Chợ truyền thống cần vận động, thay đổi

NGUYỄN QUANG 23/01/2024 07:42

Tết Giáp Thìn 2024 đang đến gần, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao nhưng chợ truyền thống vẫn đìu hiu, vắng lặng. Đã đến lúc chợ truyền thống phải thay đổi, vận động.

Không nhiều người mua hàng ở chợ Hà Lam những ngày qua. Ảnh: Q.VIỆT
Không nhiều người mua hàng ở chợ Hà Lam những ngày qua. Ảnh: Q.VIỆT

Vắng khách, ế ẩm

Bà Nguyễn Thị Thanh - tiểu thương bán các mặt hàng quần áo ở chợ Hà Lam (Thăng Bình) thở dài cho biết cả ngày chỉ bán được vài cái áo thun, quần jean thì chẳng ai mua. Tết đến gần, bán mua hiu hắt, không có thu nhập để lo tết cho con cái.

Cứ nghĩ qua dịch bệnh COVID-19, sức mua sẽ tăng trở lại. Không ngờ tiêu dùng rất ảm đạm. Buôn bán khó khăn, bà Thanh đã học cách bán hàng trên mạng, đăng hình ảnh lên Zalo, Facebook nhưng không ăn thua, chẳng khách nào hỏi nên… thôi.

Vì sao người trẻ né... chợ truyền thống?

Chúng tôi đã khảo sát nhiều người trẻ tuổi, phần lớn cho rằng chợ truyền thống bán hàng thực phẩm không đảm bảo an toàn; đi vào gặp nước, rác thải gây bẩn, mùi hôi thối khó chịu.

Trong khi đó, mua hàng ở siêu thị, mua hàng trực tuyến, mua ở trung tâm thương mại yên tâm về giá, chất lượng, đặc biệt là hàng hóa có nhiều khuyến mãi. “Tôi nghĩ người trẻ năng động nên phù hợp với thương mại hiện đại” - chị Lý An Na (phường Tân Thạnh, Tam Kỳ) nói.

Ông Võ Văn Hoàng - Phó Trưởng ban Quản lý chợ Hà Lam cho biết, chợ có 250 tiểu thương buôn bán đầy đủ mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm, trái cây, hải sản…

Những năm trước, chợ Hà Lam sầm uất nhất huyện nhưng từ lúc dịch COVID-19 đến nay sức mua yếu. Trước đây, hàng hóa ở chợ Hà Lam phân bổ đi khắp các chợ nhỏ hơn thuộc 22 xã, thị trấn toàn huyện Thăng Bình nhưng nay giảm mạnh.

“Kinh tế khó khăn, người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm. Cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều loại hình kinh doanh hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các kênh bán hàng online nên chợ truyền thống ảm đạm” - ông Hoàng nói.

Trên địa bàn TP.Tam Kỳ có nhiều chợ truyền thống như chợ Tam Kỳ, chợ Thương mại, chợ Vườn Lài, chợ Hòa Hương… Dạo một vòng các chợ, chúng tôi ghi nhận không khí vắng vẻ, ảm đạm tại hầu hết quầy sạp.

Bà Trần Thị Nga - tiểu thương kinh doanh quần áo trong chợ Tam Kỳ chia sẻ, kinh doanh tại chợ hơn 20 năm qua chưa bao giờ thấy cảnh chợ khó như thế này. Khách đến ngày càng ít, đã thế ngắm qua rồi… đi. “Ế ẩm kéo dài, tôi cũng tính chuyển qua bán hàng online nhưng tuổi cao, học chậm, không thực hiện được” - bà Nga nói.

Vận động cách nào?

Ngày nay dù hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hay chợ thương mại điện tử lấn át nhưng chợ truyền thống vẫn phù hợp với nhiều người, nhiều gia đình, nhất là người có thu nhập không cao.

Chợ truyền thống thụt lùi có nguyên nhân từ tình trạng chợ xuống cấp, nhếch nhác, mất vệ sinh, ô nhiễm, nhiều khi mua bán mất trật tự. Hàng hóa nhiều lúc chất lượng không đảm bảo, mẫu mã chưa đa dạng, phong phú, giá cả lại không hợp lý, tình trạng nói thách thường xuyên, khách không mua hàng thì người bán tỏ vẻ khó chịu.

Nhiều chợ truyền thống đi vào xa, phải mất phí gửi xe lại phải lòng vòng nhiều nơi nhiều chỗ mới tìm được những hàng hóa cần. Trong khi bên cạnh, chợ cóc, chợ chồm hổm, mọc lên san sát, người mua chỉ cần ghé ngang qua, không cần dựng xe là hàng hóa đã được đến tay.

Một số chợ truyền thống, người bán không (hoặc không biết) sử dụng thanh toán online, vẫn thu tiền mặt nên khách hàng ngại. Cũng cần phải nhắc lại, mua sắm trực tuyến có người đưa hàng hóa đến tận nhà và đúng thời điểm yêu cầu.

Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, chợ truyền thống muốn tồn tại và phát triển phải tự thay đổi. Trước tiên là đảm bảo hàng hóa chất lượng, mẫu mã đa dạng, phong phú chủng loại, giá cả hợp lý, phải chăng.

Tiểu thương ở chợ truyền thống cần trang trí cho quầy hàng, sạp hàng của mình khang trang, bắt mắt để thu hút khách và khiến khách tin tưởng, yên tâm nơi bán hàng. Khuyến mại, hậu mãi là xu thế thương mại tất yếu nên bán buôn, bán lẻ ở chợ truyền thống cần phải áp dụng, phục vụ người mua đến nơi đến chốn.

Đặc biệt là sử dụng điện thoại di động để kết nối khách hàng, chào bán sản phẩm và thanh toán bằng thương mại điện tử như chuyển khoản ngân hàng, ví điện tử. Cần tránh tuyệt đối nạn nói thách, chặt chém, gây mất thiện cảm với người mua sắm.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần giải pháp khả thi để vực dậy, phát triển chợ truyền thống là đổi mới mô hình kinh doanh để tạo ra nhiều giá trị hơn cho khách hàng. Cung cấp sản phẩm, hàng hóa đa dạng, chất lượng gắn với các dịch vụ bổ sung như tham quan, ẩm thực, tổ chức các lễ hội, sự kiện, qua đó khơi dậy sức mua vừa thu hút du khách, người dân địa phương, thúc đẩy du lịch. Tận dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm của khách hàng như cung cấp dịch vụ đặt hàng, giao hàng trực tuyến…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chợ truyền thống cần vận động, thay đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO