(QNO) - Tôi đưa con trai út của mình về nhà lúc 2 giờ 25 phút chiều. Chiếc xe cấp cứu hụ còi xin đường, vượt qua những ngả đường đông đúc người xe của thành phố nhưng tôi chẳng thấy gì, chẳng nhìn ra ai. Tôi chỉ còn biết nhìn gương mặt tiều tụy của con, kiểm soát xem cái ngực áo của con có còn nhô lên hụp xuống hay không để biết con còn thở hay đã sức cùng lực kiệt. Tại bệnh viện, tôi đã hỏi con: “Bây giờ, mình về nhà con nhé?”. Con tôi gật đầu, vậy là chúng tôi về.Qua hết chiếc cầu dài rẽ vào con đường quen thuộc, tôi nhắc nhẹ người tài xế:
“Có lẽ mình nên tắt còi hụ đi, em nhỉ?”. Người tài xế vâng một tiếng. Xe đi vào xóm nhà tôi, tôi không muốn có tiếng còi hụ để khỏi làm kinh động hàng xóm. Con trai út tôi vào nhà trên chiếc băng ca. Kê gối cho con nằm xong giữa phòng khách, tôi nhìn đồng hồ. Đường về đi mất đúng một tiếng.Tôi vuốt tóc con, khẽ hỏi:
“Con còn có điều gì dặn dò ba nữa không?”. Con tôi không trả lời, đôi mắt đăm đắm nhìn vào một khoảng cố định trên bức vách. Rồi nó ngồi lên, thở mệt nhọc. Tôi rờ trán con và rờ bàn chân con; không thấy còn sốt nữa. Trán và bàn chân đã bắt đầu lạnh. Tôi hiểu đó là cái gì và tôi cố nén lòng mình để khỏi bật lên tiếng khóc.Con trai út tôi vốn là một thanh niên khỏe mạnh, tài hoa và tốt bụng. Tiếng hát của con tôi tuy không đạt đến độ cao về kỹ thuật nhưng rất đúng thanh nhạc, rất đàn ông, phát âm chuẩn và âm vực thì khá rộng. Tôi vẫn tự hào về tiếng hát của con, nhất là khi con hát những bài tình ca mang phong cách tiền chiến. Ngày con xa gia đình để sống tự lập, tôi đã cho nó cây guitare tra bộ dây Savarez để làm bạn với nó. Cây đàn ấy đã đi theo tôi suốt thời trung niên và thường xuất hiện bên tôi trong những chương trình truyền hình về tác giả và tác phẩm. Tôi trao lại cây đàn cho con với một niềm tin mong manh rằng con sẽ có thêm một người bạn, một niềm vui trong những ngày tháng xa nhà.Vậy mà con tôi bị bạo bệnh. Tôi hiểu điều đó sẽ xảy ra với con mình nhưng không ngờ nó đến một cách nhanh chóng và khốc liệt đến như vậy. Nhà không còn ai chăm sóc, tôi giành độc quyền chăm sóc con. Tôi đã thận trọng từ chối việc ký các hợp đồng với một nhà xuất bản và một công ty xây dựng khi hai nơi này muốn tôi biên tập gần ba vạn trang sách và viết một tổng phổ nhạc nước cho họ. Tôi biết con trai tôi cần tôi hơn là họ và tôi cần có mặt bên con hơn là gia công làm những công việc ấy để kiếm tiền.Khi đón con ở cổng bệnh viện và đưa con vào phòng cấp cứu, tôi hiểu ra một điều rất đau lòng: Con tôi không thể sống lâu hơn một tháng nữa. Tôi gọi điện thoại cho vợ tôi:
“Em lên với con gấp. Không gặp con ngay thì e rằng khó gặp nữa”. Bác sĩ phó giám đốc và bác sĩ trưởng khoa trao đổi với tôi về bệnh trạng của con. Họ động viên tôi rằng tình trạng con tôi rất xấu, khó có thể vãn hồi, mong tôi đừng lo buồn và hãy chấp nhận số phận. Tôi đã chuẩn bị tinh thần và ý chí để chịu đựng những kết luận ấy nhưng tôi vẫn cương quyết chữa trị cho con bởi vì nó chính là máu là thịt của tôi. Tôi sẽ không đầu hàng hoàn cảnh. “Dạ, tôi biết hết nhưng rất mong khoa chữa trị cho cháu với tinh thần còn nước còn tát” – tôi nói với họ như vậy. Cuộc đời tôi có vẻ giống như một bi kịch. Một anh thanh niên ở Bến Tre chỉ còn hai ngày nữa là bị xử bắn nhưng tôi đã tích cực can thiệp để sau cùng được giảm xuống còn án chung thân. Anh đã thụ án mười lăm năm và đã được tha về trước thời hạn. Một gia đình khác sáu người ở Bình Thuận bị một vụ án oan sai, tôi đã lên tiếng chứng minh rằng họ vô tội. Cuối cùng, họ đã được tha ra, được đền bù trừ một người qua đời trong nhà thương vì bệnh ung thư. Con người khác, tôi có thể cứu được khỏi cái chết nhưng với con tôi thì tôi đành bất lực.Một ngày hai mũi Tarocine pha vào dịch truyền và hai hũ Albumin 50 tính ra là trên sáu triệu đồng. Bao nhiêu nữa thì bao chứ tôi không thể ngưng thuốc cho con được. Tôi biết những đồng bạc nhỏ bé trong thu nhập của mình so ra quá đỗi khập khiễng với các biệt dược đắt tiền này nhưng tôi cũng biết mạng sống của con tôi là quý hơn tất cả những gì trên đời mà tôi có thể có được. Thế nhưng, các bác sĩ báo với tôi một điều đáng sợ:
“Bệnh nhân kháng thuốc, gan xơ cứng, không còn tiếp thu được thuốc men gì nữa”. Tôi như rơi thẳng vào hố sâu đầy băng tuyết, phải giấu điều đó với con. Lần đầu tiên trong đời, tôi làm người nói dối. “
Tình trạng của con họ nói ra sao rồi ba?” – con tôi hay hỏi câu ấy trong những lúc thức giấc nửa đêm. Tôi pha cho con miếng sữa hoặc đưa cho con một miếng trái cây, nói:
“Cứ yên tâm mà điều trị, không sao cả con à”. Tôi biết mình muốn khóc sau những lần trả lời dối trá như vậy. Và tôi đã tìm cách để được khóc một mình. Những đêm tháng 6, giải bóng đá World Cup đang diễn ra ở Brasil. Ngày trước, giải bóng đá này là niềm vui, niềm hạnh phúc với cả gia đình chúng tôi, đặc biệt là đối với hai cha con tôi. Bây giờ thì con tôi chỉ tỉnh táo được một lát rồi rơi vào cơn mê sảng. Nó hay nói lảm nhảm rồi hát – những bài ca không rõ tiếng, chỉ có giai điệu. Đợi cho con nằm xuống, nhắm mắt lại khoảng mươi phút, tôi thường mở cửa sổ phòng bệnh nhìn ra ngoài trời đêm để cho những giọt nước mắt già nua của mình rơi ra. Người ta đang thức xem bóng đá, thỉnh thoảng tiếng hò la lại vọng lên ở một góc phố nào đó. Tôi cũng thức với họ nhưng chỉ thức để chờ sáng, chờ tia nắng bình minh lên để có niềm an ủi là con mình vẫn còn sống bên cạnh mình – sống qua một ngày đau đớn.Rồi cái ngày đau đớn nhất cũng đến. Buổi sáng, con tôi thức giấc lúc 5 giờ; tôi đưa con vào toilette làm vệ sinh.
“Ba ơi, con muốn xin vào đạo Thiên Chúa”. Câu nói của con khiến tôi thật sự bất ngờ. Nhà tôi trước nay không theo đạo nào, chỉ thờ ông bà cha mẹ. Con tôi còn cực đoan hơn cả tôi, không tin vào một ai, không đọc một chủ trương triết thuyết nào. Bây giờ, bỗng nhiên nó có một niềm tin tâm linh thì tôi nghĩ đó cũng là điều rất tốt đẹp.
“Thánh Maria Đức mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội giờ này và trong giờ lâm tử. Amen”. Tôi hoảng hốt, lẽ nào con hiểu ra đây là giờ lâm tử của nó? Và tôi trả lời con bằng cả sự thành thật của mình:
“Tốt lắm, con à. Đó là một niềm tin chính đáng. Con cứ làm như vậy đi”. Lúc 6 giờ, bà soeur và là người y tá giỏi nhất khoa đến truyền dịch cho con trai tôi. Nó nói:
“Thưa soeur, em muốn xin làm tín đồ đạo Thiên Chúa”. Soeur ngạc nhiên hỏi lại:
“Em nói thật không?”. “Thưa soeur, rất thật”. “Vậy soeur mời linh mục đến làm phép cho em nhé?”. “Dạ. Cám ơn soeur nhiều”.Khoảng 8 giờ, linh mục đến. Ông đến bên giường bệnh con tôi, làm lễ với một vài tín hữu trong họ đạo. Ông đặt tên thánh cho con tôi là Giuse. Tôi biết mình phải làm gì. Tôi gọi cho con cái ở nhà dọn trống phòng khách để tôi đưa đứa con út về. Tôi gọi thằng anh lớn của nó chuẩn bị cho tôi những thủ tục lễ tang. Đầu óc tôi sáng suốt một cách lạ lùng. Buổi trưa ấy, con trai út của tôi nằm thiêm thiếp. Qua đầu giờ chiều, tôi làm thủ tục xuất viện xin cho con về nhà.Con trai út tôi qua đời trong vòng tay của tôi. Nó bật người ra sau, tôi đỡ đôi vai con hạ nhẹ cho người nó nằm xuống chiếc gối. Nó ra đi, ung dung thanh thản như một người trở về, mắt nhắm khít, khuôn mặt tiều tụy nhưng vẫn bình thản. Tôi sờ ngực con; trái tim đã ngừng đập. Tôi đưa tay nghe động mạch trên cổ con; mạch đã ngừng nhảy. Đến lúc đó thì tôi mới cất tiếng khóc lên, biết rằng con đã đi qua một thế giới khác. Biên giới giữa sự sống và cái chết mỏng manh như một sợi tơ trời. Con trai út tôi đã bước qua khỏi sợi dây tơ ấy.Đám tang diễn ra giản dị nhưng cũng thật ấm cúng. Những bà con trong họ đạo và các vị linh mục, các soeur đến làm lễ và đọc kinh cầu nguyện. Những bạn bè, thân tộc và hàng xóm đến thăm. Tôi không dám làm phiền bà con hàng xóm, chỉ quàng quan tài con lại một ngày tròn ở nhà. Tiễn con đi lúc 4 giờ sáng ngày hôm sau nữa, tôi ngồi ôm lấy quan tài của nó như không muốn rời xa con. Nhà thờ làm lễ cho con lúc 4 giờ rưỡi sáng. Lúc 5 giờ, con tôi lại lên xe ra đi; bà con đứng lại hai bên đường tiễn chân. Từ đây đến lò hỏa táng không còn xa lắm.Hai giờ chiều hôm ấy, gia đình tôi lên nhận hũ cốt của con gửi vào lại trong nhà thờ. Người thanh niên tài hoa 36 tuổi với nhiều hoài bão, sống tốt bụng và hồn nhiên bây giờ chỉ nằm gọn trong cái hũ cốt nhỏ, có gắn tấm ảnh và tên tuổi, ngày tháng qua đời. Trên bệ thờ, số thứ tự hũ cốt của con tôi là 334. Hũ cốt nó được đặt giữa hai hũ cốt của hai cụ già – một cụ 99 tuổi và một cụ 93 tuổi.
“Kim nhật đại hoan hỷ/ Xả ức nguy thúy thân/ Vô ưu diệc vô sân/ Năng bất đương hân khánh” (Hôm nay ngày vui lớn/ Rũ bỏ xác thân này/ Không lo và không giận/ Chẳng đáng mừng lắm thay?)” – tôi đã thuộc lòng đoạn kinh Phật này và đã từng tự an ủi mình như vậy. Bởi vì tôi biết rằng ai cũng sẽ đi vào cõi xa xăm ấy. Thế nhưng con tôi là máu thịt của tôi, qua đời ở cái tuổi còn rất trẻ thì niềm đau này khó mà chịu thấu. Cũng may là ngày trước con về nhà, thấy con hồng hào khỏe mạnh, tôi đã chụp cho nó một tấm ảnh bằng phim màu Konica. Tấm ảnh con khá vui, khuôn mặt nó như cười mà không phải là cười, đôi mắt thì rất đỗi trong sáng. Cuốn phim đã mất nhưng tấm ảnh vẫn còn. Tôi đưa cho thợ xử lý ảnh để có một tấm ảnh xứng đáng đặt lên bàn thờ con.Con mất đi, tôi dường như rơi vào trạng thái trầm cảm. Khi thắp ngọn đèn trên bàn thờ hay thắp nhang cho con, tôi thường lẩm bẩm nói một điều gì đó, y như cha tôi vẫn thường nói với nhau khi nó còn sống. Dại dột hơn, có những đêm tôi nghĩ con trai út đang về nhà, vội vàng mở cửa ra. Hương hoa vẫn ngát tỏa, đèn đóm vẫn sáng trưng nhưng sao lòng tôi u buồn đến như vậy? Ăn một miếng cơm, tôi cũng nghĩ đến con; giá có nó về ngồi cạnh tôi ăn chung, cười nói mấy câu thì hay biết mấy. Có những đêm tôi không ngủ được, thức giấc khoảng 1 hoặc 2 giờ khuya. Tôi lại vội vàng chạy xuống chỗ bàn thờ con, thắp ngọn đèn lên, đốt một cây nhang và mỉm cười với nó. Và tôi thức để chờ sáng.Ngày nó mới mười tuổi, một hôm nó bảo tôi: “Ba hát cái bài gì có câu ruộng khô có những ông già rách vai đi ba”. Đó là bài Quê nghèo của Phạm Duy mà mỗi khi nhớ quê nhà Quảng Nam, tôi vẫn thường hay hát. Lời nói của con làm tôi ngạc nhiên, nghĩ thằng bé này cũng có tâm hồn lắm. Vậy là tôi hát cho con nghe, bằng cả cảm hứng âm nhạc, với cây đàn guitare tra bộ dây Savarez. Cây đàn ấy tôi đã gởi cho con và bây giờ, nó lại về đây, nằm trong căn phòng làm việc của tôi nhưng không ngân lên nốt nào nữa. Con tôi không còn nữa. Mỗi đêm thức giấc, tôi không dám cầm đến cây đàn, sợ lòng mình chạm vào nỗi đau thương khó giải tỏa. Tôi chỉ còn biết ẩn nhẫn chờ sáng, chờ tia nắng bình minh lên để có thêm một ngày biết mình đang sống. Và nhớ con.
VŨ ĐỨC SAO BIỂN