảo chất lượng và nguồn gốc xuất xứ cho sâm Ngọc Linh, UBND huyện Nam Trà My đã cam kết nếu phát hiện sâm giả tại mỗi phiên chợ thì sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm! Mỗi sản phẩm được bán ra sẽ có dán tem nguồn gốc xuất xứ để khách hàng có khiếu nại, kiến nghị gì thì liên hệ. “Đó là cách trước mắt, còn về lâu dài, chúng tôi đang đề nghị Bộ Khoa học và công nghệ tiến hành lắp đặt máy test nhanh để kiểm tra chất lượng sâm ngay tại phiên chợ để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng” - ông Hồ Quang Bửu cho biết. Còn nhớ, cách đây chừng 4 năm, khi lên Nam Trà My, tôi cùng với một đồng nghiệp có tìm hiểu về loại sâm này, được giới thiệu như là một cây để ngâm rượu bình thường như... chuối hột! Hỏi mua 1kg lá sâm khô để về làm quà cho người thân chỉ với giá 750 ngàn/kg; chừng 20 triệu đồng/kg sâm củ. Giờ, cái giá đó đã được nâng lên gấp 5 lần! Cây sâm thực sự đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây. Từ 72% tỷ lệ hộ nghèo, bây giờ tỷ lệ ấy ở huyện Nam Trà My  đã giảm xuống còn 64%. Và trong tương lai không xa, nó còn đi xuống sâu nữa. Như một cán bộ huyện rỉ tai tôi bảo, trên giấy tờ, sổ sách là thế, nhưng thực tế, tài sản của họ ở trong rừng rất lớn, nếu đem so, mình không bằng một góc của họ...

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chợ sâm vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO