Tài chính - Thị trường

Chợ truyền thống cần thay đổi nhiều hơn

THỤY BẤT NHI 16/02/2025 08:37

Dư luận đã nhiều lần tranh biện về xu hướng phát triển các siêu thị, hệ thống thương mại kinh doanh tự do tại các đô thị lớn sẽ “giết dần” các chợ truyền thống. Liệu điều này có thể xảy ra trong tương lai gần, thị dân sẽ phải chấp nhận điều đó?

cho001.jpg
Các chợ truyền thống rất cần được tổ chức sắp xếp và quản lý chặt chẽ.

Ai cũng thấy, mâu thuẫn tranh luận về chợ truyền thống thuộc về những nhà văn hóa, các thế hệ người tiêu dùng lớn tuổi, đối chọi với giới trẻ và những người chuộng phong cách tiêu dùng hiện đại, các tổ chức kinh doanh thương mại điện tử… Những dự báo chợ truyền thống sẽ lụi tàn luôn nhận phản ảnh ngược chiều từ những người có tâm lý văn hóa truyền thống.

Trong dòng chảy thời gian

Trong văn hóa truyền thống đậm chất Á Đông, chợ là một biểu trưng không thể thiếu. Họp chợ, lập chợ, luôn là vấn đề lớn liên quan đến phong tục tập quán, nếp sống sinh hoạt của người dân.

Đặc biệt, càng là đô thị đông dân, sự hiện diện của các chợ càng nhiều, gồm cả những chợ vỉa hè, chợ “chồm hổm”… đến các trung tâm thương nghiệp, chợ đầu mối quy mô. Văn hóa chợ đã vào sử sách, văn thơ bao đời. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam truyền thống đã gắn với những quang gánh, thúng mẹt bày hàng ở chợ…

Do đó, khi nhiều người nhìn nhận, xu thế phát triển các chợ hiện đại, nhất là các phương thức kinh doanh “số hóa” sẽ dần triệt tiêu các chợ truyền thống, gần như đa số người dân không tin.

cho002.jpg
Chợ truyền thống khó có được sự khang trang hiện đại như các trung tâm siêu thị.

Ngay ở những trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, khi các siêu thị, trung tâm thương mại bề thế mọc lên, tạo thói quen mua sắm “định kỳ hàng tuần” cho người tiêu dùng, thì những góc chợ xép, chợ bình dân, chợ ngụ cư… ở đâu đó trong ngõ hẻm, thôn xóm vẫn tồn tại, vẫn tụ họp đều đều mỗi sớm chiều theo lịch sinh hoạt của cư dân.

Rất nhiều nam thanh nữ tú, quen xài hàng hiệu đi xe hơi, vẫn có thói quen “lội chợ” để lùng mua những thức ăn vặt, vật dụng hàng ngày nào đó. Phân tích của nhiều người cho thấy, dù thế nào, cảm giác không khí ở chợ truyền thống vẫn khó thay đổi được.

Cho nên, để nhận xét chợ truyền thống mất đi, tâm lý xã hội chưa chấp nhận. Thậm chí, nhiều địa phương có chợ truyền thống lâu năm, đang lên kế hoạch xây dựng, tái lập trật tự ở các chợ.

Họ muốn tạo hình ảnh đổi mới, tích cực hơn về chợ truyền thống, xóa đi những ấn tượng ở quá khứ, với những chợ truyền thống lụp xụp, lầy lội khi trời mưa, nóng bức khi nắng hạn.

Nhiều chợ đô thị lớn, đến nay đã được cải tạo tân trang, có chợ lắp hẳn hệ thống điều hòa mát mẻ, thật sự làm thay đổi cảm quan của nhiều người khi nghĩ về chợ truyền thống.

Thay đổi để tồn tại

Với dòng chảy công nghệ số và nhịp điệu thương mại điện tử hiện nay, chợ truyền thống cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lượng tiểu thương “bám chợ” ít dần, hàng hóa đưa vào chợ cũng giảm dần do sức cạnh tranh bán mua không còn nhiều.

cho003.jpg
Chợ truyền thống, đã từ lâu tồn tại trong đời sống người dân.

Không ít doanh nghiệp sản xuất nhận định, hàng đưa vào chợ bán chậm hơn hẳn so với cách bán hàng trực tuyến, bán qua các kênh thương mại hiện đại. Hơn nữa, dù chợ truyền thống có tu bổ sửa sang thế nào, cũng không có được dáng mạo hiện đại, sạch sẽ khang trang như các trung tâm, siêu thị.

Theo các nhà tư vấn, chí ít để xúc tiến hoạt động các chợ truyền thống trong thời gian tới, cần có ba yêu cầu chấn chỉnh, của cả các cơ quan quản lý, lẫn chính người dân, đối tượng chính yếu “nuôi dưỡng” các chợ.

Đó là cần sự phân loại, đánh giá để đầu tư đúng mức, truyền thông hiệu quả về hình ảnh, hoạt động các chợ truyền thống, nhất là những chợ lâu đời, gắn với lịch sử, văn hóa địa phương.

Những chợ truyền thống có giá trị văn hóa di sản, rất cần được quy hoạch và tổ chức quản lý tốt, định hướng hỗ trợ từ chính quyền, ngân sách nhất định nhằm duy trì và tổ chức các hoạt động khai thác hiệu quả nhất.

Tiếp đó, hàng hóa đưa vào chợ truyền thống, cần được giám sát, quản lý ổn định, dựa vào các hệ thống phân phối tiêu dùng từ doanh nghiệp và các cơ quan quản lý chức năng giám sát. Nhưng quan trọng, là tiểu thương các chợ cần những chính sách hỗ trợ, như trợ giá, tặng hàng… để cam kết bảo đảm phục vụ người mua tốt hơn.

Đơn cử Đà Nẵng đã ban hành bộ quy tắc về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống, chấm điểm chất lượng chợ để có các chính sách hỗ trợ tiểu thương. Đây là sáng kiến giúp thay đổi chất lượng hàng hóa chợ truyền thống một cách tích cực.

Cuối cùng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chợ truyền thống, là đòi hỏi bền vững, hợp lý, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cư dân bản địa. Một số tổ chức doanh nghiệp, HTX gần đây chú ý vấn đề này, có hẳn chương trình tái thiết đầu tư, vận động giữ chợ truyền thống, hỗ trợ tiểu thương bán hàng, học giao tiếp, kể cả học ngoại ngữ.

Chợ truyền thống ở đô thị lớn, dần thể hiện dáng dấp hiện đại, văn minh, vệ sinh ngăn nắp, không hề thua sút siêu thị. Có chợ còn đặt ra quy trình tổ chức tiểu thương bán hàng đúng giá, đúng chất lượng, an toàn, có các chiến dịch bán hàng, chăm sóc khách hàng.

Đặc biệt, xu thế công nghệ số lan vào các chợ, cũng giúp các tiểu thương thay đổi cách bán hàng, nhiều người mở cả kênh thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến rất nhanh nhạy. Sự lồng ghép cũ mới này giúp tiểu thương các chợ có được khách hàng thường xuyên, tiếp tục hoạt động với chợ truyền thống.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chợ truyền thống cần thay đổi nhiều hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO