(QNO) - Tiểu thương từ chối vào chợ buôn bán vì không có người mua là thực trạng của không ít ngôi chợ tại thị xã Điện Bàn hiện nay.
Ế ẩm chợ Điện Nam Bắc
Bà Đặng Thị Khải ngước mắt về phía đầu đường chờ đợi mỗi khi thấy có khách chạy xe vào chợ. Đã gần 10 giờ sáng nhưng bà vẫn chưa bán được đồng nào. Trên sạp gỗ, những trái xoài đã héo cuộn, bắt đầu nhăn nheo đổi màu. “Ế lắm, ngày nào cũng đổ bỏ trái cây hư” - bà Khải nói.
Trước đây, bà Khải bán ở chợ cóc ven đường 607A cho công nhân Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Tháng 10.2020, chợ Điện Nam Bắc bắt đầu hoạt động, cùng với hơn 100 tiểu thương khác, bà Khải háo hức vào chợ mới buôn bán. Nhưng chỉ sau vài tháng, hầu hết tiểu thương lũ lượt bỏ chợ ra ngoài do vắng khách. Bà Khải không có chỗ “chạy” nên đành ở lại, nhưng càng bám, càng ế.
“Bữa trước tụi tôi cũng men ra đầu đường 607 bán, nhưng đội quy tắc đuổi quá đành chạy vô, thấy mệt mỏi quá nên thôi” - bà Khải kể. Quầy trái cây bà Khải nằm ngay trước cổng chợ, vị trí được xem là đắc địa nhất nhưng có ngày bán chỉ hơn trăm nghìn đồng, không đủ tiền bù lỗ trái cây hư hao.
Khu phố chợ Điện Nam Bắc có tổng diện tích quy hoạch khoảng 3,6ha, trong đó diện tích chợ 4.543m2. Chợ hình thành mục đích tập hợp người buôn bán nhỏ lẻ ven đường và trước Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc vào quy củ nhằm đảm bảo mỹ quan, an toàn giao thông.
Chợ bán cả ngày, khách chủ yếu là công nhân khu công nghiệp. Tuy nhiên, mục tiêu ban đầu đã không đạt khi công nhân không ghé vào bởi đã mua hàng tại các sạp cóc trước khu công nghiệp trên đường đi làm về.
Bà Huỳnh Thị Nhiên - tiểu thương hàng rau hành trong chợ cho biết, trước đây bà bán ở chợ “chồm hổm” ngã ba khu công nghiệp. Chấp hành chủ trương của phường, bà vào chợ bán nhưng ế quá, bây giờ tiến thoái lưỡng nan. Ở lại thì bán không được, ra ngoài thì phường đuổi. “Tôi già rồi cũng không biết chạy đi đâu, thôi ở đây bán được bao nhiêu bán, ế quá thì nghỉ thôi” - bà Nhiên chia sẻ.
Clip chợ Điện Nam Bắc vắng vẻ người bán người mua:
Trước tình cảnh ế ẩm, hầu như tiểu thương đã bỏ hết ra ngoài dù phường không thu bất kỳ thuế phí gì. Hiện tại, số hộ tiểu thương bám trụ còn khoảng 10 sạp, riêng hàng rau hành còn 3 hộ. Mùa nắng rau nhanh khô héo nên ngày nào bà Nhiên cũng đổ bỏ. Xót của, nhưng không thể không lấy hàng vì sợ khách vô hỏi mua không có sẽ bỏ đi không quay lại.
Loay hoay giải pháp
Toàn thị xã Điện Bàn có 26 chợ các loại, ngoài 3 chợ hạng 2 do tỉnh quản lý (chợ Vĩnh Điện, Điện Ngọc, Điện Nam Trung), 23 chợ còn lại thuộc hạng 3, hầu hết được đầu tư xây dựng khang trang.
Báo cáo kết quả thực hiện Đề án phát triển chợ, siêu thị trên địa bàn thị xã Điện Bàn giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, qua 5 năm triển khai, tổng vốn đầu tư xây mới, nâng cấp sửa chữa các chợ ước hơn 81 tỷ đồng (chiếm 58,82% theo đề án đã phê duyệt). Trong đó, ngân sách thị xã chi hơn 7 tỷ đồng; hỗ trợ từ nguồn chương trình nông thôn mới khoảng 3,5 tỷ đồng; ngân sách xã, phường 3,6 tỷ đồng; khai thác quỹ đất 40 tỷ đồng; doanh nghiệp và huy động khác khoảng 26 tỷ đồng.
Không chỉ chợ Điện Nam Bắc ế ẩm, một số chợ như Điện Trung, Điện Dương, kể cả Điện Nam Trung, Thanh Quýt… công suất khai thác cũng hạn chế. Tại chợ Điện Nam Bắc, hầu như tất cả ki ốt đóng cửa, không có người thuê. Ông Phạm Đức Công - Chủ tịch UBND phường Điện Nam Bắc thừa nhận, địa phương vẫn không thể tìm ra giải pháp khả thi để đưa khách vào hay kêu gọi tiểu thương quay lại.
“Lâu nay tiểu thương chủ yếu bán tự phát cho công nhân khu công nghiệp, bây giờ vào chợ kinh doanh tập trung, công nhân không vào mua. Chợ lại nằm xa đường chính, rồi ảnh hưởng dịch Covid-19 người dân hạn chế đến chỗ đông người nên tiểu thương không buôn bán gì được” - ông Công nói.
Không phủ nhận, việc tập hợp tiểu thương vào chợ lớn là việc làm đúng đắn nhằm giải tỏa những chợ cóc, chợ tạm, chợ tự phát lấn chiếm lề đường. Nhưng tại một số nơi, vị trí đặt chợ không phù hợp dẫn đến hiệu quả không cao, gây lãng phí nguồn lực đầu tư xây dựng.
Theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn, phần lớn chợ trên địa bàn thị xã quy mô nhỏ, chợ nông thôn hoạt động kinh doanh khoảng 2 - 3 giờ/ngày. Một số chợ giao cho tổ thu theo hình thức khoán để bù đắp chi phí quản lý và vệ sinh môi trường, không đảm bảo nguồn kinh phí để tái đầu tư, sửa chữa nâng cấp chợ thu hút khách.
Bên cạnh đó, việc phát triển dịch vụ thương mại điện tử, bán hàng online qua các trang mạng xã hội phát triển đã làm cho chợ truyền thống ngày càng thu hẹp quy mô đầu tư, giảm lượng khách hàng đến giao dịch. Đặc biệt, công tác khảo sát đầu tư chợ của nhà đầu tư chưa bám sát nhu cầu thực tế, dẫn đến chưa thu hút tiểu thương di dời vào chợ mới kinh doanh.
“Bây giờ cũng khó có giải pháp gì, chủ yếu tuyên truyền người dân hiểu mục đích xây dựng chợ, đồng thời tạo điều kiện cho hộ kinh doanh vào buôn bán thuận lợi, an toàn” - ông Nguyễn Đức Chơi nói.