Vài năm trở lại đây, việc sử dụng thiết bị bay điều khiển từ xa có gắn máy ảnh (fly camera) để chụp ảnh từ trên cao đã trở nên phổ biến trong giới nhiếp ảnh nghệ thuật.
“Sông Cổ Cò”, một tác phẩm “không ảnh” của tay máy trẻ Võ Rin. |
Nở rộ phong trào chơi “không ảnh”
Tại các thành phố lớn, bình quân 3 - 5 người chơi ảnh có một người sở hữu flycam. Riêng tại Quảng Nam, theo thống kê chưa đầy đủ thì hiện đã có 6 người sắm được thiết bị bay để phục vụ cho việc chụp ảnh. Theo NSNA Mai Thành Chương, tổng giá trị thiết bị (máy ảnh, các loại ống kính, filter, máy ví tính...) của hầu hết những người chụp ảnh chuyên nghiệp hiện nay đều không dưới 100 triệu đồng. Do vậy, việc bỏ ra thêm một khoản tiền chừng 20 triệu đồng nữa để mua một chiếc flycam nhằm thay đổi căn bản phương pháp tác nghiệp không phải là điều quá khó với nhiều người. “Vấn đề còn lại là phải dành thời gian học kỹ năng điều khiển thiết bị cho nhuần nhuyễn, đồng thời phải có những thay đổi nhất định trong tư duy hình ảnh bởi phương thức “bấm máy” ở đây khác hẳn so với cách chụp ảnh truyền thống” - Mai Thành Chương nói thêm.
Thời gian qua một số anh em nhiếp ảnh Quảng Nam đã nhiều lần đưa flycam đi “bay” ở Tam Kỳ, Hội An, Mỹ Sơn, Tiên Phước... Qua đó, họ đã kịp thu nhận được những góc ảnh mới lạ và đầy bất ngờ về những địa danh quen thuộc này. Tại các cuộc thi như Festival nhiếp ảnh trẻ 2015, Liên hoan ảnh quốc tế VN15, cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam 2015, nhiều tác phẩm “không ảnh” của Quảng Nam đã được chọn trưng bày. Còn tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên tổ chức tại Đà Nẵng hồi tháng 8 vừa rồi, các nghệ sĩ nhiếp ảnh Quảng Nam có hơn 10 tác phẩm ảnh chụp bằng thiết bị bay lọt vào vòng chung khảo. Riêng Mai Thành Chương đoạt huy chương đồng ảnh chủ đề “Dòng sông quê hương” với tác phẩm “Sông Hoài phố Hội”.
Theo NSNA Đặng Kế Đông, Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Quảng Nam, việc chiếm lĩnh được độ cao để chụp ảnh sẽ giúp người chụp có được những góc nhìn mới mẻ, khác lạ và vì thế, rất dễ đem đến những hiệu ứng nghệ thuật độc đáo. Trước đây, nhiều người từng leo lên những ngôi nhà cao tầng hoặc thuê xe nâng chuyên dụng để chụp ảnh từ trên cao, tuy nhiên độ cao và góc nhìn thì không thể lớn hơn và cũng không đa dạng như so với độ cao và góc nhìn từ flycam... NSNA Đặng Kế Đông nhận xét: “Trong các cuộc thi, liên hoan ảnh nghệ thuật gần đây, tỷ lệ ảnh flycam tăng lên đáng kể. Điều này chứng tỏ phong trào chơi “không ảnh” đang lan rộng và quan trọng hơn, loại ảnh này đã được giới làm ảnh nghệ thuật thừa nhận như một phần mới mẻ và không thể thiếu của nghệ thuật nhiếp ảnh hiện đại”.
“Bay” có trách nhiệm
Có thể nói, trên thực tế sự lan rộng của phong trào chụp ảnh bằng flycam và khả năng tạo ra hiệu ứng nghệ thuật mới mẻ, độc đáo của “không ảnh” là điều đã được chứng minh. Tuy nhiên, giờ đây việc “bay” lên cao để chụp ảnh ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào không phải là điều mà ai muốn là được. Cách đây không lâu, Bộ Quốc phòng đã có Công văn số 6321/BQP-TM gửi các địa phương, đơn vị liên quan đề nghị tăng cường quản lý các thiết bị bay không người lái, trong đó có flycam. Lý do được đưa ra là, “các hoạt động trên tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm cho các hoạt động bay quân sự và dân dụng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng làm phương tiện để thực hiện các hành vi gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị...”.
Tiếp nhận thông tin trên, ban đầu một số người sở hữu flycam đã tỏ ra thất vọng; một số người đang có ý định mua flycam thì cho biết sẽ... hủy đơn đặt hàng. Ngay lập tức, lãnh đạo Hội VHNT tỉnh đã tìm hiểu tình hình và tiếp cận, trao đổi với những người sở hữu flycam. Qua đó, khi được giải thích cụ thể, nhất là khi được cung cấp thêm toàn bộ nội dung Nghị định 36/NĐ-CP ngày 28.3.2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, mọi người đã nhận ra rằng “như bất cứ cuộc chơi nào khác, chơi flycam cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật”. NSNA Mai Thành Chương cho biết, việc phải xin phép mới được “bay” kể ra cũng hơi phiền phức. Tuy nhiên bù lại, giờ đây mỗi chuyến bay sẽ được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng hơn và đặc biệt, ý đồ nghệ thuật cho mỗi chuyến bay cũng phải được “lập trình” trước - một thao tác mang tính chuyên nghiệp nhưng rất ít được thực hiện khi mà việc “bay” còn hoàn toàn tự do.
BẢO ANH