Kể cả các vị cao tuổi nhất cũng không biết chợ làng tôi có tự bao giờ. Có lẽ tuổi của chợ cũng xấp xỉ tuổi của làng. Chợ lấy tên làng: chợ Trung Phước. Đây là một trong số những chợ quê của huyện, của tỉnh Quảng Nam lâu đời, và phồn thịnh nhất.
Buôn bán nhộn nhịp ở chợ Trung Phước ngày nay.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Ban đầu, chợ làng tôi lập trước ngôi đình làng trên khu đất rộng hình chữ nhật. Cuối chợ là bậc cấp xuống bến đò ngang. Dọc hai bên phía ngoài chợ là dãy tiệm xây kiên cố. Thời tôi biết thì hai dãy tiệm này có ba chủ tiệm người Hoa là chú Bốn Ngọc Vinh, bà Hai Dãnh và chú Bốn Phí. Các tiệm đều bán bách hóa và các loại hàng khô như vải, gạo, đường, áo quần may sẵn… Giữa chợ là các sạp bán hàng tươi như thịt cá, rau củ quả và các loại nông sản…
Chợ đông vào buổi mai đến gần trưa mới tan. Ngoài số người làng còn số khách mua bán khá đông từ mấy làng phía thượng nguồn xuống chợ như làng Phú Gia, Dùi Chiêng, Khánh Bình, Bình Yên, Đông An, Xuân Hòa, Nông Sơn và làng Phường Rạnh ở dưới làng tôi cũng đến chợ bằng ghe chèo đậu chật cả bến chợ. Lại còn kẻ mua người bán từ mấy làng lân cận phía trong ra như Trung Lộc, Phước Bình, Trung Yên nên chợ thêm đông đúc.
Sự buôn bán của chợ làng tôi duy có điểm “không giống ai” là món hàng thịt heo. Tại sạp thịt heo luôn luôn bán thịt đã luộc chín, ai cần thịt sống để chế biến phải dặn trước. Các món ăn ngay tại chợ rất ít, chỉ có bánh ướt, bánh lề, bánh canh, xôi. Quán mỳ Quảng ngon là của bà Thủ tại con đường ngoài phạm vi chợ. Mấy ngày cận tết, nhất là sáng ba mươi, người họp chợ quá đông tràn ra chật cả mấy con đường quanh chợ.
Hồi ấy không có ban quản lý chợ như bây giờ mà công việc do một ông đảm nhận và có hai thanh niên trợ lực. Họ lo về trật tự buôn bán và vệ sinh của chợ. Chợ tan, hai thanh niên này lo quét sạch rác tại chợ. Ngoài ra có một cô thu hoa chi mỗi phiên chợ. Bốn người này hưởng phụ cấp của làng hằng tháng. Tiền hoa chi mỗi bữa được nộp cho ông thủ bổn trong hội đồng hương lý của làng dưới quyền ông lý trưởng.
Cảnh sinh hoạt bình yên ngày ngày của chợ làng tôi không còn nữa kể từ cuối năm 1946 khi toàn quốc kháng chiến chống giặc Pháp. Làng tôi là địa đầu vùng tự do của tỉnh Quảng Nam, của Liên khu 5, giặc không bao giờ tiến lên được. Chúng biết làng tôi là căn cứ vững chắc, là bàn đạp của ta tiến về vùng xuôi đánh chúng. Vì vậy giặc thường dùng máy bay khu trục thả bom, bắn phá làng tôi gần như hằng ngày. Chợ làng tôi là nơi hứng bom đạn giặc nhiều nhất. Nhờ chợ lập sát một gò cao tên gọi là gò Đồn, chính quyền ta đã cho đào nhiều hầm trú ẩn tại gò. Nghe tiếng kẻng báo động, người họp chợ và người của các tiệm chạy nhanh vào trú ẩn trong hệ thống hầm vững chắc này nên không hề bị thương vong một ai. Nhưng vì thấy khu chợ quá trống trải, chính quyền bèn cho dời chợ lên phía trên gò Đồn vì khu đất này chung quanh có nhiều cây đa, cây bồ đề cổ thụ che khuất tầm phát hiện của máy bay giặc. Phía bên này gò Đồn cũng được đào nhiều hầm trú ẩn vững chắc.
Làng tôi ngày một đông dân, chợ quá tải. Vì vậy, đến cuối năm 1954, cuộc chiến tranh chống Pháp thắng lợi, chợ làng tôi lần nữa được dời xuống phía dưới chợ cũ. Chợ không ngừng phát triển số tiệm, quán, hàng hóa phong phú. Đó là khu chợ hiện tại. Sau Cách mạng tháng 8.1945, làng cũ của tôi nhập với làng Đại Bình, Nông Sơn, Phường Rạnh gọi là xã Nam Linh và ngày nay là xã Quế Trung, huyện Nông Sơn nhưng người ta vẫn gọi chợ bằng cái tên truyền thống là chợ Trung Phước.
TƯỜNG LINH