(QNO) - Chợ là bức tranh thu nhỏ của đời sống. Chợ quê con tép cũng gầy/ Con cua con cá dính đầy bùn tươi... Hà Cừ khi viết câu thơ này là nhà thơ nhìn thấy người mẹ quê chiu chắt từng thức quà mà cảm thương những phận đời lam lũ. Tuổi thơ tôi từng theo chân mẹ len lỏi khắp khu chợ Tam Kỳ, đến nay khi có ai nhắc về tôi thấy chợ vẫn rất thân thương và gần gũi.
Chợ Mới (Chợ Mai)Tam Kỳ. |
Nhớ hồi thi Đệ thất Trường Trung học Trần Cao Vân, tôi và hai thằng bạn rủ nhau xuống quán cơm ông Tám Ta nằm cuối chợ Mới ăn trưa để còn thi buổi chiều. Ba thằng chọn chỗ ngồi, nhìn quanh cái gì cũng lạ lẫm. Người phục vụ dọn ra 3 bát cơm, tô canh và đĩa cá phèn kho mặn. Ba thằng nghĩ không biết ăn như thế này liệu có đủ tiền trả. Cả ba đứa vừa ăn vừa lo lắng. Khi đi thi mẹ cho mỗi đứa chỉ vài ba đồng lẻ. Ba thằng nói khẽ với nhau hay là để lại ba con cá, chỉ ăn cơm, canh và chan nước cá thôi! Khi tính tiền, nghe trong quán nói mấy đứa nhỏ không ăn cá, lấy ba đồng. Người phục vụ bảo, cá sứt hết vi vảy e bán không được. Nhưng ông chủ Tám Ta quyết: kệ, lấy ba đồng được rồi. Ba đứa thở phào nhẹ nhõm. Còn dư ít đồng, ba đứa bèn dắt nhau lên quán gốc đa đường Huỳnh Thúc Kháng uống nước mía, ăn cà rem đã đời rồi thi tiếp. Năm ấy làng tôi chỉ tôi đỗ vào Đệ thất. Mẹ tôi mừng lắm, bà ôm tôi vào lòng rưng rưng nước mắt.
Dòng sông Tam Kỳ đoạn chảy qua Hương Trà quê tôi ngày ấy có nhiều cá tôm, đặc biệt là ốc gạo và hến rất thơm ngon do sản sinh từ dưới lòng sông trải đầy cát trắng, bốn mùa trong xanh có pha chút mặn lúc triều lên. Dân quê tôi gắn với dòng sông, từ bao đời, mò cua, bắt ốc; khi buổi sáng, lúc buổi chiều, hay đêm xuống theo con nước lớn ròng tần tảo mưu sinh. Mẹ kể, hồi sinh tôi được mấy ngày, mẹ phải lặn lội đến tận đêm khuya, bắt con ốc, con hến đem ra chợ đổi gạo nuôi con. Sông Tam Kỳ, chợ Tam Kỳ khoảng cách như chiếc đòn gánh chưa lúc nào rời đôi vai ngược xuôi của mẹ.
Cảm nhận nỗi vất vả của mẹ, những ngày nghỉ học hoặc lúc vào hè, tôi thường giúp mẹ đi chợ. Tuy san sẻ chút vất vả với mẹ nhưng tôi biết trong lòng mẹ không vui vì e ngại tôi xấu hổ với bạn bè: con trai mà làm việc của con gái! Nhưng biết làm sao được, Cha mẹ giàu con thong thả/ Cha mẹ nghèo con vất vả gian nan... mà!
Buổi sáng độ chín, mười giờ, mẹ chuẩn bị sẵn cho tôi mủng ốc khoảng 10 - 15 lon. Tôi bưng nách mủng ốc đi bộ từ nhà ra chợ, rao bán cả xóm chợ Mới, chợ Cũ. Có hôm chợ ế, tôi phải lội khắp phố Tam Kỳ, từ đường Huỳnh Thúc Kháng ngoặt lên ga, qua Phủ cũ lại vòng về đường Tiểu La đến cuối chợ Cũ. Hôm nào bán không hết phải về chợ Cũ năn nỉ bà con mua giúp. Gọi là chợ Cũ nhưng chợ mới được xây dựng hồi năm 1962, 1963. Cảnh chợ đơn sơ chỉ có mấy dãy nhà lợp ngói xi măng, không có tường che, bên ngoài toàn cát trắng. Chợ Cũ họp buổi chiều nên cũng gọi là chợ Chiều. Nhiều buổi trưa, khi về đến chợ thấy vắng khách, tôi thường nằm nghỉ bên thềm xi măng trong khu nhà chợ, nhiều lần như thế nên tôi cảm thấy chợ rất gần gũi với mình. Có lần ngủ quên, trong mơ hồ nghe giọng khàn khàn quen thuộc của ông Diên đổi nước: Nước đây! Nước đây! Tôi giật mình tỉnh dậy. Lúc ấy mọi người xôn xao tôi mới biết chợ đông rồi.
Có một lần bán hết ốc được ba chục đồng, tôi mừng quýnh, đem cả số tiền về để cho mẹ mừng, không dám ăn đồng bánh, đồng kẹo nào. Chiều, khi về đến đường cừa tự dưng đôi chân mỏi rụng, ngồi dưới bóng hàng sưa mát rượi nhưng mồ hôi vã ra như tắm, tôi phải lê từng bước mới về tới nhà. Thấy tôi, mẹ ứa nước mắt vì biết tôi đói lả. Mẹ quíu quắn lấy cơm còn cho tôi ăn. Vậy đấy, cuộc sống đã gắn tôi với chợ Mai, chợ Chiều - một khoảng thời niên thiếu với bao kỷ niệm buồn vui. Giờ, mẹ tôi đã đi xa, không còn thấy được chợ Tam Kỳ lớn lên to đẹp! Mỗi khi nhắc đến sông, đến chợ Tam Kỳ, tôi lại nhớ mẹ, nhớ chợ Mai, chợ Chiều và nhiều thứ nữa. Quá khứ lại hiện về trong tôi sống động, tươi nguyên!
Chợ Cũ (chợ Chiều) Tam Kỳ. |
Từ khi về làm rể ở khu Tứ Bàn, nhạc mẫu tôi - bà Phạm Thị Quế (sống ở đây từ hơn bốn đời nay) - kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện về chợ Vạn: Tam Kỳ chợ Vạn bao lâu/ Ngó lên đường cái thấy lầu ông Tây... Theo mẹ tôi, lầu ông Tây là đồn ông quan người Pháp, nằm trên đường Trần Cao Vân đối diện với chợ Vạn qua trục đường Phan Châu Trinh Tam Kỳ ngày nay. Chợ Vạn - tiền thân của chợ Cũ hay chợ Chiều Tam kỳ được hình thành từ giữa thế kỷ XIX bởi hai vạn ghe: Bàn Thạch và Phước Xuyên. Chợ là một dãy nhà ngói cổ tọa lạc bên bờ sông Bàn Thạch trên đoạn đường từ đầu cầu Kỳ Phú lên đến đầu đường Phan Đình Phùng giáp với đường Duy Tân. Ngày ấy chưa có cầu bắc qua sông Bàn Thạch, từ Tam Phú và các xã miền biển vào chợ Vạn, Tam Kỳ phải đi đò dọc, đò ngang. Bến đò Bà Thông bên lò rèn xóm Hồng Lư (Hòa Hương) và đò Ông Tất gần bên cầu Tam Phú là phương tiện nối hai bờ sông Bàn Thạch cho cư dân qua lại làm ăn..
Theo Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng, chợ Vạn, Tam Kỳ ở vị trí rất thuận lợi về giao thông thủy bộ, có sông Tam Kỳ thông ra cửa An Hòa (cửa Đại Ấp), từ đây có thể ngược sông Bến Ván đến An Tân sát phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), có đường thiên lý Bắc Nam đi qua, Tam Kỳ đã trở thành nơi hội tụ của nhiều thành phần cư dân khác đến. Từ thế kỷ XVII nhiều thương nhân người Hoa đã đến vạn Bàn Thạch mở cửa hiệu kinh doanh tạp hóa, thuốc Bắc và thu mua hàng nông lâm sản từ các miền phía nam ra và trên nguồn xuống rồi chuyển ra thương cảng Hội An đi mọi miền trong và ngoài nước. Các nhà buôn Hoa kiều từ khi đặt chân đến đây suốt thời gian dài kể cả thời Pháp thuộc đã nắm độc quyền kinh doanh nhiều mặt hàng như: vàng sa khoáng do hàng trăm kim hộ bòn về từ cánh đồng vàng Bồng Miêu; quế, tiêu, cau, chè... từ các vùng trung du Trà My Tiên Phước, Đức Phú đưa về; các mặt hàng ngoại hóa, vải vóc, thuốc Bắc từ Hội An, Đà Nẵng và các vùng miền theo sông Tam Kỳ đưa đến. Chợ Vạn trở thành điểm hội tụ của cư dân khắp mọi miền đến buôn bán làm ăn tạo nên bản sắc văn hóa đa dạng của cư dân chợ Vạn và phố thị Tam Kỳ. Các tục lệ thờ cúng, tín ngưỡng, lễ hội, múa lân, rồng, hát tuồng, biểu diễn võ thuật... còn truyền đến ngày nay.
Do nhu cầu giao thương ngày càng phát triển, không gian chợ Vạn trở nên chật hẹp, vì vậy từ trước năm 1945, nhà chức trách cho mở thêm ngôi chợ Mới rộng rãi hơn, vị trí cũng nằm bên bờ sông Bàn Thạch chạy lên giáp với đường Bắc - Nam tại giao lộ Phan Châu Trinh – Huỳnh Thúc Kháng. Khi chợ Mới ra đời, chợ Vạn mặc nhiên đổi tên thành chợ Cũ từ đó cho mãi về sau này.
Vị trí chợ Mới có nhiều thuận lợi, kết nối với chợ Vạn tạo ra không gian thương mại sầm uất cho cả phố thị Tam Kỳ cho đến trước ngày quân Pháp trở lại. Tuy vậy, tất cả mọi giao thương đều nằm trong tay người Hoa. Người dân bản địa hầu hết đều làm thuê, buôn bán nhỏ lẻ, luôn bị chủ thầy chèn ép đủ bề. Như nhiều người dân phố chợ, gia đình mẹ vợ tôi mấy đời ở chợ nhưng cũng chỉ một gánh vải, khi thì gánh hàng xén, mua đi bán lại đủ sống qua ngày. Người dân chợ Vạn, chợ Mới cũng nhiều thăng trầm theo vận nước, hết Pháp rồi Nhật dân mình đều khổ, một cổ hai tròng. Mẹ tôi rùng mình kể lại.
Sáng sớm hôm ấy vào khoảng tháng 5, tháng 6.1945, mẹ tôi cùng mọi người gồng gánh đi chợ. Vừa đến nơi đã chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng. Một đoàn xe nhà binh chở đầy lính Nhật đỗ dọc theo đường lớn ngay đầu chợ Mới, trên xe bọn chúng hùng hổ ném hai chiến sĩ Việt Minh xuống đất, rồi trói chung vào cây cọc ngay giữa chợ, trên lưng họ có buộc lá cờ đỏ sao vàng. Lính Nhật dùng roi da thay nhau quất liên hồi. Chúng vừa đánh vừa hét cho đến khi hai người tắt thở nhưng hai mắt vẫn trợn trừng về phía quân Nhật. Mọi người hoảng sợ bỏ chạy tán loạn, hàng gánh đổ tung tóe. Nhà nào cũng đóng kín cửa, cảnh chợ vắng tanh. Quân Nhật quẳng xác hai chiến sĩ Việt Minh lên xe rồi rầm rầm chuyển đi để lại bao nỗi hờn căm trùm lên xóm chợ.
Cách mạng Tháng Tám thành công, người dân phố chợ chưa kịp hưởng ngày bình yên thì Pháp quay lại xâm chiếm nước ta. Chiến tranh vệ quốc bùng nổ. Người dân chợ Mới, chợ Cũ lại phải tiếp tục chịu nhiều đau thương, mất mát. Chợ Cũ là mục tiêu máy bay Pháp ngày đêm bắn phá. Nhà đổ, người chết, đau thương tràn ngập phố chợ. Một lần bom đánh trúng hầm trú ẩn trong nhà bà Nhiễu, bà Liên gần giếng nước bà Kiều, cả 16 người trong hầm đều chết không toàn thây, xác người vắt lên ngọn cây, rơi xuống giếng, trong đó có bạn mẹ tôi... Cảnh tang thương bao trùm lên xóm chợ. Người dân không chịu nổi phải tứ tán khắp nơi. Số thì tạm lánh về xóm Phú Lộc (phường Hòa Hương); số thì đưa gia đình tản cư lên xóm Bích Kiều, Bích Ngô (xã Tam Xuân 2, Núi Thành), còn phần lớn người Hoa lại lên ngả Tiên Phước...
Theo dân chạy giặc, chợ Vạn cũng lánh nạn nhiều nơi để tránh máy bay Pháp. Chợ dời xuống cồn thông gần đò Ba Bến (bên cầu Tam Phú) cũng bị đánh bom, lại dời lên xóm Tam Dưỡng (phường An Sơn) núp dưới bóng hàng tre hai bên đường cũng bị đánh bom. Có thời gian, chịu không nổi, chợ lại dời lên rừng cây xóm Phú Hòa (xã Tam Xuân 2)...
Khổ quá nên ai cũng chán ghét chiến tranh, căm thù giặc Pháp; người dân xóm chợ còn truyền nhau nếu giặc Pháp kéo vào chiếm chợ thì đốt nhà, chạy ra vùng kháng chiến. Khắp phố chợ, nhà nào trước cửa cũng chuẩn bị sẵn bó củi rang và tranh khô cùng chiếc quẹt lửa. Cũng may là giặc Pháp lần lượt bị đánh bại, không chiếm được chợ Vạn nên nhà cửa vẫn còn. Khi dứt chiến tranh, người dân trở về có chỗ ở, buôn bán làm ăn.
Sau hòa bình lập lại 1954, chợ Mới và chợ Cũ tiếp tục phát triển, hoạt động cả ngày và đều mang tên chợ Tam Kỳ. Hai chợ gần nhau, lượng người buôn bán không đủ để nhóm chợ cả ngày mà chỉ đủ một buổi. Do đó khi sắp xếp lại thời gian họp chợ lại nảy sinh sự tranh giành giữa thương nhân hai chợ. Bên nào cũng muốn giành buổi sáng, vì lợi thế hơn do thêm đông chợ sáng mùng năm và sáng 30 tết. Ban quản lý chợ phải tổ chức bốc thăm để tạo sự công bằng. Có chi tiết thú vị, lúc công bố kết quả, người dân chợ Cũ nhóm buổi mai, chợ Mới buổi chiều. Nhưng khi ký lệnh ban hành, quận trưởng Tam Kỳ lúc bấy giờ là Phan Vỹ lại quyết định cho chợ Mới nhóm buổi mai và chợ Cũ ngược lại. Người dân chợ Cũ tuy bất bình nhưng đành ngậm bồ hòn theo lệnh quan trên. Người ta đồn rằng tay quận trưởng có người yêu bán hàng vải trong khu chợ Mới nên đã thiên vị như thế! Từ đó chợ Mới có tên chợ Mai và chợ Cũ là chợ Chiều.
Năm 1962, khi cầu Kỳ Phú bằng bê tông bắc qua sông Bàn Thạch nối liền trục đường bộ Tam Kỳ - Tam Phú đúng ngay vị trí chợ Chiều. Do vậy, chợ Chiều phải dời về khu Gò Đá (nay là khách sạn Tam Kỳ), có không gian rộng rãi giáp với đường Phan Châu Trinh. Mặc dù chợ xây dựng từ năm 1962 nhưng người dân vẫn quen gọi chợ Chiều là chợ Cũ hay chợ Hội đồng (vì chợ đối diện ngay cổng Hội đồng xã Châu Thành, Tam Kỳ).
Sau ngày giải phóng năm 1975, chợ Mai và chợ Chiều vẫn tiếp tục hoạt động. Đến năm 1982, do yêu cầu phát triển, chợ Mai và chợ Chiều sáp nhập thành chợ Tam Kỳ. Chợ Tam Kỳ xây dựng trên khu đất mới thoáng đãng tại khối phố 3 và 4 phường Phước Hòa. Hiện nay, chợ Tam Kỳ tiếp tục phá dỡ để xây nhà tầng; tương lai trở thành trung tâm thương mại khang trang và hiện đại.
Thời gian lùi xa, cảnh đời thay đổi, nhưng đọng lại trong tôi vẫn là những dòng hồi ức tinh khôi xen lẫn buồn vui. Khi hình ảnh hiện lên, tôi nhận ra trên đôi vai quang gánh và bước chân chạy chợ vội vã của mẹ những vết chai sần.
TRẦN XUÂN QUANG