Chợ di động, các điểm cung ứng, tiêu thụ hàng hóa mới xuất hiện… đã “chở” xuân sớm lên các bản làng vùng cao.
Bình ổn giá
Năm nay, điểm bán hàng bình ổn giá của Đoàn kinh tế quốc phòng 207 đã “đón đầu” mở chợ sớm tại gần trung tâm xã biên giới Chà Vàl (Nam Giang). Các mặt hàng bày bán rất phong phú nhưng chủ yếu là nông sản bản địa và các vùng khác. Ngoài việc cung cấp sản phẩm, điểm kinh doanh này còn thu mua nông lâm sản của đồng bào. Kết hợp với chợ dọc đường biên giới, cửa hàng dịch vụ của đơn vị quốc phòng còn là địa chỉ lui tới, thỏa mãn nhu cầu mua bán cho người dân. Chiều xuống, nhưng một nhóm phụ nữ đồng bào Tà Riềng tay địu con tiến về điểm mua bán tập trung. Vừa mua một chiếc áo da chống lạnh, chị Bhling Hớp có vẻ đắc ý: “Chiếc áo này vừa vặn, giá cũng rẻ. Năm nay, đồng bào mình bước ra khỏi nhà là gặp chợ ngay, tiện lợi lắm”. Còn bà Brao Hương (thôn Đắc Ôốc, xã La Dêê, Nam Giang) phấn khởi: “Hai năm nay, nhà mình không còn phải lặn lội xuống thị trấn Thạnh Mỹ mua hàng nữa. Chợ đến tận nhà, mình đổi được nhiều thứ lắm. Hết đồ ăn nước uống mình lại đem mật ong, sắn, nếp pơnang đến đổi thịt, cá...”. Chính quyền xã Chà Vàl khẳng định, các điểm kinh doanh, buôn bán trên địa bàn cộng với thời gian gần đây hình thành phiên chợ xuân đã tạo ra sự giao lưu, trao đổi buôn bán vùng miền đa dạng. Trước đây, bà con thường “đói” thực phẩm tươi sống nhưng bây giờ “chợ” đến tận nơi, rất thuận tiện cho mua sắm. Những nhu yếu phẩm phục vụ tối thiểu cho cuộc sống đều có mặt trên rẻo cao này.
Đồng bào dân tộc thiểu số tập trung mua áo quần mới ngay tại chợ di động làng. Ảnh: T.H |
Ngược lên khu vực cửa khẩu Nam Giang thuộc xã La Dêê cũng bày bán đủ thứ hàng hóa phục vụ tại chỗ cho bà con, đồng thời cung cấp cho phía bạn Lào. Một chủ cửa hàng ở biên giới cho biết, với đồng bào mình và nước bạn Lào, chữ tín quan trọng hàng đầu. Khách hàng khi đã quý ai thì sẽ đến “chợ” của người đó mua hàng hóa, vật dụng cần thiết và sẵn sàng bán các sản vật từ vườn nhà hoặc khai thác được ở rừng. Thời điểm cận tết, đồng bào Cơ Tu, Tà Riềng, Ve thường bán các mặt hàng đan đát, dệt thổ cẩm truyền thống và các rượu đặc sản như tr’đin, tà vạt... Còn mua tiêu dùng thì phổ biến áo quần, mùng mền, đồ dùng gia đình, các thiết bị điện tử, điện thoại di động. Mỗi chợ, điểm cung ứng hàng hóa vùng biên đều có một lượng “thượng đế” nhất định nên ít diễn ra cảnh mặc cả giá như thường thấy ở phiên chợ đồng bằng. Dọc quốc lộ 14D từ xã Ta Bhing lên biên giới Việt – Lào còn xuất hiện nhiều chợ di động bày bán quần áo, sản phẩm “cây nhà lá vườn” của đồng bào. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực cửa khẩu Nam Giang, ngoài giá bán xăng lẻ có giá cao hơn thị trường, phần lớn các mặt hàng mang thương hiệu Việt đều bình ổn giá.
Không thiếu hàng
Chủ tịch UBND xã La Dêê Blúp Vớt cho biết, trước tết cổ truyền dân tộc 2 tháng đã có các điểm cung cấp hàng hóa bình ổn giá. Sự phong phú chủng loại hàng hóa giúp bà con thỏa mãn nhu cầu mua sắm. Chuyển biến tích cực là sát trung tâm xã biên giới nhiều hộ vốn quen với cái nương cái rẫy đã chuyển sang buôn bán, kinh doanh và hầu hết đều không rơi vào hộ nghèo. Khi dịch vụ thương mại đã phổ biến ở vùng cao, cái lợi lớn nhất là giúp đồng bào mở rộng giao lưu làm ăn, dần dà chuyển đổi nghề phù hợp. Đại diện lãnh đạo Đoàn kinh tế quốc phòng 207 khẳng định, đơn vị đủ sức cung ứng lương thực, thực phẩm cũng như các loại hàng hóa phục vụ cho đồng bào dịp Tết Nguyên đán. Theo Sở Công Thương, khu vực các huyện miền núi như Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My và Bắc Trà My sẽ mở 29 điểm bán hàng cố định lẫn lưu động. Với tinh thần phục vụ tết cho đồng bào một cách tốt nhất, nhiều phiên chợ đã triển khai sớm hơn mọi năm, tránh tình trạng đầu cơ, đẩy giá hàng hóa vượt mức chung của thị trường.
Theo Giám đốc Sở Công Thương – ông Nguyễn Quang Thử, để thực hiện việc bán hàng bình ổn giá, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mua hàng dự trữ phục vụ tết, mới đây, UBND tỉnh chủ trương hỗ trợ tiền lãi vay cho doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa phục vụ địa bàn miền núi. Thực hiện kế hoạch của tỉnh, những ngày qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực thu mua, dự trữ hàng hóa và hiện đã chuyển lên vùng cao cung ứng. Hàng hóa phục vụ cho khu vực miền núi dịp Tết Nguyên đán chủ yếu gạo, nếp, dầu ăn, muối i ốt, đường, thịt gia súc - gia cầm… “Những năm trước, hàng hóa phục vụ tết ở vùng núi rất đơn điệu, thậm chí cầu vượt cung, nhưng năm nay nhờ sự chỉ đạo sớm của tỉnh, các doanh nghiệp, điểm cung tiêu đã tiếp cận sớm. Chủ trương “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” lại tiếp tục tuyên truyền, vận động. Ở khu vực khó khăn, phải thực hiện cho được mục tiêu bình ổn giá. Người dân miền núi cần gì, doanh nghiệp thương mại thuộc diện hỗ trợ lãi suất vốn vay phải đáp ứng kịp thời” – ông Thử nói.
TRẦN HỮU