Chọn cách giữ văn hóa truyền thống

LÊ QUÂN 22/12/2018 03:47

Đề xuất của một số nghệ sĩ cũng như nhà nghiên cứu văn hóa kiến nghị đưa nghệ thuật truyền thống trở thành môn bắt buộc trong nhà trường phổ thông vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Để giữ bản sắc văn hóa nghệ thuật, liệu có nên “bắt buộc” và tính theo thang điểm, thành tích?

Một nghệ nhân truyền dạy bài chòi cho lớp trẻ.
Một nghệ nhân truyền dạy bài chòi cho lớp trẻ.

Chỉ nên để tự chọn

Đề xuất đưa nghệ thuật truyền thống trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường được các nghệ sĩ và nhà nghiên cứu đưa ra tại hội thảo “Nghệ thuật sân khấu truyền thống hai nước Việt Nam - Trung Quốc, kế thừa và phát triển” do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức từ ngày 11 đến 14.12 tại Hà Nội. “Các em học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cảm được vẻ đẹp của sân khấu truyền thống thì nghệ thuật dân tộc sẽ thấm đẫm vào tâm hồn, trái tim của các em. Nhờ thế mà các em trở thành công chúng tương lai của sân khấu truyền thống. Chúng ta đã có dự án Sân khấu học đường tổ chức khá tốt ở nhiều địa phương, nhưng hiệu quả lại chưa tích cực” - NSƯT Đào Quang - Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nói.

Tuy nhiên, khá nhiều ý kiến từ các luồng khác nhau lại cho rằng, nghệ thuật truyền thống phải để các em cảm được bằng chính tâm hồn và tư duy của mình, chứ không nên ép buộc thế hệ trẻ. Họa sĩ Nguyễn Đức Bình - trưởng nhóm Đình Làng Việt, cho biết, việc bắt buộc học nghệ thuật truyền thống ở nhà trường, sẽ buộc phải đào tạo ra một loạt giáo viên dạy về nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể truyền dạy được. “Cứ cho trẻ con biết thưởng thức nghệ thuật truyền thống đã, nhưng hãy là đúng truyền thống” - họa sĩ Nguyễn Đức Bình chia sẻ. Cũng như vậy, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, để học sinh biết về nghệ thuật truyền thống là điều nên, nhưng không nhất quyết phải tính vào các môn học bắt buộc. Thay vào đó, hãy dành thời gian cho thế hệ trẻ trải nghiệm tại các chương trình ngoại khóa, chương trình thực tế của địa phương. “Cần nhất là phải để người trẻ tiếp cận từ các nghệ nhân dân gian, dần dần hiểu như thế nào là nghệ thuật truyền thống và biết cách thưởng thức nó. Nếu bạn nào thực sự yêu quý và có tài năng thì lựa chọn là môn học. Hoặc ít ra các bạn khác nếu không theo học thì cũng là những khán giả thông thái” - một nghệ sĩ chia sẻ.

Đưa nghệ thuật vào nhà trường

Quảng Nam được nhìn nhận thực hiện khá tốt dự án Sân khấu học đường ở các địa phương, bằng cách đưa các tiết học về bài chòi, hát bội trở thành môn học tự chọn cho chương trình giảng dạy về địa phương trong nhà trường. Tuy nhiên, vẫn có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng, đặc biệt giữa Hội An, Duy Xuyên, Đại Lộc và các địa phương phía nam Quảng Nam như Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh. Nghệ sĩ nhân dân Từ Minh Hiệp (Đoàn Ca kịch Quảng Nam) cho biết, hiện tại nếu tính về mức độ truyền dạy bài chòi cho các trường phổ thông thì có rất ít trường tại TP.Tam Kỳ tổ chức thường xuyên. Kể cả trong cộng đồng dân cư, để truyền bá di sản văn hóa phi vật thể cũng phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Từ đây lại dẫn đến khó khăn cho việc tìm kiếm thế hệ kế cận cho bộ môn nghệ thuật truyền thống của địa phương.

Bài chòi trở thành môn học ngoại khóa của học sinh Hội An.Ảnh: LÊ QUÂN
Bài chòi trở thành môn học ngoại khóa của học sinh Hội An.Ảnh: LÊ QUÂN

Cũng như vậy, dẫu nghệ thuật tuồng - hát bội đã được lập hồ sơ đệ trình công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, tiến tới lập hồ sơ gửi UNESCO, nhưng việc trao truyền di sản này xem ra vẫn là một điều khó khăn tại Quảng Nam. Cụ ông Nguyễn Quỳnh - người đã bền bỉ với Hội Bảo trợ tuồng Duy Xuyên cho rằng, nếu muốn bảo tồn di sản thì trước hết phải tạo điều kiện cho di sản đó tiếp cận được với người dân. Theo ông, nơi nào chính quyền quan tâm thì nghệ thuật truyền thống coi như may ra còn đất sống. Bắt đầu từ năm 2019, chính quyền Quảng Nam sẽ hiện thực hóa kế hoạch bảo tồn di sản bài chòi, trong đó, quan trọng nhất là tính đến việc phổ cập bài chòi trong cộng đồng dân cư và thế hệ trẻ. Sẽ cần nhiều hơn cuộc trải nghiệm thực tế dành cho học sinh, sinh viên về văn hóa nghệ thuật truyền thống của xứ Quảng. Hẳn đã đến lúc cần phải vạch ra những bước đi cụ thể cho câu chuyện giữ gìn vốn liếng quê hương - vốn không thể nhìn thấy hiệu quả tức thời.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chọn cách giữ văn hóa truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO