Được hoàn thành nâng cấp và đưa vào sử dụng năm 2009, đến nay chợ Trung Phước (xã Quế Trung, Nông Sơn) đã quá tải, không đủ điều kiện mua bán của người dân địa phương.
Buôn bán tràn ra đường
Cứ khoảng 5 giờ sáng hằng ngày, bà Nguyễn Thị Hòa (thôn Đại Bình, xã Quế Trung) lại đi đò qua sông để bán rau ở chợ Trung Phước. Theo bà Hòa, chợ Trung Phước có từ rất lâu rồi, thời xưa việc giao thương buôn bán lên địa phận Nông Sơn bây giờ chỉ bằng đường sông. Các ghe thuyền chở hàng từ dưới Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An lên họp chợ ở bến đò Trung Phước, về sau nơi đây thành lập chợ trên bờ. Chợ Trung Phước chủ yếu phục vụ mua bán cho người dân xã Quế Trung, thỉnh thoảng người dân những xã Quế Ninh, Quế Phước, Quế Lâm mới xuống mua những mặt hàng không có sẵn tại địa phương. Năm 2009, chợ Trung Phước xuống cấp nghiêm trọng nên UBND huyện Nông Sơn cho nâng cấp, sửa chữa trên diện tích chợ cũ.
Theo đó, chợ được xây với quy mô 2 khu nhà rộng hơn 1.000m2, tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng, trong thời hạn sử dụng 20 năm. Thời điểm 2009, chợ phục vụ chủ yếu cho người dân trên địa bàn xã Quế Trung, với quy mô như vậy thì hợp lý. Nhưng lâu dần, đường sá đi lại thuận tiện, người dân ở các xã khác cũng đến đây họp chợ và mua bán khiến cho chợ ngày càng chật đi. Nếu ngày trước chỉ có khoảng 30 tiểu thương bán ở các quầy hàng thì nay tăng gấp 3 - 4 lần.
Chính vì chợ quá chật chội nên tình trạng tiểu thương đưa hàng hóa ra vỉa hè, lòng lề đường trước chợ để bán gây nên tình trạng mất an toàn giao thông. Vào khoảng 6 - 9 giờ sáng mỗi ngày, lòng đường trước chợ chỉ rộng khoảng 7,5m nhưng đã bị các tiểu thương lấn chiếm làm nơi mua bán hết 5m. Tình trạng này khiến các phương tiện giao thông đi lại qua đoạn đường này rất khó khăn.
Anh Nguyễn Tấn An - tài xế xe tải thường chở hàng từ Duy Xuyên lên chợ Trung Phước chia sẻ: “Xe tôi thuộc hạng 3,5 tấn mà đi ra đi vào đoạn đường trước chợ cũng vô cùng khó khăn. Đoạn đường bị lấn chiếm dài hơn 200m, nếu tôi đậu xe ở ngoài rồi đưa hàng vô thì rất mất công. Nhiều lúc tôi bị trễ giờ, mắc lại giữa đường vì người mua người bán chen ngang không có lối đi. Ngoài ra, xe máy dựng vô tư giữa đường, tôi phải xuống dắt từng chiếc mới đi được”.
Cần một khu chợ mới
Ông Nguyễn Văn Lanh - Chủ tịch UBND xã Quế Trung xác nhận chợ Trung Phước đến nay đã quá tải. Nguyên nhân là số lượng tiểu thương buôn bán ở chợ tăng nhanh cùng với nhu cầu của người dân các xã lân cận.
Cũng theo ông Lanh, thời gian qua, UBND xã Quế Trung đã nhiều lần phối hợp với Đội quy tắc - đô thị huyện và các ban ngành liên quan của huyện tổ chức ra quân tuyên truyền, dọn dẹp và xử lý các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường ở khu vực trước chợ Trung Phước. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn lặp đi lặp lại sau khi lực lượng chức năng rời đi, do nhu cầu mua bán của người dân quá lớn.
“Trong nhiều cuộc họp dân hay tiếp xúc cử tri, người dân liên tục phản ánh về tình trạng bát nháo ở khu vực trước chợ Trung Phước gây mất an toàn giao thông. Để giải quyết tình trạng này theo hướng trước mắt, chúng tôi đã cho san ủi, bố trí mặt bằng Trường mẫu giáo Quế Trung cũ (đã di dời) làm nhà để xe và khu mua bán mặt hàng nông sản. Về lâu dài, cần có một chợ mới khang trang, rộng rãi, phù hợp với nhu cầu mua bán của người dân toàn huyện” - ông Lanh nói.
Ông Trương Ngọc Vũ - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Nông Sơn cho biết, trong quy hoạch xây dựng đô thị Trung Phước - trung tâm huyện Nông Sơn, có bố trí khu phố chợ Trung Phước rộng khoảng 6ha, thuộc địa phận thôn Trung Hạ, xã Quế Trung. Quy hoạch này được phê duyệt năm 2016. Từ đó đến nay, UBND huyện Nông Sơn luôn xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư vào dự án khu phố chợ này.
“Tuy nhiên, do suất đầu tư quá lớn so với một địa phương miền núi (khoảng 20 tỷ đồng), nên dù đã có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu và đặt vấn đề nhưng dự án vẫn chưa được triển khai. Đây là dự án xã hội hóa nên thời gian tới, địa phương cũng sẽ tiếp tục xúc tiến việc kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư để giải quyết bài toán quá tải ở chợ Trung Phước cũ và khu phố chợ Trung Phước được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo của huyện Nông Sơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương” - ông Vũ cho biết.