Với đặc tính dễ trồng, thị trường ưa chuộng, cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân tại xã Điện Hòa (thị xã Điện Bàn) lựa chọn nấm bào ngư để phát triển sản xuất.
Thu nhập khá
Lái xe cho một doanh nghiệp tại TP.Đà Nẵng nên có nhiều thời gian rỗi, anh Nguyễn Quang Hưng (thôn Quang Hiện, xã Điện Hòa) muốn tìm một công việc tại nhà để kiếm thêm thu nhập.
Qua thời gian tìm hiểu, anh Hưng nhận thấy mô hình nấm bào ngư phù hợp với gia đình, bởi loại nấm này dễ trồng và vốn đầu tư ban đầu thấp. Nghĩ là làm, anh Hưng quyết định xây dựng nhà trồng nấm với diện tích 200m2, đầu tư giàn giáo, hệ thống đèn và các thiết bị khác.
Anh Hưng cho biết, phôi nấm sau khi mua ở huyện Núi Thành được cho vào túi ny lon ủ trong 2 tháng, sau đó canh ngày rút bông và mở miệng túi để nấm phát triển kết hợp phun sương tạo ẩm, qua vài ngày sẽ ra nấm thành phẩm. Thu hoạch nấm, anh Hưng đem bán ở chợ Hòa Cường (TP.Đà Nẵng) vào dịp rằm và mùng một mỗi tháng (thu hoạch vào ngày 13 âm lịch và 29 âm lịch).
Sau chu trình đầu tiên, tiến hành vệ sinh gốc nấm và thực hiện quy trình mới, đến ngày 29 (âm lịch) có thể thu hoạch. Anh Hưng cho biết, mỗi phôi giống nấm bào ngư (giá 5.500 - 6.000 đồng/phôi) có vòng đời 4,5-5 tháng, tương đương 9-10 kỳ thu hoạch, cho năng suất 250g nấm thành phẩm. Nấm bào ngư dao động 50-60 nghìn đồng/kg, vào các dịp rằm lớn hay lễ tết có thể hơn 100 nghìn đồng/kg.
“Mỗi năm gia đình tôi nuôi 30 nghìn phôi nấm cho năng suất 7 tấn nấm thành phẩm, sau khi trừ hết chi phí, gia đình tôi bỏ túi hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Đây là khoản thu nhập khá, ổn định giúp gia đình tôi có thêm tiền để trang trải chi phí sinh hoạt” - anh Hưng nói.
Trong khi đó, nhận thấy tiềm năng của mô hình nuôi nấm bào ngư, gia đình ông Phan Minh Hương (thôn Quang Hiện, xã Điện Hòa) quyết định thành lập Công ty TNHH Hoàng Nguyên Minh nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong sản xuất nấm, tăng tính cạnh tranh.
Ông Phan Minh Hương cho biết công ty nuôi 40.000 phôi nấm mỗi năm, cung cấp khoảng 10 tấn nấm bào ngư thành phẩm cho các chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng.
Ông Hương cho biết, phôi nấm được chia thành hai đợt nuôi để đảm bảo cung cấp nấm liên tục ra thị trường. Với số lượng đó, trang trại nấm mang lại doanh thu khoảng 500 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí, có thể thu lãi gần 200 triệu đồng.
“Nấm bào ngư rất dễ trồng, gia đình tôi ai cũng làm được, tận dụng thời gian nhàn rỗi, chi phí bỏ ra ít nhưng cho thu hoạch liên tục” - ông Hương chia sẻ.
Liên kết sản xuất
Theo tìm hiểu, thôn Quang Hiện có 115 hội viên nông dân hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp… Đáng chú ý, mô hình trồng nấm bào ngư được một số hộ mạnh dạn triển khai, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.
Trước thực tế đó, Hội Nông dân xã Điện Hòa quyết định thành lập “Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng nấm ăn thôn Quang Hiện” với 5 thành viên. Mục đích hỗ trợ kỹ thuật trồng nấm, liên kết tiêu thụ sản phẩm, nghiên cứu trồng thêm các loại nấm khác mang giá trị kinh tế cao hơn.
Ông Trần Quang Thắng - Chủ tịch Hội nông dân xã Điện Hòa cho biết, UBND thị xã Điện Bàn đã thống nhất chủ trương cho triển khai Dự án liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất nấm tại Công ty TNHH MTV Hoàng Nguyên Minh. Công ty này sẽ sản xuất, cung cấp phôi nấm bào ngư cũng như đảm bảo đầu ra cho các thành viên trong tổ, góp phần giúp nông dân phát triển kinh tế bền vững.
“Hội nông dân xã định hướng nâng cao chất lượng sản xuất nấm bào ngư, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiến tới đăng ký chứng nhận OCOP và tiếp cận các hệ thống siêu thị” - ông Thắng nói.
Bà Võ Thị Thủy - Phó Chủ tịch Hội nông dân thị xã Điện Bàn cho biết, điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương khá thuận lợi cho sản xuất nấm bào ngư. Tuy quy mô sản xuất còn nhỏ nhưng đã mở ra hướng đi mới giúp nông dân nâng cao thu nhập, chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Thời gian tới, hội sẽ nghiên cứu, triển khai các chính sách để hỗ trợ nông dân mở rộng quy mô, đồng thời tìm đầu ra ổn định để nông dân yên tâm sản xuất, nhân rộng mô hình trên địa bàn.