Diện tích sau khi thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa (DĐĐT)dôi dư ra, Ban nhân dân thôn Tân Lộc, xã Tam Tiến (Núi Thành) tự ý cho số hộ khác thuê lấy tiền, khiến cử tri địa phương bức xúc.
Người dân các thôn Tân Lộc, Lộc Ngọc (xã Tam Tiến) phàn nàn về việc thiếu công khai minh bạch trong dồn điền đổi thửa và cho thuê đất không đúng thẩm quyền của Ban nhân dân thôn. Ảnh: T.N |
Tại thôn Tân Lộc, phần lớn đất trồng lúa của người dân được chia theo số nhân khẩu theo tinh thần Nghị định 64/CP của Chính phủ. Thực hiện chủ trương DĐĐT, người dân thôn Tân Lộc đồng tình ủng hộ, chấp nhận mất một phần nhỏ diện tích ruộng sản xuất của mình. Cụ thể mỗi sào ruộng của dân sau khi DĐĐT sẽ giảm ít nhất 20m2. Theo UBND xã Tam Tiến, thay vì đóng tiền để triển khai chủ trương trên, người dân chọn phương án góp đất. Cánh đồng Vẹt ở thôn có 2 loại đất sản xuất chính, gồm đất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho dân theo Nghị định 64/CP của Chính phủ và đất công ích 5% do UBND xã quản lý.
Ông Mai Xuân Hùng – đại biểu HĐND xã Tam Tiến bức xúc về những việc làm thiếu minh bạch của Ban nhân dân thôn Tân Lộc. |
Tuy nhiên, điều gây bức xúc cho người dân là lãnh đạo thôn Tân Lộc đã tùy tiện cho thuê đất lấy tiền không thuộc thẩm quyền, không thông báo công khai, minh bạch để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhiều trường hợp ký kết cho thuê đất của Ban nhân dân thôn với các hộ dân không được công bố rộng rãi. Trong đó, có các hộ ông Nguyễn Văn Dần, Nguyễn Ngọc Lương, Bùi Văn Ba, bà Hồ Thị Bộn… phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để thuê lại đất sản xuất của thôn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không những tùy tiện trong việc cho thuê đất sản xuất, Ban nhân dân thôn Tân Lộc còn tự quyết định bán sắt thép sử dụng vào mục đích xây cầu dân sinh. Về việc này, lãnh đạo xã Tam Tiến khẳng định, trong khi xã chưa đồng ý thì thôn đã tự ý bán sắt thanh lý. Trước đây, Tân Lộc có tờ trình xin hỗ trợ sắt thép, kinh phí làm cầu bắc qua cánh đồng Vẹt (sắt thép này từ cầu Tam Hòa thanh lý). Tuy nhiên, khi số sắt thép này không thể sử dụng vào mục đích xây cầu thì Ban nhân dân thôn Tân Lộc đã tự ý bán 60 triệu đồng. |
Ông Mai Xuân Hùng - đại biểu HĐND xã Tam Tiến bức xúc: “Theo quy định của Luật Đất đai, thôn không có thẩm quyền cho thuê đất, bán đất, nhưng Ban nhân dân thôn Tân Lộc đã ngang nhiên cho các hộ dân thuê lại đất không thời hạn. Việc làm sai trái này đã được phản ánh qua kỳ họp HĐND xã nhưng chưa thấy xử lý”. Cũng theo ông Hùng, diện tích thực hiện DĐĐT ít hơn rất nhiều so với con số mà thôn báo cáo để “móc tiền” hỗ trợ của Nhà nước về hạng mục chỉnh trang đồng ruộng trong quá trình DĐĐT. “Toàn bộ số tiền mà Nhà nước hỗ trợ gần 50 triệu đồng không biết sử dụng vào mục đích gì, sao không cấp lại cho dân. Là đại biểu HĐND của xã, phụ trách lĩnh vực thủy lợi, tôi không được cung cấp thông tin liên quan đến việc cho dân thuê lại đất canh tác nên tôi có trách nhiệm phản ánh vấn đề này”.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Nguyễn Đình Dũng - Trưởng thôn Tân Lộc cho biết, người dân tự nguyện hiến mỗi sào 20m2 với loại đất 95% (đất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - PV) để trả chi phí múc bờ, ranh rập… không sản xuất được. Tất cả đều có sự thống nhất của dân. Ông Dũng cũng thừa nhận có việc Ban nhân dân thôn cho một số hộ dân thuê đất không thời hạn, nhưng quy định không được trồng cây lâu năm, không xây dựng nhà ở. Riêng 4 hộ dân ở xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) chuyển về sinh sống thiếu đất sản xuất, thôn cấp cho mỗi hộ 1 sào.
Chủ tịch UBND xã Tam Tiến Nguyễn Giúp cho rằng, trong quá trình DĐĐT, dân hiến một số đất dạng như đất khó chia (ranh rập), sau đó dồn lại một chỗ. Phần đất khó chia và ranh rập của dân hiến dồn lại khoảng 3,7 sào, Ban nhân dân thôn đã cho nhiều hộ dân thuê lại. Số tiền cho thuê đất phục vụ lại cho việc múc các đường chỉnh trang đồng ruộng, làm bờ vùng bờ thửa, đều có sự thống nhất của người dân. Chính quyền xã luôn quán triệt, đất sản xuất lâu năm của dân muốn chia, cho thuê lại như thế nào phải đem ra bàn bạc, đồng thuận cao từ người dân.
Chuyện thôn cho thuê đất sản xuất sau khi DĐĐT và sử dụng nguồn tiền đó như thế nào cần phải có sự thống nhất của người dân và công khai, minh bạch. Liên quan đến những tồn tại của DĐĐT trên địa bàn xã Tam Tiến, trước đó Báo Quảng Nam phản ánh về sự không đồng thuận của dân thôn Lộc Ngọc khi cho rằng, địa phương bố trí ruộng đất ở nơi xa không thuận lợi cho đi lại sản xuất và diện tích bị cắt giảm rất nhiều.
TRẦN NGUYỄN