Cùng với dự án thực hiện từ địa phương, Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, Thăng Bình) sẽ được Tổ chức Khảo cổ học Ấn Độ thực hiện các phương án bảo tồn, gia cố sau khi được Bộ VH-TT&DL cho phép.
Theo tinh thần Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ năm 2014, Đoàn chuyên gia đến từ Tổ chức Khảo cổ Ấn Độ (ASI) đã đến Quảng Nam nhiều lần sau khi hoàn thành trùng tu các nhóm tháp A, H, K tại Mỹ Sơn (Duy Xuyên) để tiếp tục nghiên cứu, có phương án bảo tồn các nhóm tháp E, F tại Mỹ Sơn và nhóm tháp Đồng Dương (Thăng Bình).
Chi 12 tỷ đồng gia cố Đồng Dương
Cuối tháng 12/2023, chủ trương đầu tư dự án Tu bổ, gia cố, phục hồi và phát huy giá trị tháp Sáng thuộc di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương được thông qua với mức kinh phí 12 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Ông Nguyễn Công Khiết - Phó Giám đốc Ban Quản lý Di sản Mỹ Sơn cho biết, Mỹ Sơn thụ hưởng quản lý bảo tồn nhóm tháp A, K, H từ Ấn Độ từ năm 2016 - 2022.
Đến nay các khu đền tháp được bảo tồn và phát huy hiệu quả, thu hút khá đông khách đến tham quan.
Năm 2023, trên cơ sở khảo sát của ASI, nhận thấy nhóm tháp E cần thiết phải bảo tồn, nhóm chuyên gia đã tiến hành lập dự án trùng tu nhóm tháp E và tạo cảnh quan ở khu E, F.
Các chuyên gia tính đến chuyện kè suối ở khu E, F để tránh xói lở sau này cũng như đề xuất Mỹ Sơn đưa tháp A’ vào dự án trùng tu tiếp theo.
Dự án sẽ thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng cũng như khai quật, nghiên cứu khảo cổ và thực hiện các can thiệp bảo tồn khu vực quanh chân tháp.
Từ tu bổ chống sạt đổ, phục hồi các chi tiết đến tháo dỡ dàn sắt chống đỡ, chống mối công trình cũng như bảo quản gia cố bề mặt gạch, xử lý cây dại xâm thực trên tường gạch gốc... sẽ được thực hiện từ nay đến hết năm 2025.
Phật viện Đồng Dương được hình thành và phát triển vào khoảng thế kỷ 9-11. Đầu thế kỷ 20, những cuộc khai quật khảo cổ học của các học giả người Pháp đã phát hiện cả một quần thể kiến trúc Phật giáo lớn vào loại bậc nhất, độc đáo nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2016, di tích Phật viện Đồng Dương được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Bên cạnh đó, nhiều hiện vật liên quan của di tích Phật viện Đồng Dương được công nhận là bảo vật quốc gia. Điều này khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của di tích này trong dòng chảy lịch sử dân tộc.
Tuy nhiên, sau những đợt khai quật, nghiên cứu của các học giả Pháp đầu thế kỷ 20, đến nay chưa có công trình nghiên cứu thực sự đầy đủ, quy mô và tổng thể về di tích Phật viện Đồng Dương.
Việc hệ thống hóa tư liệu và đánh giá một cách toàn diện, tổng thể giá trị di tích làm cơ sở khoa học để định hướng, đề xuất các giải pháp phù hợp cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị.
Trước đó, Quảng Nam đã đầu tư khai quật một số khu vực cũng như tiến hành chống đỡ khẩn cấp lần 2 cổng tháp Sáng. Đồng thời, tỉnh đã giao các cơ quan liên quan tiến hành lập đề án quy hoạch khảo cổ, bảo tồn tôn tạo di tích.
Sưu tầm và hệ thống hóa các tư liệu có liên quan đến di tích, vừa giúp cho việc tu bổ tôn tạo được tiến hành với nhiều chứng cứ khoa học, vừa phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu và công tác quản lý.
Dự án bảo tồn từ Ấn Độ
Ông Er. Bhima Azmira - Giám đốc Bảo tồn ASI cho rằng, Đồng Dương cần thiết phải được bảo tồn và trùng tu vì những giá trị văn hóa đặc biệt mà di tích sở hữu.
“Cùng với vệ sinh di tích, chúng tôi nhận thấy cần xác định biên giới của di tích. Trong suốt những chuyến khảo sát, chúng tôi thấy cây cỏ che phủ nhiều diện tích cũng như một số phần bị xâm phạm bởi các kiến trúc nhà ở, đường đi, hoạt động dân sinh của người địa phương” - ông Er. Bhima Azmira nói.
Trong năm 2023, đoàn chuyên gia ASI đã 2 lần đến khảo sát và đánh giá ban đầu về thực trạng, định hướng công tác bảo tồn, phục dựng Phật viện Đồng Dương.
Theo đó, ASI mong muốn sẽ phục dựng kết cấu kiến trúc cổng chính và hai cổng phụ cũng như khai quật thám sát di tích. ASI cũng đề nghị phía Việt Nam cung cấp lại tất cả dữ liệu hồ sơ khoa học về Đồng Dương cho phía Ấn Độ để các chuyên gia dựa vào dữ liệu báo cáo dự án chi tiết đối với Đồng Dương.
Ông Hồ Xuân Ring - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích Quảng Nam cho biết, ASI cần đưa ra giải pháp trùng tu cụ thể đối với nhóm tháp E tại Mỹ Sơn. Đồng Dương là di tích quốc gia đặc biệt do đó bất cứ hoạt động nào liên quan đến di tích phải có ý kiến của Bộ VH-TT&DL. Do vậy, yêu cầu phía ASI có báo cáo kế hoạch thám sát di tích cũng như phương án trùng tu để Quảng Nam trình Bộ VH-TT&DL cho ý kiến.
Tại cuộc làm việc giữa các chuyên gia của ASI và UBND tỉnh Quảng Nam, phía ASI cho biết trong tháng 1 này, họ sẽ gửi phương án thám sát, trùng tu ban đầu đến Quảng Nam để xin ý kiến Bộ VH-TT&DL.