Chờ tín hiệu vui

Đức Bình 03/01/2013 09:26

Trong niềm vui hân hoan cùng thế giới chào đón năm 2013 cũng là lúc các nước khu vực châu Á nhận được một số tín hiệu vui khi nhiều chuyên gia phân tích kinh tế cho rằng, châu lục này có thể từng bước vượt qua khó khăn để chờ đón những lạc quan kinh tế của năm 2013.

Theo thông tin từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế  (IMF), kinh tế châu Á năm 2012 tăng trưởng khoảng 5,5%, mặc dù thấp hơn năm 2011 0,5% nhưng con số này vẫn để lại nhiều ấn tượng, cao hơn mức tăng trưởng trung bình của toàn cầu là 2%. Nhiều chuyên gia IMF cũng dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực sẽ dần phục hồi và tăng lên khoảng 6% vào năm 2013. Thực tế cho thấy, mặc dù khủng hoảng nợ công lan rộng và kéo dài tại các nước sử dụng đồng euro hay sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, nhu cầu nội địa tăng cao cùng với những chính sách kinh tế linh hoạt sẽ giúp khu vực phục hồi nhanh chóng.

Người dân châu Á thường quan niệm, năm Quý Tỵ luôn đem lại nhiều may mắn.
Người dân châu Á thường quan niệm, năm Quý Tỵ luôn đem lại nhiều may mắn.

Bên cạnh phát huy hiệu quả chính sách đẩy mạnh tiêu dùng nội địa để bù đắp thiếu hụt xuất khẩu sang các thị trường lớn, truyền thống tại châu Âu, Mỹ… các chính phủ châu Á hiện ráo riết xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tạo động lực phát triển cũng như thực hiện các cải cách kinh tế đúng đắn, đặc biệt thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tập đoàn Đầu tư - tài chính Goldman Sachs vừa công bố Báo cáo về triển vọng kinh tế châu Á năm 2013, trong đó bày tỏ niềm lạc quan đối với triển vọng kinh tế năm 2013 tại khu vực này. Báo cáo dự đoán trong năm 2013, mức tăng trưởng kinh tế trung bình tại châu Á sẽ đạt 6,9% và sau đó sẽ tiếp tục tăng lên mức 7,3% trong giai đoạn từ năm 2014 - 2016.

Cuối năm 2012 và đầu năm 2013, châu Á chứng kiến những cuộc chuyển giao quyền lực của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Nhiều chuyên gia cho rằng, những chính sách ưu tiên phát triển của các tân lãnh đạo từ các nền kinh tế vốn có tầm ảnh hưởng lớn sẽ tác động không nhỏ đến phát triển của châu Á. Đó là sự trở lại đầy ấn tượng của Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, thể hiện quyết tâm khôi phục nền kinh tế Nhật Bản đang vật lộn với nhiều khó khăn. Để nhấn mạnh tính cấp thiết của một “sự tái sinh” về kinh tế và tái thiết vùng Đông Bắc, ông Abe đã bổ nhiệm những chính trị gia giàu kinh nghiệm vào các vị trí quan trọng điều hành nền kinh tế và tài chính như cựu thủ tướng Taro Aso làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính; ông Toshimitsu Motegi làm Bộ trưởng Kinh tế, thương mại và công nghiệp; Hạ nghị sĩ Akira Amari làm Bộ trưởng Phục hồi kinh tế; Hạ nghị sĩ Takami Nemoto làm Bộ trưởng phụ trách tái thiết. Hay tại Hàn Quốc, sự lên ngôi của nữ tổng thống đầu tiên trong lịch xứ sở kim chi - bà Park Geun-hye cũng hứa hẹn nhiều lạc quan khi bà cam kết ưu tiên đưa kinh tế Hàn rời khỏi tổn thương mà kinh tế nước này gặp phải trong năm qua. Cũng như khi lựa chọn đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, tỉnh Quảng Đông, một trong những biểu tượng của sự phát triển kinh tế Trung Quốc làm nơi đến thăm trong chuyến vi hành đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Tổng Bí thư Tập Cận Bình muốn đưa ra một tín hiệu rõ ràng là Bắc Kinh chủ trương tiếp tục chính sách kinh tế thị trường và đẩy mạnh cải cách nhằm phục hồi các dấu hiệu suy giảm của nền kinh tế hàng đầu châu Á.

Dẫu có những tín hiệu lạc quan, nhưng các chính phủ châu Á còn nhiều việc phải làm để phục hồi lại tăng trưởng kinh tế, xứng đáng là điểm sáng của kinh tế toàn cầu trước những thách thức, rủi ro vẫn còn đang hiện hữu.

Đức Bình

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chờ tín hiệu vui
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO