Cùng với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hàng Việt Nam đã được quảng bá, tiếp thị mạnh mẽ đối với người tiêu dùng (NTD). Tuy nhiên, chọn chỗ đứng cho hàng Việt vẫn là câu chuyện dài…
Thay đổi thói quen
Các sản phẩm nước ngoài ngày càng đa dạng trên thị trường, có mặt từ siêu thị đến cửa hàng, sạp chợ truyền thống từ mỹ phẩm, quần áo đến đồ dùng gia đình như nồi cơm điện, ti vi, điện tử… Nhiều người Việt Nam lại cho rằng hàng ngoại đắt tiền đồng nghĩa với chất lượng tốt vì họ cho rằng “tiền nào của nấy”.
Tuy nhiên, những thông tin đáng lo ngại về chất lượng hàng ngoại nhập thời gian gần đây khiến NTD dần quay lưng với hàng ngoại. Đó là việc nhiều lô sữa của nhiều hãng sữa nổi tiếng như Abbott, Dumex phải thu hồi vì bị nghi nhiễm khuẩn; cũng các hãng sữa này đang được cơ quan chức năng kiểm tra vì có dấu hiệu làm giá, bán cho NTD với giá cao gấp 2 - 2,5 lần so với giá nhập khẩu. Bà Thanh Hiền (khu phố mới Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) chia sẻ: “Người Việt Nam lâu nay vốn có tâm lý “tiền nào của nấy” nên thấy sữa ngoại đắt, chúng tôi nghĩ chắc do giá trị và hàm lượng dinh dưỡng cao nên doanh nghiệp mới bán với giá đó. Vì vậy, các bà mẹ chắt bóp chi tiêu để mua sữa ngoại tốt, đắt tiền cho con. Nhưng từ khi có thông tin đáng lo ngại của các nhãn sữa ngoại, chúng tôi phải thận trọng và tìm hiểu kỹ hơn”.
Tích cực quảng bá, tham gia hội chợ cũng là một cách truyền thông đưa hàng Việt đến gần với người tiêu dùng hơn.Ảnh: T.ANH |
Trong khi nhiều NTD Việt Nam ưa chuộng bánh kẹo của Mỹ, Indonesia, Malaysia… dùng hàng gia dụng của Nhật Bản, Thái Lan thì nhiều người nước ngoài khi sinh sống ở Việt Nam lại chọn dùng bia Sài Gòn, bánh kẹo Kinh Đô, Bibica, đồ dùng bằng nhựa của Đại Đồng Tiến, Chợ Lớn do doanh nghiệp Việt sản xuất. Theo bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, nhiều người nước ngoài khi vào siêu thị mua hàng hóa đã không ngần ngại khi chọn hàng Việt vì chất lượng tốt không thua kém gì hàng ngoại nhưng giá lại rẻ hơn nhiều do không phải chịu thuế nhập khẩu, chi phí vận chuyển, quảng cáo…
Bán hàng lưu động
Điều không thể phủ nhận trong cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam có sự góp công không nhỏ của hệ thống siêu thị Co.opMart của Liên minh Hợp tác xã TP.Hồ Chí Minh. Năm nay, hệ thống siêu thị Co.opMart đã liên kết với 600 doanh nghiệp Việt Nam để cung cấp hàng hóa Việt cho NTD. Đặc biệt, trong tháng Tự hào hàng Việt (từ 28.8 đến 24.9.2013), Co.opMart Tam Kỳ tổ chức 4 chuyến bán hàng lưu động đưa hàng Việt về nông thôn tại huyện Núi Thành, Điện Bàn, Duy Xuyên và Thăng Bình. “Giá trị mỗi chuyến bán hàng lưu động trong những năm trước thường lên đến 500 triệu đồng cho thấy sức mua và nhu cầu của người dân ở các vùng sâu, vùng xa là có thật. Nhiều người khi đến mua hàng thường tâm sự rằng họ rất thích có thêm nhiều chuyến hàng lưu động như thế này vì NTD ở xa trung tâm được đến gần với hàng hóa Việt, giá cả vừa phải mà yên tâm khi sử dụng”, chị Nguyễn Thị Tâm – nhân viên siêu thị Co.opMart Tam Kỳ cho biết.
Để hàng Việt lên ngôi
Theo đánh giá của ông Lê Văn Lai – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh, những năm gần đây, vị thế của hàng Việt trên thị trường đã từng bước được nâng lên. Song nhìn một cách tổng quan thì hàng Việt vẫn còn yếu thế so với hàng ngoại. Theo bà Vũ Kim Hạnh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ Việt Nam, nhiều siêu thị công bố thị phần hàng Việt chiếm 60 – 80% lượng hàng hóa. Tuy nhiên, trong số đó lại có không ít mặt hàng mang thương hiệu ngoại thuộc các tập đoàn đa quốc gia đặt nhà máy tại Việt Nam. Những tập đoàn này chi mạnh tay cho các vị trí đẹp trên kệ hàng để thu hút NTD. Trong khi đó, hàng hóa của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước tìm chỗ đứng ở siêu thị lại đi theo lối không mấy vui vẻ: từ trên kệ xuống giữa kệ, tiếp đó đi xuống dưới kệ và cuối cùng là… đi ra ngoài. Đó chưa hẳn là vì hàng Việt thua kém chất lượng mà do doanh nghiệp trong nước không có đủ tiền làm quảng cáo, thực hiện nhiều khuyến mãi, thuê vị trí đẹp trong siêu thị, thuê nhân viên quảng bá đến tận tay NTD.
Trong khi hàng thật lần lượt bị rút khỏi kệ hàng trên thị trường thì các mặt hàng khác bị làm giả, làm nhái theo các thương hiệu nước ngoài vẫn tồn tại công khai. Anh Hoàng Vũ – chủ tiệm mắt kính Hoàng Vũ (đường Hùng Vương, TP. Tam Kỳ) cho biết, cũng một loại kính nhưng nếu gắn mác hàng hiệu Gucci, Ryban… thì bán chạy hơn hẳn loại kính không nhãn mác hay gắn các nhãn ít tiếng tăm khác. Nhiều người biết rõ đó là hàng nhái vì hàng thật không bao giờ có giá rẻ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/chiếc nhưng họ vẫn mua vì mẫu mã đa dạng, giá cả phù hợp với túi tiền. “Thậm chí những loại kính đó khi vào các cửa hàng lớn thì giá càng cao hơn nữa. Giá càng đắt NTD càng nghĩ đó là hàng cao cấp” - ông Vũ nói.
Làm sao để việc lựa chọn hàng Việt không chỉ ưu tiên mà thành thói quen mua sắm, văn hóa tiêu dùng của người Việt vẫn là điều khó cho các cơ quan chức năng và doanh nghiệp. “NTD đòi hỏi hàng nội phải liên tục đổi mới để nâng cao chất lượng, giảm giá thành. Sản xuất hàng tốt, giá rẻ chưa đủ mà phải tổ chức mạng lưới phân phối, tiếp thị sản phẩm, chăm sóc khách hàng. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh truyền thông, quảng bá thương hiệu để tăng thêm sự lan tỏa của hàng Việt đến NTD. Các ngành chức năng có liên quan cũng cần có giải pháp giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiệu quả để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho hàng Việt” - ông Lê Văn Lai chia sẻ.
CHIÊU THỤC ANH