Chỉ cần một chiếc xe đạp hay một chiếc xe đẩy chất đầy hàng hóa, những phụ nữ mưu sinh bằng nghề buôn bán hàng lưu động gọi đó là một cái “chợ”...
Đây là phương cách mưu sinh nhọc nhằn của nhiều phụ nữ không có công việc làm ổn định. Mỗi ngày, họ đưa “chợ” đi khắp các ngõ ngách trên phố để phục vụ khách hàng, kiếm chút “lời” để lo cho cuộc sống gia đình.
Đưa “chợ” xuống phố...
Đồng hồ báo thức đúng 4 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Tiên (khối phố Đoan Trai, phường Tân Thạnh, TP. Tam Kỳ) lại tất tả dậy chất thùng hàng lên chiếc xe đạp cũ để chuẩn bị một ngày dài mưu sinh. “Chợ” của chị có đủ các loại rau và nhiều loại hoa quả. Chị dắt xe nhanh ra ngõ để kịp lấy thêm hàng là các loại cá tươi của mấy người ở quê đem bán ở phố. Chị Tiên không quên lấy vội cái cân đã gỉ sét nhét bên hông chiếc xe. Sau một giờ đồng hồ “thu mua”, nhiều loại thực phẩm chất đầy trên xe. Hôm nay chị đưa “chợ” qua đường Trần Cao Vân, rồi sang đường Nguyễn Thái Học, Phan Chu Trinh. Ba con đường này là địa bàn quen của chị. Có đoạn chị đạp nhanh vì không có khách mua, nhưng cũng có khoảng đường phải dắt “chợ” đi bộ vì khách hàng quen gọi mua nhiều. Chị cho biết, “vốn liếng của nghề này không cần nhiều, chiếc xe đạp, cái cân, vài trăm ngàn đồng là có thể mua bán được. Nhưng nghề này vất vả, phải đạp xe mấy chục cây số mỗi ngày. Chị Tiên làm nghề này đã ngót 20 năm, từ lúc con gái chị mới 1 tuổi, nay con bé đã lên đại học. Dù thế chị vẫn cọc cạch với chiếc xe đạp cũ để đưa hàng đi bán. Xem như cách mưu sinh chính của cuộc đời mình. Chị tâm sự, một ngày không đạp xe là thấy buồn và “thiếu thiếu” điều gì đó…
Chị Tiên (bên phải) đưa “chợ” đi khắp các ngã đường để phục vụ khách. Ảnh: H.TÂN |
“Chợ” của chị Trần Thị Cau ở khối phố Mỹ Thạch Tây (phường Hòa Thuận, TP. Tam Kỳ) cũng bắt đầu từ rất sớm. Nhưng mặt hàng chủ yếu của chị là chuối xanh được chất đầy hai giỏ treo lủng lẳng phía sau xe đạp. Chuối được mua từ những gốc chuối trồng ở quê nên “chợ” của chị luôn đắt hàng và thường là khách hàng có con nhỏ. Chính vì thế mà chị thường rong ruổi đạp xe đến những khu vực gần nhà trẻ. Tiện cho khách sau khi gửi con, ghé lại để mua vài trái chuối. Chị nói: “Khách hàng không trả giá mấy, chỉ vài ngàn bạc lẻ, có thể mua được mấy trái chuối cho con. Làm nghề này cũng không cần phải tính toán giỏi, chỉ cần có sức khỏe, đạp xe nhiều là bán được nhiều. Phục vụ tận nơi, hàng hóa tươi ngon nên khách hàng ưng ý mà mua”. Đối với người đàn bà lam lũ này, việc đưa “chợ” đi bán quá đơn giản, chị nói khỏe như không, “mỗi ngày bảy tiếng ngồi trên xe đạp, bỏ ít vốn là có thể kiếm chút lời để trang trải cuộc sống”.
Khách mua của những “chợ di động” thường là những người không có nhiều thời gian để ra chợ. “Chợ” trên xe rất tiện đường lại không đắt đỏ nhiều so với những nơi khác, nên họ chọn mua. Công việc này dù lắm vất vả nhưng các chị ít bao giờ bỏ việc. “Đây là sinh kế chính nên mình phải thường xuyên lui tới. Khách hàng là thượng đế, bỏ bữa chợ là mất mối” - chị Tiên cho hay.
Nghề không sợ “đụng hàng”
Ngồi túm tụm lại trò chuyện sau một chuyến rong ruổi, chị Tiên hài hước: “Làm nghề này, suy nghĩ vô tư lắm, không sợ ai tranh giành nghề với mình bởi công việc… vất vả. Quanh năm suốt tháng không bao giờ son phấn lên mặt hay sửa soạn quần áo đẹp trước khi đi làm. Cứ bộ đồ cũ kỹ, chiếc mũ tai bèo đơn giản cùng chiếc xe đạp là vi vu”. Hơn 20 năm nay, chị Tiên vẫn cứ thấy chừng ấy con người đưa “chợ” ra phố, không thấy nhiều thêm người bán. “Nhưng nếu có người bán thêm thì có vô số khách hàng cần mua. Bây giờ thời buổi hiện đại, điều kiện kinh tế khá, khách hàng bận bịu với nhiều công việc nên mình cứ phục vụ tận tình là sẽ có khách mua hàng nhiều” - chị Tiên nói.
Bán hàng bằng cách thồ xe vất vả là vậy nhưng nhiều phụ nữ vẫn bám nghề để mưu sinh. Nhiều chị có cuộc sống khá khó khăn nhưng vẫn vượt qua để nuôi con nên người như chị Tiên, chị Cau, con cái đều được học đại học. Chị Cau phân trần, ngày nào có giỗ chạp, hay muốn ở nhà với chồng con một bữa cũng không được vì sợ mất khách hàng. “Nghề này nhọc nhằn nhưng vẫn không sợ đàn ông “giành” nghề bởi họ chê ít tiền nên mình cứ thong thả mà làm việc”.
Sau một ngày mệt nhoài vì phải đạp xe qua nhiều ngõ ngách, các chị lại đưa “chợ” của mình về nhà và có khi phải lo lắng nếu hàng hóa đọng lại vì ế ẩm. Cũng có hôm bán hết hàng sớm, các chị lại túm tụm ở một góc phố để vuốt ve từng tờ tiền lẻ, xem lời lỗ thế nào sau một ngày buôn bán. Đồng tiền kiếm được của họ từ nghề này được các chị chắt chiu, quí giá bởi phải dãi nắng dầm sương để có công việc mưu sinh qua ngày. “Cuộc sống gia đình còn khó khăn, nhiều chị em, nhất là những người ở vùng nông thôn phải cật lực lao động mới đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là chi phí cho con cái ăn học. Chúng tôi mong muốn làm sao con cái mình luôn ngoan ngoãn, thương cha thương mẹ, khi cầm đồng tiền tiêu xài phải nghĩ đến những người đã tần tảo, chắt chiu từng đồng một…” - chị Tiên tâm sự.
Hoàng Tân