Chới với "hưu non"

DIỄM LỆ - XUÂN PHÚ 14/03/2021 07:38

Cầm quyết định về hưu trên tay nhưng chưa thể hưu, nhiều cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong toàn tỉnh đang chới với giữa dòng. Họ có nguyện vọng nghỉ hưu theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31.8.2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108. Tuy nhiên, ở thời điểm giao thoa giữa các quy định cũ và mới về chính sách, việc giải quyết các chế độ có độ trễ nhất định; các cơ quan chức năng trung ương và địa phương đang thống nhất cách giải quyết để thực thi cho tất cả trường hợp tương tự.

Lãnh đạo nhà trường, địa phương đã tổ chức lễ chia tay về hưu đối với ông Nguyễn Xuân Hiến. Ảnh: N.V
Lãnh đạo nhà trường, địa phương đã tổ chức lễ chia tay về hưu đối với ông Nguyễn Xuân Hiến. Ảnh: N.V

CÓ QUYẾT ĐỊNH NHƯNG CHƯA THỂ NGHỈ

83 người là những giáo viên, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) cấp xã, cấp huyện, cấp sở, ngành đang ở tình trạng “chưng hửng” gần 3 tháng nay. Quyết định hưu trí đã cầm trên tay, nhưng họ chẳng thể được như ước nguyện, đứng giữa dòng mà chẳng biết phải làm sao.

Buồn lòng hai chữ “hưu non”

Có nguyện vọng muốn về hưu trước tuổi, ông Nguyễn Xuân Hiến (sinh năm 1965) là giáo viên của Trường THCS Trần Ngọc Sương (xã Tiên Thọ, Tiên Phước) đã tìm hiểu kỹ Nghị định 108, Nghị định 113 và thấy mình hội đủ điều kiện để được “hưu non”. Ông làm hồ sơ từ giữa năm 2020, và có tên trong danh sách tinh giản biên chế đợt 1 năm 2021 theo Quyết định số 243/QĐ-UBND ngày 22.1.2021 của UBND tỉnh phê duyệt danh sách tinh giản biên chế.

Căn cứ vào đó, UBND huyện Tiên Phước đã có Quyết định số 96/QĐ-UBND về việc nghỉ hưu trước tuổi đối với ông Hiến vào ngày 28.1.2021. Xem như nguyện vọng được hoàn thành, ông Hiến rất mãn nguyện. Các thủ tục chia tay ông Hiến được Trường THCS Trần Ngọc Sương, Đảng ủy, UBND xã Tiên Thọ, Phòng GD&ĐT huyện Tiên Phước tổ chức cho ông trong không khí vui vẻ. Ông Hiến yên lòng về hưu theo chế độ. 

Ông Hiến chia sẻ: “Ai ngờ, tin đâu như trên trời rơi xuống, tôi không thể về hưu trước tuổi theo Nghị định 108, Nghị định 113 được nữa, theo như Công văn số 367 ngày 24.2.2021 của Sở Nội vụ. Nhận tin mà tôi chẳng biết phải nói làm sao. Tôi cùng với 3 giáo viên khác trên địa bàn huyện Tiên Phước rơi vào tình cảnh như nhau. Đó là các thầy cô giáo Nguyễn Thế Giữ, Trần Thị Kim Hường, Võ Đình Hòe làm việc ở các trường trong huyện. Chúng tôi chới với, không hiểu rõ cách tính thế nào bởi trong năm 2020 chúng tôi hội đủ các điều kiện nên mới làm hồ sơ. Các cấp xét duyệt cũng thấy đủ điều kiện mới phê duyệt hồ sơ, rồi có quyết định về hưu cho chúng tôi. Chẳng lẽ chia tay cả rồi, giờ xách cặp đi dạy lại. chúng tôi không hiểu được, thật sự cảm thấy rất buồn khi cả đời đi dạy học, đến khi về hưu cũng gặp phải khó khăn”.

Đối mặt những cái “không”

Có quyết định hưu trí, đồng nghĩa với việc mọi chế độ, lương dành cho CBCCVC bị cắt, để chuyển qua chế độ dành cho người hưu trí. Cũng vì lẽ đó mà họ rơi vào cảnh không lương hưu, không thể khám chữa bệnh vì thẻ BHYT đã bị khóa chờ chuyển qua chế độ dành cho cán bộ hưu trí.

Ông Nguyễn Thế Giữ (giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng, xã Tiên Kỳ, Tiên Phước) cho hay: “Từ sau tết, tôi đi khám bệnh nhưng không được thanh toán BHYT vì thẻ BHYT đang tạm bị khóa. Cũng may hôm đó khám ít tiền, chứ nhiều tiền thì không biết lấy đâu trả. Lương mấy tháng nay cũng không có, chẳng biết ai là người trả lương cho tôi nữa. Có quyết định nghỉ hưu rồi thì nhận chế độ hưu trí, chứ nhà trường cũng đâu có trách nhiệm trả lương, ngân sách ai cấp về mà trả. Tôi còn may hơn anh Hiến bởi vẫn chưa thực hiện thủ tục chia tay về hưu, giờ nếu có phải đi dạy lại cũng... dễ nhìn hơn. Mà không hiểu sao cách tính của các cấp lại không đồng nhất trong thời điểm này, khiến chúng tôi rơi vào cảnh dở khóc dở cười như vậy nữa”.

83 CBCCVC là giáo viên các trường học, công chức cấp xã, CBCCVC ở các huyện sở, ngành cùng rơi vào tình trạng không lương, không chế độ, không thể khám chữa bệnh BHYT trong gần 3 tháng nay chỉ vì họ đã có quyết định hưu trí theo Nghị định 108, Nghị định 113. Họ là công chức cấp xã ở Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Tam Kỳ; là cán bộ, giáo viên ở 14 địa phương gồm Bắc Trà My, Đại Lộc, Điện Bàn, Nam Giang, Nông Sơn, Thăng Bình, Đông Giang, Hội An, Duy Xuyên, Nam Trà My, Núi Thành, Quế Sơn, Tam Kỳ, Tiên Phước; là cán bộ khối sở ngành như Sở Xây dựng, Y tế, Công Thương, LĐ-TB&XH, NN&PTNT, Giáo dục & Đào tạo, Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật, Trường Đại học Quảng Nam.

VƯỚNG MẮC

Vắt qua 2 năm, hồ sơ được thực hiện từ năm 2020, nhưng thời điểm ra quyết định lại rơi vào ngày 1.1.2021, nên CBCCVC về hưu trước tuổi mới rơi vào cảnh dở dang. 

Sau quãng thời gian làm việc, người lao động luôn mong muốn có một cái kết thuận lợi là được nhận lương hưu nhưng vẫn chưa thể được. Ảnh: D.L
Sau quãng thời gian làm việc, người lao động luôn mong muốn có một cái kết thuận lợi là được nhận lương hưu nhưng vẫn chưa thể được. Ảnh: D.L

Thay đổi theo lộ trình mới

Theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31.8.2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108, toàn bộ 83 CBCCVC trong danh sách tinh giản biên chế đều đủ điều kiện. Nhưng theo lộ trình mới và cách tính mới theo Nghị định số 143 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế thì việc tính mốc thời gian về hưu trước tuổi của người lao động thay đổi. Bởi thời điểm ngày 1.1.2021 bắt đầu áp dụng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động năm 2019 và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

Ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng Chế độ (BHXH tỉnh) cho biết, Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

“Cùng với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động, Bộ luật Lao động 2019 đã sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng lương hưu tại Luật BHXH 2014. Điều 54 Luật BHXH quy định điều kiện hưởng lương hưu theo tuổi nghỉ hưu là một con số cụ thể, chẳng hạn trong điều kiện bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi nhưng từ ngày 1.1.2021 trở đi tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng theo lộ trình từng năm chứ không còn là một con số cố định như trước nữa. Do đó, độ tuổi được hưởng lương hưu của người lao động từ năm 2021 cũng sẽ tăng theo lộ trình từng năm tương ứng theo quy định này” - ông Hùng giải thích.

Từ đó mà Nghị định 143 sửa đổi, bổ sung đối với Nghị định 108, Nghị định 113 về chính sách tinh giản biên chế cũng thay đổi cách tính kể từ ngày 1.1.2021. Đối với 83 trường hợp trên, theo cách tính mới thì lộ trình nghỉ hưu của từng người thay đổi theo độ tuổi, không cùng một thời điểm về hưu trước tuổi như trước.

Cụ thể, như của ông Nguyễn Xuân Hiến, sinh tháng 6.1965, nếu về hưu đúng tuổi là tháng 1.2027; tuổi tối thiểu được nghỉ hưu trước tuổi là 56,6 tuổi, tức là tháng 1.2022 chứ không phải tháng 1.2021 nữa. Hoặc trường hợp của ông Đặng Thanh Xuân, sinh tháng 12.1965, về hưu đúng tuổi là tháng 10.2027; tuổi tối thiểu ông được nghỉ hưu là 56,9 tuổi, vậy thời điểm về hưu trước tuổi sẽ là tháng 9.2022. 

Có trường hợp phải đến năm 2023 mới được về hưu trước tuổi chứ không phải thời điểm tháng 1.2021. Đó là trường hợp bà Lê Thị Phương (giáo viên Trường Mẫu giáo Cẩm Thanh, Hội An), sinh tháng 12.1970, về hưu đúng tuổi là tháng 9.2028, độ tuổi tối thiểu để nghỉ hưu là 52,8 tuổi, nên thời điểm về hưu trước tuổi là tháng 9.2023. Hoặc như trường hợp bà Nguyễn Thị Sương (Hiệu trưởng Trường Mầm non Prao - Tà Lu, Đông Giang), sinh tháng 10.1970, về hưu đúng tuổi là tháng 7.2028, độ tuổi tối thiểu để về hưu là 52,8 tuổi, nên về hưu trước tuổi sẽ vào thời điểm tháng 7.2023. 

Chờ câu trả lời từ Bộ Nội vụ

Cách tính theo quy định mới tại Bộ luật Lao động 2019, Nghị định 143 đã khiến 83 trường hợp về hưu trước tuổi của tỉnh theo diện tinh giản biên chế rơi vào thế “việt vị”.

Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, các đơn vị đề nghị phê duyệt danh sách CBCCVC tinh giản biên chế đợt 1 năm 2021 và hồ sơ tinh giản biên chế đợt 1 năm 2021 được thực hiện từ giữa năm 2020, báo cáo trước ngày 1.10.2020. Căn cứ để làm hồ sơ là Nghị định số 108 và Nghị định số 113 nên tất cả trường hợp đều đủ điều kiện về hưu trước tuổi. Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan có liên quan như Sở Tài chính, BHXH tỉnh thẩm định hồ sơ và trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 243 cho tinh giản biên chế đợt 1 năm 2021. Có tất cả 299 trường hợp được nghỉ kể từ ngày 1.1.2021 đến ngày 30.6.2021. Những trường hợp này tính đến 31.12.2020 có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Nghị định 108 và Nghị định 113. 

Nghị định 143 sửa đổi, bổ sung Nghị định 108 và Nghị định 113 ra đời ngày 10.12.2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021 đã làm thay đổi bản chất vấn đề. Đối chiếu với Nghị định 143 thì trong danh sách tinh giản biên chế đợt 1 năm 2021 của tỉnh có 83 trường hợp chưa đảm bảo điều kiện về độ tuổi để tinh giản biên chế.

Bà Trần Thị Kim Hoa cho biết: “Để việc giải quyết chế độ chính sách tinh giản biên chế đúng quy định và đảm bảo quyền lợi cho CBCCVC, Sở Nội vụ đã tổ chức cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan để xem xét, rà soát lại, và thống nhất tham mưu UBND tỉnh gửi Công văn đề nghị Bộ Nội vụ cho ý kiến về tinh giản biên chế đối với 83 trường hợp này. Vì hồ sơ được thực hiện năm 2020 nên họ hội đủ điều kiện, nhưng do rơi vào thời điểm nghỉ hưu ngày 1.1.2021 là thời điểm giao thoa thực hiện chính sách mới nên mới xảy ra vấn đề. Tỉnh trình Bộ Nội vụ cho ý kiến theo hướng thống nhất cho tinh giản biên chế cho 83 trường hợp trên, nếu được vậy thì việc sẽ đơn giản. Nhưng nếu trường hợp Bộ Nội vụ không thống nhất thì tỉnh phải giải quyết phần sau, bố trí lại công tác đối với các trường hợp này”.

CHỜ CÂU TRẢ LỜI

TỪ ngày có Quyết định nghỉ hưu, ông Đặng Thanh Xuân (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quý) bắt đầu cải tạo lại thửa vườn, đặt mua giống cây cảnh về để nhân giống, chăm sóc. Mọi thủ tục với ngân hàng về vay qua lương lúc ông Xuân còn đi làm việc được hoàn tất, chỉ chờ nhận khoản hỗ trợ từ việc nghỉ chế độ hưu trước tuổi để ông Xuân trả hết nợ ngân hàng, yên tâm ở nhà chăm lo cho thửa vườn.

Ông Xuân nói: “Đùng một cái, có thông báo chưa thể nghỉ hưu dù quyết định nghỉ hưu đã cầm trên tay. Lương thì không có để lo cho cuộc sống, lo tết nhất, để vợ con lo đã đành. Nhưng khoản tất toán với ngân hàng cũng không có, 2 tháng nay ngân hàng cứ điện thoại hối thúc liên tục, giờ hồ sơ họ đã khép thì phải trả. Vậy là tôi phải đi mượn tiền bà con mang trả ngân hàng. Giờ thì chẳng biết sao, được hưu hay đi làm lại? Cứ chờ đợi thế này càng bứt rứt, khó chịu hơn”.

Bao nhiêu kế hoạch, dự định cần làm lúc về hưu sớm của nhiều người bị vỡ lở giữa chừng, rơi vào tình cảnh chờ đợi. Có người đã làm thủ tục chia tay cơ quan, đơn vị công tác thì đành ở nhà chờ. Những người chưa làm các “thủ tục” chia tay vì trúng dịp Tết Nguyên đán thì có người tiếp tục đi làm... cho vui, có người không đi làm bởi có đi cũng chẳng biết làm gì, đến cơ quan, đơn vị thành “người thừa” khi công việc không được phân công.

Trước bức xúc của giáo viên nghỉ chế độ không thành, Phòng Nội vụ huyện Tiên Phước đã mời 4 giáo viên bị ảnh hưởng đến để gặp mặt, động viên giáo viên đi dạy lại trong thời gian chờ đợi câu trả lời chính thức từ tỉnh.

Ông Lê Nguyên Hùng - Trưởng phòng Nội vụ huyện Tiên Phước cho biết: “Qua gặp mặt 4 giáo viên thì có người đồng thuận đi dạy lại, có người không đồng ý vì họ mong muốn được nghỉ hưu sớm khi điều kiện sức khỏe không cho phép họ tiếp tục nhiệm vụ. Chúng tôi cũng đã động viên, mời hiệu trưởng các trường, đại diện Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện cùng làm việc. Vị trí công việc của các giáo viên chưa bố trí được người khác vì thiếu giáo viên quá nhiều, nên việc họ đi dạy lại không ảnh hưởng gì. Đối với lương của giáo viên đi dạy lại thì huyện sẽ trả theo chế độ hợp đồng lao động trong thời gian chờ đợi quyết định chính thức từ tỉnh đối với các trường hợp này”.

Còn theo như lời ông Đặng Thanh Xuân thì huyện Thăng Bình chưa có động thái gặp mặt, thông tin tình hình đối với những người nghỉ hưu theo chế độ 108, 113 bị gặp trục trặc đợt này. Ông Xuân nói rằng nếu rơi vào thế buộc đi làm lại thì cũng không còn cách khác, bởi nếu tính theo cách tính mới thì ông phải đi làm đến tận tháng 9.2022 mới được về “hưu non” theo chế độ.

Nhưng điều ông Xuân cần là một câu trả lời sớm, để những người rơi vào tình cảnh như ông biết được họ có được nghỉ theo cách tính của năm 2020 hay không, nếu phải đi làm lại thì phải bố trí công việc thế nào cho phù hợp. Ít nhất, trong tháng 3.2021 này, ông Xuân cũng như nhiều người như ông mong chờ câu trả lời từ cấp có thẩm quyền.

ÔNG HÀ THANH QUỐC - GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT: TIẾP TỤC BỐ TRÍ CÔNG VIỆC GIẢNG DẠY CHO GIÁO VIÊN

Liên quan đến việc một số cán bộ quản lý, giáo viên tạm dừng nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 108, phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc về định hướng giải quyết. Ông Quốc cho biết:

SỐ giáo viên THPT do Sở GD-ĐT quản lý đã có quyết định nghỉ hưu theo Nghị định 108 nhưng sau đó phải dừng lại vì không đủ điều kiện thời gian công tác theo thông báo của Sở Nội vụ là 8 người, trong đó người có thời gian ngắn nhất là vài tháng, dài nhất là đến tháng 8.2022. Trong khi đó, số lượng cán bộ, giáo viên bậc học mầm non, tiểu học, THCS cụ thể bao nhiêu người phải tạm dừng nghỉ hưu sở không biết được vì đội ngũ này do UBND huyện, thị xã, thành phố quản lý.

Về giải pháp xử lý vấn đề này, sở đã chỉ đạo các trường học tiếp tục bố trí công việc trở lại cho 8 giáo viên THPT và điều này là bình thường. Giáo viên các bậc học còn lại theo phân cấp quản lý sẽ do Trưởng phòng GD-ĐT chỉ đạo giải quyết. Tôi nghĩ cũng không khó bởi về mặt chuyên môn, lẽ ra nếu thầy cô giáo đủ điều kiện thì nghỉ, bây giờ xem xét lại không đủ điều kiện thì tiếp tục giảng dạy. Hơn nữa, phải bố trí công việc cho họ, nếu không thì làm sao trả lương!

Tất nhiên Sở GD-ĐT chỉ có 8 trường hợp đều là giáo viên nên thuận lợi, nhưng nếu các địa phương có nhiều trường hợp hơn sẽ nảy sinh khó khăn. Vì sau khi có quyết định cho giáo viên nghỉ hưu rồi thì các địa phương, trường học tính toán hợp đồng, bổ sung biên chế để giảng dạy, bây giờ nhận lại số giáo viên này thành ra thừa người. Đối với đội ngũ cán bộ quản lý, tôi cho rằng vì các thầy cô giáo tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi nên giờ họ cũng không thích trở lại với công việc quản lý đâu. Nhà trường có thể phân công họ giảng dạy và hỗ trợ thêm về chuyên môn cho hiệu trưởng một thời gian ngắn nữa, khi đủ điều kiện theo quy định sẽ nghỉ. Thật ra, có bổ nhiệm lại cũng không được vì thời gian công tác còn lại của họ không đủ.

 Sở GD-ĐT sẽ có văn bản gửi Sở Nội vụ và tham mưu UBND tỉnh có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể. Những trường hợp chưa được nghỉ hưu sẽ bố trí công việc để họ tiếp tục công tác. Tuy nhiên, vấn đề chi trả lương cho họ như thế nào phải được ngành chức năng hướng dẫn rõ ràng, cụ thể.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chới với "hưu non"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO