“Chỗ trống dưới ngón tay Phật” (NXB Dân Trí - 2019) là tập truyện ngắn thứ 5 của nhà văn Nguyễn Hiệp - cây bút nổi tiếng ở Nam Trung Bộ, gồm 16 truyện ngắn được anh sáng tác trong mấy năm gần đây.
Cuốn sách thu hút nhiều độc giả quan tâm tìm đọc bởi truyện ngắn được chọn đặt tên cho cuốn sách khi đăng trên tạp chí văn nghệ địa phương nọ bị quy chụp “có vấn đề”(?!). Thế nhưng, qua phân tích mổ xẻ một cách khách quan của các nhà phê bình văn học, nó “chẳng có vấn đề gì cả”! Hơn thế nữa, truyện ngắn “Chỗ trống dưới ngón tay Phật” còn được đánh giá là tác phẩm viết về đề tài chiến tranh với góc nhìn mới lạ, đầy tính nhân văn, khiến độc giả phải suy ngẫm.
Đề tài chiến tranh chống Mỹ, cứu nước được Nguyễn Hiệp đào xới qua các truyện ngắn: Chỗ trống dưới ngón tay Phật, Đêm hỏa châu, Giếng cát, Hồn cát, Dứt dây… Trước đây, viết về đề tài này, hầu hết tác phẩm văn học tuân theo “công thức chung” là “ta thắng, địch thua”, “ta nhân đạo cao cả, địch tàn ác hèn hạ”… Cách viết như thế không còn phù hợp, vì vậy, Nguyễn Hiệp suy nghiệm tìm tòi để có một góc nhìn khác, cách viết khác. Và anh đã thành công. Nhân vật “tôi” trong truyện “Chỗ trống dưới ngón tay Phật” đi lính ngụy, khi ra trận anh cứ ám ảnh “phía bên kia” cũng là người mình, tại sao lại phải bắn giết nhau? “Nheo mắt. Nín thở. Tôi chợt lạnh toát người, rút ngón tay ra khỏi cò súng, gục đầu lên báng súng, nấc nghẹn”. Cuối cùng, nhân vật “tôi” chấp nhận cái chết bởi những loạt đạn từ phía bên kia chiến tuyến… Sa là lính tăng M.113 bị bão cát chôn vùi trong giếng cát, được một nữ du kích đùm bọc chở che. Sa từng có ý định giết ân nhân cứu mạng của mình để vượt thoát khỏi giếng cát. Người nữ du kích biết rõ điều đó nhưng vẫn cưu mang anh: “Mũi trưởng phát hiện ra tôi đang chứa chấp một tên địch ở đây thì anh chết đã đành, tôi cũng không sống nổi” (Giếng cát - tr.23).
Là nhà văn gắn bó với quê xứ, Nguyễn Hiệp có điều kiện quan sát cuộc sống chung quanh rồi chắt lọc để sáng tạo những tác phẩm thấm đẫm tình người tình quê. Nhân vật “hắn” trong truyện “Giếng khoan tay” làm cái nghề cực nhọc nhưng “hắn” rất vui khi thấy: “Gia chủ cười toe toét mừng vì có nước vườn thanh long sẽ cứu sống”. Sa trong truyện “Bơi trên cát” xa quê lâu ngày khi về lại thấy “xóm biển dịch chuyển” khiến anh bàng hoàng. Anh thuê chiếc “ô tô sa mạc” để chạy trên những đồi cát mênh mang nhằm tìm kiếm: “Những tiếng cười như nắc nẻ của một thời áo trắng cứ vang giòn đâu đó giữa không trung… Những rụt rè, những nhịp tim tăng nhanh, bối rối… Những giận hờn chẳng nguyên cớ, nguyên nhân… Những cái tên khắc quanh gốc phượng già…”. Xã hội phát triển, hẳn nhiên song hành với những điều tốt đẹp là không ít chuyện xấu xa. Tuân là cán bộ kiểm lâm thoái hóa biến chất đã câu kết với Lan - trùm gỗ lậu, sau này là vợ bé của anh ta, đã thảm sát rừng bạo liệt (truyện “Hai mặt”), những kẻ có chức có quyền lợi dụng chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đuổi dân cướp đất để mưu cầu lợi ích riêng (truyện “Rêu sọ”)…
Có thể nói, “Chỗ trống dưới ngón tay Phật” là tập truyện ngắn gợi nhiều suy ngẫm cho chúng ta khi bình tâm nhìn lại cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, đã lùi xa; bình tâm soi xét về những mặt trái của xã hội để xóa bỏ nó, nhân lên những điều tốt đẹp của cuộc sống hôm nay…