Hơn hai năm sau khi bảng tên đường được gắn, cả khu dân cư thu nhập thấp (phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) vẫn chưa có số nhà.
Cánh shipper vẫn liên tục than phiền mỗi khi nhận đơn hàng chuyển phát về những khu phố “hữu danh”, tức là có tên, nhưng tìm đỏ con mắt vẫn không phân biệt được nhà nào số mấy.
Còn những cư dân, mỗi lúc cần thông báo cho bà con, người quen tìm đến nhà mình, bao giờ cũng phải kèm theo đặc điểm nhận dạng dài lê thê: nhà thứ sáu bên tay phải, nhà màu xanh có cổng sắt màu trắng, hoặc ngắn gọn hơn: đứng ở đầu đường để chờ chủ nhà ra đón. Đó là những phiền toái rất đời thực, hiện hữu ngay giữa thành phố Tam Kỳ, ở những tuyến đường hình thành trong quá trình sắp xếp chỉnh trang đô thị.
Đường về làng Hương Trà (phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ), dẫn về Vườn Cừa nhiều năm nay rộn ràng với lễ hội mùa hoa sưa, với kỳ vọng tạo nên một sản phẩm du lịch cho thành phố, nhưng cũng chỉ mới vừa được đặt tên vào cuối năm 2022. Không số nhà, cư dân mất đi nhiều tiện ích.
Nhiều người đem bản tin về việc vùng cao Tây Giang đặt tên, đặt số nhà cho cư dân ở miền núi mà “so sánh” với con đường nơi mình ở, như một sự than phiền. Phiền toái thì hẳn rồi, thế nên trong nhiều cuộc làm việc ở cấp cơ sở, họ không ít lần kiến nghị, nhưng rồi sau đó mọi thứ lại rơi vào im lặng.
Vẫn phải chờ, cũng không biết là chờ đến khi nào, để được vui như ngày nào đó tự dưng thấy cột bảng tên đường được dựng lên ở góc đường khu dân cư, “chính danh”... một nửa cho căn nhà mình.
Có hộ dân vì chờ đợi quá lâu nên tự nhẩm đếm lấy số thứ tự của nhà mình, đặt xưởng quảng cáo in một bảng số nhà gắn lên, dù hàng xóm hoài nghi cái nhà “hai mặt tiền” ở đầu đường liệu sẽ là số nhà đầu tiên của con đường hay là... nằm ở mặt đường còn lại.
Các nhà khác thì tặc lưỡi, lấy số nhà của ông hàng xóm... làm chuẩn, cũng in đại một bảng số nhà gắn lên, tiện việc trước mắt cho cánh... shipper lẫn bà con, người quen mỗi khi có việc đến tìm.
Không khó để có thể tìm thấy những “nỗi phiền toái chung” liên quan đến số nhà, tên đường ở TP.Tam Kỳ. Tại phường Tân Thạnh, nơi chằng chịt những ngõ kẻm, kiệt, rất khó để định vị một căn nhà khi nằm trong khu dân cư kiểu cũ.
Một dạo, rộ lên việc sẽ sắp xếp, giải tỏa một số hộ để mở đường, chỉnh trang đô thị. Nhưng những khó khăn về nguồn lực, quỹ đất tái định cư khiến dự án cứ treo lửng lơ suốt nhiều năm. Nỗi buồn cũ, nhưng vẫn... thời sự.
Tiếp tục đặt, đổi tên đường cho các đô thị trong tỉnh là cần thiết, phù hợp với nhịp độ phát triển đô thị khá mạnh mẽ như hiện nay. Đó là khẳng định của những người có chức trách, với thông điệp khắc phục cơ bản tình trạng “phố không tên”.
Bên cạnh thực hiện tốt hơn công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính, xây dựng văn minh đô thị, việc làm này còn góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử, tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch kinh tế, sinh hoạt... Nhưng sau những gì đang diễn ra ở một số con đường, mục tiêu, theo như phân tích, vẫn đang chỉ mới hoàn thành được một nửa.
Sau 6 năm kể từ khi “an cư” tại khu dân cư thu nhập thấp, anh Bùi Quang Thuận (khối phố Xuân Bắc, TP.Tam Kỳ) nói, hạ tầng nơi anh ở đã có quá nhiều bước phát triển. Cầu vượt đường Nguyễn Tất Thành được mở, cây xanh, điện chiếu sáng và hàng loạt tiện ích giúp xóa nhòa khoảng cách, những người dân như anh không còn cảnh ngóng về phía bên kia đường Nguyễn Hoàng, nơi trung tâm thành phố sáng đèn như những ngày vừa dọn về.
“Chỉ còn mỗi chuyện số nhà, tưởng nhỏ mà không nhỏ, cứ treo lửng lơ không biết ngày nào có. Chúng tôi được biết thành phố vừa có kế hoạch sẽ số hóa thông tin tên đường, quét mã QR này nọ, nhưng chuyện đơn giản nhất, gắn với thực tiễn nhất lại chưa được thực hiện. Phát triển đô thị, nên chú ý đến những việc cơ bản nhất, thiết thực nhất, là gắn bảng tên đường xong thì nên cấp luôn số nhà cho người dân cho đồng bộ” - anh Thuận chia sẻ.
Đã từng dấy lên những hân hoan trong lòng cư dân đô thị, khi tỉnh đặt mục tiêu nâng tầm đô thị Tam Kỳ trở thành đô thị loại 1. Thành phố loại 1, thành phố thông minh, thành phố sinh thái..., rất nhiều kỳ vọng được đặt ra cho tương lai. Nhưng quá trình xây dựng và hoàn thiện còn đòi hỏi một hành trình dài.
Những toan tính đang được cân nhắc kỹ lưỡng và chậm rãi, nhằm đánh giá đầy đủ tác động, đồng thời chuẩn bị một chiến lược dài cho câu chuyện phát triển đô thị. Lúc này, cũng là lúc nguyện vọng của người dân cần được lắng nghe nhất, từ những chuyện nhỏ nhất: cho tôi xin... số nhà!