(QNO) - Đã hơn một năm, kể từ khi UBND huyện Duy Xuyên và Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn phối hợp tổ chức tọa đàm chọn lựa những người có công đóng góp cho công tác bảo tồn, trùng tu khu đền tháp Mỹ Sơn. Tuy nhiên, đến nay dự án về một vườn tượng tri ân vẫn chưa thể thành hiện thực.
Ngọn đồi bên trái - nơi được chọn làm vườn tượng vẫn chưa được quy hoạch. Ảnh: KHÁNH LINH |
Cấp thiết
Tại buổi tọa đàm diễn ra ở Mỹ Sơn cuối tháng 7.2017, hầu hết ý kiến nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa trong nước đều khẳng định, xây dựng vườn tượng là việc làm cần thiết và ý nghĩa nhằm tri ân những người đã có công đóng góp vào công tác bảo tồn, bảo vệ trùng tu khu di tích Mỹ Sơn.
Phát biểu lúc đó, GS-TS. Trương Quốc Bình khẳng định, việc tôn vinh những người có công đóng góp vào việc bảo tồn di sản Mỹ Sơn là đúng đắn. GS-TS. Trương Quốc Bình cũng đề nghị, để hài hòa giữa việc tôn vinh, ngoài dựng tượng những cá nhân tiêu biểu cũng nên có thêm phù điêu khắc chữ vinh danh các tập thể, cá nhân có công liên quan. Qua đó, giúp du khách hiểu rằng để có Mỹ Sơn như hôm nay đã có nhiều thế hệ cá nhân, tập thể đóng góp cho Mỹ Sơn.
Dù nhiều nội dung trong quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn 2008 - 2020 đã được thực hiện nhưng công tác bảo tồn Mỹ Sơn vẫn còn nhiều vướng mắc. Ảnh: KHÁNH LINH |
Còn theo PGS-TS. Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, vườn tượng sẽ hướng đến mục đích làm tăng thêm giá trị di sản thông qua các giá trị kiến trúc nghệ thuật, giá trị tâm linh kể cả giá trị sinh thái… Nên vườn tượng sẽ là một cảnh quản văn hóa, góp phần làm phong phú thêm hệ giá trị Mỹ Sơn và giáo dục tinh thần tri ân cho các thế hệ Việt Nam.
Ba nhân vật được chọn bước đầu gồm: Henri Parmentier (1870 - 1949, người Pháp), Kazimier Kwiatkowski (1944 - 1997, người Ba Lan) và ông Hồ Nghinh (1915 - 2007) để dựng tượng vinh danh. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn dậm chân chưa thể triển khai.
Vướng quy hoạch
Theo ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trên là do vướng ở quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn. “Trong quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn giai đoạn 2008 - 2020 chưa có quy hoạch khu vườn tượng nên phải chờ quy hoạch mới để thêm vào nội dung vườn tượng. Bên cạnh đó, hiện cũng còn một vài ý kiến về nhân vật được chọn nên chưa thể triển khai. Hiện, Ban Quản lý Mỹ Sơn đang làm việc với Viện Bảo tồn để điều chỉnh quy hoạch (giai đoạn 2) 2020 - 2030, tầm nhìn 2040 vì quy hoạch trước đây đã hết hạn, trong đó sẽ có quy hoạch về vườn tượng danh nhân" - ông Hộ nói.
Cũng theo ông Hộ, không chỉ việc thực hiện công trình vườn tượng bị vướng do quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn. Qua 10 năm triển khai, dù phần lớn các nội dung công việc trong quy hoạch đã được thực hiện như: lập quy hoạch chi tiết khu vực Nhà Đôi tỷ lệ 1/500; xây dựng văn phòng làm việc điều hành của ban quản lý, nhà chờ đón khách, văn phòng thuyết minh hướng dẫn, phòng sơ cấp cứu y tế, phòng làm việc, phòng trực bảo vệ; nhà văn nghệ Mỹ Sơn; dự án trồng rừng, bảo tồn cảnh quan môi trường, nâng cấp đường Khe Thẻ và dốc tháp H; xây dựng các khu nhà vệ sinh đạt chuẩn, cùng một số dự án bảo tồn, tôn tạo các đền tháp tại khu di sản… Tuy vậy, phần việc quan trọng nhất là trùng tu nhóm tháp F, và cắm mốc phân giới diện tích khu di sản Mỹ Sơn quản lý vẫn chưa được thực hiện. Nguyên nhân, do vướng mắc nguồn kinh phí và nguồn lực hỗ trợ.
Mỹ Sơn được hồi sinh như hôm nay có sự đóng góp của nhiều thế hệ cá nhân cần được tôn vinh. Ảnh: KHÁNH LINH |
"Trong xây dựng quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn sắp tới, bên cạnh quy hoạch khu vực vườn tượng, Mỹ Sơn cũng đã làm đề án xác lập bảo vệ rừng cảnh quan, sau khi được duyệt sẽ tiến hành cắm mốc đồng thời. Riêng đối với nhóm tháp F, do nhiều nguyên nhân như kỹ thuật hay hợp tác trong trùng tu nên sắp đến, chúng tôi cũng sẽ tham mưu huyện đề nghị Sở VH-TT&DL, UBND tỉnh đề nghị phía Ấn Độ hỗ trợ trùng tu nhóm tháp F" - ông Hộ cho biết thêm.
VĨNH LỘC