Chợ tạm

VŨ THỊ HUYỀN TRANG 12/03/2020 14:02

Mảnh đất ngay bờ sông, chỗ trước kia lau sậy mọc đầy giờ biến thành chợ tạm. Gió thổi phần phật vào những manh áo lam lũ đang ngồi quay lưng với dòng phù sa mùa nước cạn. Mấy khóm cúc tết bán ế người ta quẳng xuống bờ sông, rễ bám vào đất giờ vẫn tươi nguyên. Màu hoa cúc sáng bừng giữa đám rác rưởi ùn đống dưới sông sau những trận mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về.

 

Ông ba bị xuất hiện, cầm lăm lăm chiếc dao liềm quắm trên tay. Ông đi xuyên qua chợ, chẳng buồn để ý đến hàng trăm ánh mắt đổ dồn về phía mình. Tiếng bán mua ồn ào lẫn trong thứ âm thanh hỗn độn của gà vịt, chó mèo đang kêu lên inh ỏi. Vài đứa trẻ thò đầu ra khỏi đám đông hét lớn: “Ông ba bị đến rồi. Chạy đi thôi”. Mặc kệ nỗi sợ hãi của lũ nhỏ, ông ba bị đi một mạch xuống bờ sông. Bàn chân trần chai sạn lún sâu dưới cát. Ông dừng lại bên khóm cúc vàng cúi gập người chiêm ngưỡng. Mớ tóc dài rối bù bị cháy nắng vàng khè được tết lại đang lòa xòa dưới cát. Khi rời mắt khỏi bông cúc nhỏ, ông băng qua khúc sông mùa nước cạn và mất hút trong đám lau sậy ở phía bờ bên kia. Ở bên này vẫn vang lên tiếng loa kêu gọi giải cứu dưa hấu mùa dịch bệnh, đóng biên. Sen ngồi trông đống đồ gốm làu bàu: “Quanh năm giải cứu hết thứ này đến thứ khác. Hết lợn đến dưa hấu, thanh long, hải sản. Sao không ai giải cứu cảm xúc giúp mình”. Sen đã ngoài ba mươi tuổi, chưa chồng…

Thỉu lấy chân làm phanh xe, dừng ngay trước cửa hàng tạp hóa dưới dốc chợ để mua cho con gói bỏng ngô. Hai đứa nhỏ ngồi trong chiếc sọt buộc sau xe mẹ, ngó xung quanh bằng đôi mắt ngây thơ đen láy. Mùa xuân, buổi sáng trời còn sương lạnh. Hai đứa nhỏ vẫn mặc chiếc áo khoác bẩn lem nhem xuyên suốt mùa đông dài, nước mũi chảy thòng lòng xuống gần đến miệng. Sáng nào cũng vậy, Thỉu chở con theo bằng hai chiếc sọt tre đựng củ cải, su hào, súp lơ hay mấy buồng chuối đang chín dở. Hàng ít thì con ngồi lọt thỏm. Hàng đầy thì hai đứa trẻ ngồi lắc lư phía trên hai tay ôm ghì lấy vạt áo mẹ. Tụi nhỏ coi chợ thân thuộc như nhà. Nên Thỉu dựng xe chỗ nào cũng có bàn tay chìa ra với chúng. Có người chìa tay vắt mũi, lau sạch khuôn mặt nhem nhuốc toàn đất cát. Có người chìa tay đưa cho quả chuối chín, cái bánh đa mới nướng còn nóng hổi. Có người chìa tay cho mấy bộ quần áo của đứa cháu vẫn còn mới tinh. Con thành phố mặc uổng lắm, cứ không thích là bỏ. Lại có người chìa tay ra nhấc bổng bọn trẻ khỏi sọt hàng của mẹ để ôm chặt vào lòng nựng nịu. “Cha bố nó chứ. Nó bắt các cháu quanh năm suốt tháng rong ruổi thế này. Ăn ngoài đường, ngủ ngoài đường”. Đến cả những giấc mơ cũng giật mình thon thót bởi tiếng còi xe inh ỏi.

- Này Thỉu, hai đứa nhỏ lớn rồi, gửi đi lớp mà chợ búa.

- Đi lớp phải có tiền. Nhà em thì lấy đâu ra tiền.

- Xin lấy cái giấy hộ nghèo cũng đỡ. Định cứ đèo chúng theo mãi thế này à? Hết dầm mưa lại dãi nắng. Đầy đọa chúng nó vừa thôi.

Thỉu cười, chị nhét mấy chiếc kẹo vào túi áo hai đứa nhỏ rồi quay xe dướn người leo dốc. Chợ này ai cũng gọi là “Thỉu dở”. Không dở sao lúc trời mưa còn chở hai đứa nhỏ rong ruổi ngoài đường. Đến con chó trời mưa còn biết chạy vào nhà. Không dở mà bán hai sọt su hào lãi được trăm bạc, Thỉu lại mang đi cho bố con người hát rong ngồi xe lăn thỉnh thoảng vẫn hay đến chợ. Thỉu mê giọng hát ấy lắm. Mê đến nỗi mải nghe quên cả bán hàng. Lúc Thỉu rút cái túi vải ở cạp quần móc đến cả những tờ tiền lẻ cuối cùng, mấy bà mấy chị ở chợ ngăn: “Giời ơi, không đọc báo xem tivi à? Ăn xin giờ cũng là một nghề. Có khi họ giàu hơn mày đấy Thỉu ơi”. Thỉu cười bảo: “Ai mà muốn đi ăn xin chứ. Chẳng qua là tận cùng cơ cực mà thôi. Bố thì mù, con thì què thế kia tội lắm”. Cho hết tiền, Thỉu phơi phới đạp xe về nhà sau buổi chợ khi trên ghi đông xe treo mấy cái đậu, nước chảy dọc đường. Không dở mà sáng nào đến chợ Thỉu cũng dựng xe trước cửa hàng tạp hóa Hoa Cương nhìn chằm chằm vào nhà người ta. Thỉu không mua gì cả. Chủ nhà có cho tụi nhỏ kẹo bánh Thỉu cũng không nhận. Đứng chán thì đi. Chị chủ nhà đứng giữa cửa tếu táo với chồng:

- Cứ như thể cô Thỉu đến bắt vạ nhà mình không bằng.

- Bắt vạ gì chứ? Em suốt ngày chỉ nói những lời vớ vẩn.

Nhìn chồng bực bội quay vào nhà, chị chủ tủm tỉm cười nói với khách mua hàng:

- Người đâu. Càu cạu suốt ngày nhưng được cái thương vợ hết lòng.

Sen ngồi giũa móng tay ở sạp hàng kế bên, nói với sang:

- Tin thế quái nào được bọn đàn ông chị ơi.  

- Không tin sao mà sống với nhau. Sen tuổi này vẫn ế liệu có phải vì đa nghi quá?

- Yêu đương làm gì có chậm có nhanh mà phải vội vàng. Chừng nào chợ thôi dịch chuyển thì khi đó em sẽ lập gia đình.

Ai hỏi chuyện chồng con Sen cũng nói vậy. Dù thực ra chợ họp chỗ nào ảnh hưởng gì đến chuyện yêu đương của Sen đâu. Đám thanh niên choai choai trong chợ có lần trêu: “Có khi vì Sen chẳng chịu yêu ai nên đời chợ cứ dời hết chỗ này sang chỗ khác”. Từ lúc Sen thay mẹ cai quản sạp hàng thì chợ đã di dời tất thảy bốn lần. Hồi xưa chợ nằm giữa trung tâm thị xã, bán mua nhộn nhịp lắm. Ban đầu nhà Sen bán quần áo, lãi ít nhưng hàng hóa bán chạy. Cứ vài ngày lại nhập hàng mới một lần. Thời ấy mua gì người ta cũng đều ra chợ nên dân buôn bán phơi mặt suốt ngày mà vui. Rồi bỗng một hôm cả chợ ồn ào kháo nhau chuyện thị xã sẽ được quy hoạch phát triển lên thành phố.

- Chắc sẽ có rạp chiếu phim chứ nhỉ? Thế là mình sắp thực hiện được ước mơ dắt tay người yêu đi xem phim vào ngày cuối tuần rồi.

- Bất động sản rồi sẽ tăng, nhà ai đất rộng rồi lại có cả đống tiền.

- Ham hố gì, có tiền thì mất đất. Nhà cửa san sát rồi có ngày lại ngoi lên mà thở như cá ấy.

- Sao mấy ông bà bi quan thế nhỉ, thấy quê hương phát triển là phải mừng chứ. Rồi sẽ có những tòa nhà cao tầng, siêu thị, trung tâm mua sắm.

- Giời ôi, mấy thứ đó mọc lên thì tụi mình buôn bán cho ai? Vào siêu thị dán sẵn giá chả phải ra chợ mặc cả mỏi mồm.

Vài tiếng “ờ nhỉ” vang lên. Nhưng họ sẽ quên ngay vì những thứ mang tên “dự án” thì vẫn còn xa lắm. Có khi lâu bằng nửa đời người. Đâu ai ngờ việc quy hoạch lại nhanh đến thế. Chính quyền cho họp giải tỏa chợ khiến ai cũng sững sờ. Chợ dời đi dành chỗ cho cung văn hóa. Chỗ mới của chợ nằm sát cánh đồng bên rìa thị xã. Vì xa trung tâm nên thưa thớt người hơn. Lúc này thị xã đang trên đà phát triển, nhiều hàng quán mọc lên. Người dân cũng có nhiều lựa chọn mua bán nhất là những mặt hàng gia dụng, thời trang. Ế ẩm một thời gian, Sen thôi không bán quần áo nữa mà chuyển sang hàng hoa quả. Khổ nỗi mỗi lần bưng bát cháo lên mồm mẹ Sen hay bảo: “Lãi thì lãi thật nhưng thất đức. Mẹ xem trên tivi thấy người ta nhúng hoa quả vào từng thùng phi hóa chất. Đêm nằm cạnh mấy thùng táo, lê mẹ cũng thấy váng vất cả đầu. Thôi bỏ đi con ạ”.

Sen còn loay hay chưa biết nên buôn bán thứ gì thì chợ lại dời đi. Chỗ cánh đồng thị xã quy hoạch thành khu dân cư mới. Đất ruộng bỏ không giờ thành tiền tỷ, khối người thèm còn không có mà mua. Chợ họp tạm trên một khu đất khác một thời gian ngắn trước khi chuyển về phía bờ sông. Đất đai như miếng bánh bị cắt xén dần. Nhiều cuộc đấu giá đất diễn ra. Dân chợ bàn chuyện giá đất còn sôi nổi hơn giá rau củ, thịt thà. Buôn bán thì ngày càng khó khăn hơn. Thời đại 4.0 mua bán online bắt đầu lên ngôi thế chỗ. Người ta chỉ cần nằm nhà hưởng điều hòa mát lạnh, lướt điện thoại nhìn ngắm thỏa thuê đủ các mặt hàng. Chỉ cần vài cái click là mua được từ cây kim cuộn chỉ, cá, thịt, áo quần. Ship tận răng, lại chẳng phải mặc cả mòn cả lưỡi với mấy bà ở chợ. Buôn bán cầm chừng nên vài người bỏ chợ đi tìm vùng đất khác. Họ là những người trẻ, dễ dàng kiếm được công việc có thu nhập ổn định trong các khu công nghiệp. Những chỗ trống ở chợ rồi sẽ lại có người khác đến ngồi vào. Chỉ chỗ trống trong lòng Sen còn đó. Vì người mà Sen thầm thương trộm nhớ một buổi sáng nào đó cũng bỏ chợ mà đi…

Tụi nhỏ hình như chợt nhớ ra: “Mấy hôm nay không thấy ông ba bị loanh quanh ở chợ”. Chúng bỗng nhớ một ông già có mái tóc dài tết buông quét đất. Tay ông lúc nào cũng cầm lăm lăm con dao liềm quắm. Mặt hằm hằm nhìn về phía trước, ông bước đi mà không cần để ý đến xung quanh. Ông tứ cố vô thân, đã chọn thị xã này để dừng lại trong quãng đời điên dại. Hơn chục năm về trước, một buổi sáng khi Sen đến dọn hàng thấy một người đàn ông cởi trần nằm gối đầu lên tay giữa chợ. Xung quanh đám ruồi nhặng bay vo ve. Mùi hôi hám tanh nồng của chợ dường như chẳng ảnh hưởng gì đến giấc mơ của một kẻ không nhà. Ai cũng thở dài thương số phận người điên. Chỉ có Thỉu là cười bảo: “Đời tụi mình có mấy khi nằm duỗi chân mà ngủ một mạch từ tối tới sáng như ông ấy hay không? Hay lại toàn co quắp trong lo toan nhàu nhĩ?”. Mọi người nghe giật mình nghĩ bụng: dở như Thỉu, có mấy ai?

Hôm ấy ông ba bị sang sông và có thể không quay lại nữa. Ông đã tìm thấy một góc chợ nào đó bình yên hơn khu chợ tạm này chăng? Hay vì sau hôm ông đi, trời bỗng đổ mưa to. Nước từ thượng nguồn chảy xuống ngăn đường về của một ông già đã gần bảy mươi. Người đi rồi thiên hạ mới thấy hóa ra ông chính là một phần của chợ. Dạo này trời hay bất chợt đổ mưa. Mẹ con Thỉu thường đứng trú chân dưới gốc xà cừ trước cửa hàng tạp hóa Hoa Cương. Bỗng một hôm ai đó nói như reo: “Hai đứa con của Thỉu sao nhìn giống ông Cương thế nhỉ?”. “Người đâu vô duyên thế là cùng”. Chị chủ quán vẫn cười nhưng hình như tê tái sững sờ mất vài giây ngắn ngủi. Vợ chồng chị lấy nhau mười năm chưa có con. Sáng nào chị cũng ra nựng má hai đứa con của Thỉu nói “ước gì”. Lời ai đó có lẽ chỉ như gió thoảng qua, tiện mồm thì reo lên chứ chẳng có ý gì. Thiên hạ nghe tai này ra tai kia. Chỉ vài người nhoi nhói trong lồng ngực lúc nhìn hai đứa nhỏ nhem nhuốc nhoẻn miệng cười khi ngồi trong sọt rau củ của người mẹ nghèo loanh quanh chợ tạm…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chợ tạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO