Cụm công nghiệp Trường Xuân (phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) ra đời vào năm 2003, đến nay thu hút gần 20 doanh nghiệp đầu tư, giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động. Lượng người đến làm việc tại đây ngày càng đông, các dịch vụ ăn uống, giải khát, thương mại cũng phát triển theo nhưng tự phát, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thức ăn.
Khu chợ hình thành tự phát trước cổng ra vào của Công ty TNHH may Tuấn Đạt. Ảnh: N.Đ.N |
Trong số các dịch vụ nở rộ xung quanh Cụm công nghiệp Trường Xuân phải kể đến các hàng quán bán thức ăn nhanh do những hộ dân địa phương và các nơi khác đến kinh doanh. Bắt đầu từ mờ sáng, những quán ăn đồng loạt dựng lên trên vỉa hè trước cổng ra vào của các nhà máy để phục vụ công nhân có nhu cầu ăn sáng trước lúc vào ca. Dù tạm bợ nhưng quán có đủ các món ăn, khẩu phần phù hợp với điều kiện đời sống và thu nhập của người lao động. Do thời gian buổi sáng trước khi vào ca quá ít nên hầu hết công nhân phải chọn các hàng quán ở gần nơi làm việc để ăn uống, vừa gặp được đồng nghiệp để hàn huyên tâm sự, vừa chủ động theo dõi giờ để kịp vào ca. Lượng người ăn uống đông đúc nhưng hầu hết hàng quán đều chỉ có một vài xô nước, do ít nước nên người bán hàng chỉ rửa dụng cụ sơ sài rồi quơ lấy cái khăn cũng không mấy sạch sẽ lau vội những cái tô, tiếp tục múc thức ăn cho người khác. Giấy lau miệng thì rơi vãi khắp nơi, thức ăn không che đậy để bụi đường và ruồi nhặng đậu vào trông rất mất vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Chị Nguyễn Thị Nhung (quê ở xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, công nhân Công ty TNHH may Tuấn Đạt) cho biết: “Từ chỗ ngồi cho đến dụng cụ dùng để ăn uống đều không đảm bảo vệ sinh, thức ăn không rõ nguồn gốc dễ bị ngộ độc. Các hàng quán ở gần nơi làm việc, anh chị em công nhân đến đây ăn uống vừa có bạn đồng nghiệp để tâm sự, vừa chủ động vào ca đúng giờ và giá cả ăn uống hợp với túi tiền của người lao động”.
Đó là buổi sáng, còn buổi chiều thì vào khoảng 16 giờ hàng chục chủ hàng rau quả, nông sản, thực phẩm, áo quần may sẵn, các mặt hàng trang sức, nước giải khát… từ khắp nơi vận chuyển đến đặt dưới nền lòng lề đường và vỉa hè dọc theo 2 dãy tường rào trước cổng ra vào của Công ty TNHH may Tuấn Đạt. Hầu hết thực phẩm bán ở đây đều không rõ nguồn gốc, thiếu sự kiểm tra, kiểm soát của ngành chức năng, vả lại bày bán ở dưới đất, dễ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Chị Ung Thị Thanh Thủy – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH may Tuấn Đạt cho biết: “chợ này nằm ngay mặt tiền của doanh nghiệp rất bất tiện và không đảm bảo vệ sinh môi trường. Mặc dù chẳng ai muốn nhưng điểm mua bán này thuận tiện cho công nhân mua thực phẩm, tiết kiệm được thời gian để đưa đón con cái… nên đôi khi cũng phải chấp nhận”.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC