“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, chuyện lễ bái chùa chiền hay du ngoạn… đã là nếp sinh hoạt quen thuộc của người Việt, được ghi trong các công trình khảo cứu cũ. Nhưng ngay từ đầu năm mà nhiều người đã kéo nhau đi xa lại cho thấy một sự “chuyển động” của tết, dù còn mới lạ với những gia đình trung lưu hoặc những ai quyết giữ nếp xưa…
Một nhóm gia đình đến cắm trại ăn tết trên vùng biển Tam Hải. Ảnh: Hải Hoàng |
1. Một số bản tin online đăng ngày đầu năm đã gây chú ý khi phản ánh chuyện du khách tấp nập đến Đà Lạt du xuân trốn nóng dịp Tết Kỷ Hợi 2019. Khách đã phải dựng lều, căng bạt trên bãi cỏ ven hồ Xuân Hương ngủ qua đêm trong tiết trời lạnh khoảng 11 - 12 độ C, do không tìm được phòng nghỉ. Một số gia đình đi du lịch bằng ô tô đành đậu xe dọc theo quảng trường Lâm Viên, ngủ qua đêm ngay trên xe, chờ sáng…
Những thiên đường nghỉ mát như Đà Lạt đông khách, “cháy” phòng vẫn thường xuyên xảy ra, không quá lạ lẫm, nhưng đó là dịp lễ hoặc kỳ nghỉ dài ngày khác trong năm. Còn ngay dịp Tết Nguyên đán mà khách đã chen chúc, kể cũng lạ. Nói theo ngôn ngữ của mạng xã hội, ở một nơi có đến hơn 1.400 cơ sở lưu trú du lịch, nhà nghỉ, khách sạn như Đà Lạt mà vẫn “thất thủ”, thì càng lạ.
Diệu Hiền, cô gái có nhà ở quận Sơn Trà (Đà Nẵng), đã cùng chồng con đóng cửa từ mùng 2 tết để lên Đà Lạt. Nhóm đi của chị gồm 4 gia đình trẻ. Đặt phòng đợt đầu, giá 5 triệu đồng, nhưng chỉ vài ngày sau đặt thêm (dù các lần đặt phòng đều thực hiện trước tết) giá đã tăng gấp đôi, báo hiệu một kỳ nghỉ “chen chúc”. Và đúng như vậy. Chị tận mắt chứng kiến nhiều gia đình vật vạ chờ thuê phòng mà xót, đọc các lời “cầu cứu” vô vọng của phượt thủ trên group Đà Lạt mà thương hại. Ngang qua chợ đêm Đà Lạt, khách lẫn vào dòng người đến nỗi chỉ đứng chứ không thể… ngồi, và rồi bị dòng người “đẩy” đi mà chẳng mua sắm được gì. Chị bảo, lần đầu tiên một nhóm bạn miền Trung lên xứ lạnh Đà Lạt ăn tết đã “vướng” cảnh đông đúc bất thường đến như vậy. Ấy là chưa kể cảnh kẹt xe.
Cô gái xứ Quảng này đã gặp nhiều người miền Trung, đặc biệt là khách từ TP.Hồ Chí Minh, tại Đà Lạt ngay từ đầu năm mới. Chị ngạc nhiên khi biết nhiều gia đình trẻ chỉ kịp thắp hương trên bàn thờ tổ tiên vào đêm giao thừa, sau đó dong duổi các cung đường xuân. Nhưng chính chị lại gây ngạc nhiên cho tôi khi tiết lộ ý định mới: Năm sau sẽ chọn những quốc gia… không có tết trùng thời điểm với tết Việt để đi du lịch nhằm chủ động “né” cảnh quá tải, chen chúc.
2. Ngày xưa, lùi về quãng đầu thế kỷ 20, nếu có xuất hành đầu năm thì cũng phải đợi đến mùng Hai trở đi và không thấy nhắc chuyện chơi tết xa. Ý này đề cập trong sách “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính.
Khi viết về “tứ thời tiết lạp”, cụ Phan Kế Bình có chép rõ sinh hoạt nghiêm cẩn của các gia đình Việt dịp tết. Cúng gia tiên, biếu thức nọ thức kia cho cha mẹ (nếu còn sống) hoặc mùng Hai làm cỗ đem đến nhà con trưởng cúng (nếu cha mẹ mất), mùng Bốn hóa vàng tiễn ông vải, hái lộc khai ấn khai bút… Khởi sự lễ bái chùa chiền và du ngoạn cũng lùi thêm nhiều ngày nữa, trong tháng Giêng. “Thưởng xuân” đến hồi cao trào và hưng phấn nhất, theo cụ Phan Kế Bính, cũng chỉ gói gọn trong những hội hè hát xướng. Tức là cũng chẳng đi đâu quá xa…
Trong bức tranh Đông Hồ nhan đề “Du xuân đồ” (Bức vẽ xuân), tác giả dân gian có viết thêm đoạn thơ ngắn: “Thái bình mở hội xuân/ Nô nức quyết xa gần/ Nhạc dâng ca trong điện/ Trò thưởng vật ngoài sân”. Từ những dòng “chú thích” đặc biệt này, cố giáo sư Trần Quốc Vượng khi khảo cứu về hội hè dân gian đã bình luận: “Đó, ngày xuân, hội xuân truyền thống, với tế lễ, với nhạc ca, với đấu vật. Sau màn hương khói tín ngưỡng tôn giáo cổ truyền, hội xuân xưa có văn, có nghệ, và có võ. Phải nói thêm: có diễn và có thao”.
Trạng thái “nô nức xa gần” đó là chuyện của hội xuân, và theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng có thể mở rộng thời gian ra đến hội thu, chứ tuyệt nhiên không phải là đi xa ngay từ mùng Một. Và như một sự tiên đoán, ngay từ khi viết về phong tục Việt (năm 1915), cụ Phan Kế Bính đã nhìn ra chuyện vui tết chơi xuân ngày càng thay đổi. Cụ nhắc, “trước kia đi lại lễ bái phiền lắm, nay nghe đã dần dần bỏ rồi”. Và đúng như vậy, tết ngày nay cũng đi lại thăm thú nhưng không quá câu nệ, không phải đưa danh thiếp. Nhưng cụ Phan chỉ hình dung ra được chừng ấy “thay đổi”. Bởi từ đầu thế kỷ 20, không mấy ai nghĩ sẽ có ngày các gia đình trẻ sớm lên kế hoạch đi du lịch ngay từ… đầu năm.
*
* *
Lang thang trên mạng xã hội những ngày đầu năm Kỷ Hợi, tôi có chút đồng cảm với một chủ status (dòng trạng thái) khi viết: “Tết này chưa đi chùa nào, cũng chẳng muốn đến đâu. Sợ đám đông, sợ chen lấn, sợ ồn ào...”.
“Sợ” là một chuyện, nhưng du xuân nơi xa đang là nhu cầu có thật, dù nhu cầu ấy không phải ai cũng có điều kiện để thỏa mãn. Thi thoảng vẫn thấy đâu đó có lời than vãn phải vùi đầu sửa soạn các mâm cúng suốt 3 ngày tết, thấy cảnh thăm nom chúc tụng đến phờ phạc… Nhưng rồi tết cũng đang phô diễn một khuôn mặt khác với chuyện du xuân. Người miền Trung mưu sinh ở các đô thị lớn đã tìm mọi cách để được về quê thăm thú. Nhưng bắt đầu thấy nhiều người miền Trung “xách ba lô lên và đi” đến nơi khác để nghỉ ngơi, khám phá ngay trong ngày đầu năm. Sự dịch chuyển ấy cũng diễn ra ở các vùng miền khác, nhất là với những gia đình trẻ. Đã có chút ít thay đổi trong nếp sinh hoạt ở vào thời điểm luôn được cho là thiêng liêng nhất…
Bao lâu nay, trong tâm tưởng người Việt, tết luôn là dịp đoàn tụ gia đình. Với kiểu du xuân ngay từ đầu năm, thậm chí là đóng cửa đi chơi xa, có lẽ đã đến lúc phải “định nghĩa” lại tết chăng?
HỨA XUYÊN HUỲNH