Cho sông rợp bóng dừa xanh

TRẦN HỮU PHÚC 10/02/2013 15:40

Dọc ven dòng sông Trầu, Bến Đình, chảy qua xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành đang được phục hồi rừng dừa nước, góp phần trả lại màu xanh và tạo sinh kế lâu dài cho cư dân vùng sông nước.

Nguồn sống

Khi con tôm vào thời thịnh đạt, bờ sông Trầu bị vây bủa bởi những ao hồ, cây rừng ngập mặn dần biến mất. Rừng dừa bị con người cạo trọc dần, nguồn nước lại thêm ô nhiễm nặng do hệ lụy nuôi tôm công nghiệp thải ra, cá tôm, chim chóc tự nhiên cũng tăm hơi lặng tiếng. Không thể khoanh tay nhìn con sông quê hương đang ngày càng “chết yểu”, hàng chục hộ dân thôn Tịch Tây, xã Tam Nghĩa đã tự đứng ra phục hồi rừng dừa nước. Họ bỏ công trồng chỉ với suy nghĩ giản đơn là để chặt lá bán cải thiện đời sống. Không ngờ giá trị mà lá dừa mang lại cho người dân không phải nhỏ. Ước tính mỗi năm người dân kiếm thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/ha dừa nước.

Rừng ngập mặn nhiệt đới, trong đó có cây dừa nước, giúp chống xói lở, chắn gió bão ở vùng cửa sông ven biển và hoạt động như máy lọc sinh học cân bằng hệ sinh thái môi trường. Lá và mùn chất hữu cơ do rừng tạo ra là nguồn thức ăn bổ ích cho các loài thủy sản. Rừng ngập mặn rất đa dạng sinh học, giúp các loài tôm cá, cua ghẹ sinh sản và tạo nơi trú ngụ cho các loài chim di cư…

Gia đình bà Nguyễn Thị Liên (thôn Tịch Tây) gần 10 năm nay có cuộc sống khấm khá từ nghề khai thác lá dừa. Với diện tích gần 1 mẫu rừng dọc ven sông, mỗi năm bà Liên thu hoạch 2 vụ. Lá dừa chặt về phơi khô, sau đó dùng nẹp tre đan lại thành tấm rộng 1m2, bán ra thị trường 15 nghìn đồng/tấm, sử dụng làm mái lợp nhà. Bà Liên cho biết, lá dừa giúp cải thiện đáng kể đời sống cho người dân sông nước. Mỗi năm gia đình kiếm vài chục triệu đồng từ bán lá dừa khô. Người dân  Tịch Tây giờ đây ít có thời gian nghỉ ngơi bởi ngoài công việc đồng áng, thả lưới trên sông, họ còn tranh thủ khai thác lá dừa. “Lá dừa cũng giúp không ít gia đình trả lại sổ hộ nghèo cho địa phương”, ông Nguyễn Tấn Đôi – dân Tịch Tây, khoe.

Cấp thẻ khai thác

Đi dọc dòng sông Trầu khi mùa xuân sắp về, nghe lá dừa thầm thì trong gió, ngồi trên chiếc ghe dập dìu sóng nước, cảm giác bình yên đến lạ. Ký ức về những vần thơ da diết của Lê Anh Xuân lại ùa về : “Dừa ơi, dừa người bao nhiêu tuổi?/ Mà lá xanh tươi mãi đến giờ”. Phó Chủ tịch UBND xã Tam Nghĩa Nguyễn Thành Đạt phấn khởi : “Chúng tôi hiện vẫn giữ được gần 30ha rừng dừa nước còn nguyên vẹn ven sông. Ngoài diện tích dân trồng, chính quyền còn giao cho làng bảo vệ, quản lý. Rừng dừa nếu được các dự án đầu tư mạnh hơn cho việc phục hồi sẽ tạo ra khu sinh thái lý tưởng trong lòng đô thị tương lai. Đây là “cơ hội vàng” cho địa phương phát triển du lịch sông nước, làng quê”.

Lá dừa sau khi khai thác về phơi khô, đan lại thành tấm để bán làm mái lợp.Ảnh: H.PHÚC
Lá dừa sau khi khai thác về phơi khô, đan lại thành tấm để bán làm mái lợp.Ảnh: H.PHÚC
Trong khuôn khổ chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2015, dự án trồng, phục hồi gần 61ha rừng ngập mặn đang triển khai tại hai xã Tam Hòa và Tam Giang, huyện Núi Thành vào cuối năm 2012. Tổng  kinh phí đầu tư hơn 3,2 tỷ đồng

Cuối năm 2012, Ban Quản lý, bảo vệ rừng Tịch Tây được thành lập, do ông Nguyễn Tấn Huỳnh, Trưởng thôn làm trưởng ban. Quy chế khai thác rừng được đặt ra rất nghiêm ngặt. Hộ dân nào muốn khai thác lá, đánh bắt cá tôm,… phải có thẻ do Ban Quản lý, bảo vệ rừng dừa Tịch Tây cấp. Chỉ có 2 loại thẻ:  thẻ xanh dùng cho đối tượng khai thác lá dừa, còn thẻ vàng được khai thác nguồn lợi thủy sản. Để được cấp thẻ xanh, phải là người có thời gian thâm niên trồng dừa, hoặc có đăng ký vốn và kế hoạch trồng dừa khả thi. Việc khai thác phải có quy trình theo kỹ thuật lâm sinh. Trong khi đó, người dân tuyệt đối không được bẫy bắt chim non, dùng xung điện hay sử dụng lưới mắt nhỏ để tận thu cá tôm. Theo lời ông Đạt, mục đích chính khi đặt ra các “quy định sắt” trên là nhằm giúp cộng đồng có trách nhiệm hơn với môi trường, hiểu được tầm quan trọng của rừng ngập mặn.

Theo Sở Tài nguyên – môi trường, ngoài xã Cẩm Thanh (TP. Hội An), rừng dừa Tịch Tây – xã Tam Nghĩa là địa điểm thứ hai được Hợp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, do Bộ Tài nguyên – môi trường chọn để nghiên cứu đầu tư dự án. Trong khi chờ đợi nguồn hỗ trợ của các dự án, chính người dân Tịch Tây đã là chủ thể làm hồi sinh những cánh rừng ngập mặn.

Dòng sông và cánh rừng bao đời nay vẫn vậy, vẫn một mực thủy chung với con người, như triết lý của nhà thơ Lê Anh Xuân: “Rễ dừa cắm sâu vào lòng đất/ Như dân làng bám chặt quê hương”.

TRẦN HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cho sông rợp bóng dừa xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO