Lựa chọn công trình, dự án để bảo đảm hiệu quả đồng vốn ngân sách là quan điểm của Quảng Nam năm 2013.
Nguồn lực hạn hẹp
Theo Sở KH&ĐT, để có nguồn vốn trả nợ tạm ứng ngân sách tỉnh và thực hiện các dự án cấp bách khác chưa có nguồn bố trí theo chủ trương của UBND tỉnh, cần tối thiểu là 265 tỷ đồng để bố trí theo các mục tiêu. Tuy nhiên, khả năng ngân sách năm 2013 chỉ đáp ứng được 185 tỷ đồng và nguồn thu từ khai thác quỹ đất, dự kiến cân đối khoảng 80 tỷ đồng. Số còn lại trên 35 tỷ đồng chưa có nguồn cân đối và chưa kể các dự án khác phải đối ứng cùng với nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương.
Đê biển là công trình trọng điểm được tiếp tục đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách năm 2013. Ảnh: T.D |
Theo con số được công bố cho thấy, tất cả nguồn vốn đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước năm 2013 đều sụt giảm khá lớn so với năm 2012. Tổng nguồn đầu tư phát triển hụt đến 12% và các nguồn vốn riêng lẻ đều hụt đến 15%, nguồn bổ sung từ tăng, vượt thu và nguồn khác hụt đến 49%, thậm chí nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương lại bị cắt giảm đến 5 chương trình. Một số dự án, chương trình không bố trí kế hoạch vốn năm 2013 ảnh hưởng rất lớn đến một số công trình đang triển khai nhưng chưa có nguồn để thực hiện tiếp như cầu Gò Nổi, đường tránh lũ thị trấn Tiên Kỳ, hỗ trợ nhà ở các hộ nghèo giai đoạn 2, các bệnh viện tuyến huyện… Dự kiến sẽ thiếu khoảng 100 tỷ đồng. Ông Trần Văn Tri, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, quy hoạch, kế hoạch, chuẩn bị hay thực hiện đầu tư của các dự án năm 2012 đã mất nhiều thời gian. Năng lực tư vấn chưa đạt yêu cầu, năng lực tài chính, thiết bị, nhân lực nhà thầu còn yếu… nên dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian đầu tư, điều chỉnh tổng mức đầu tư, gây lãng phí nguồn lực nhà nước. “Nhà nước không đủ nguồn lực lẫn sự kiên nhẫn để tiếp tục tiếp sức đầu tư cho những công trình dàn trải, manh mún, thiếu hiệu quả. Vì vậy, lựa chọn dự án, công trình là điều cần được cân nhắc” - ông Tri cho biết thêm.
Ưu tiên công trình, dự án hiệu quả
Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước năm 2013 dự kiến khoảng 3.335,169 tỷ đồng. Nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương dự kiến chỉ 1.105 tỷ đồng, chỉ bằng 85% so với kế hoạch năm 2012, trong đó nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung 402 tỷ đồng, nguồn khai thác quỹ đất 478 tỷ đồng, nguồn xổ số kiến thiết 40 tỷ đồng và nguồn bổ sung từ tăng, vượt thu và nguồn khác 185 tỷ đồng. Nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương khoảng 783,471 tỷ đồng, bằng 85% kế hoạch năm 2012. Tổng hợp tất cả 14 chương trình mục tiêu quốc gia thì kế hoạch vốn năm 2013 sẽ tăng 108,709 tỷ đồng (407,915 tỷ đồng) so với năm 2012. Nguồn vốn trái phiếu chính phủ năm 2013 dự kiến sẽ khoảng 874,783 tỷ đồng, bằng 91% kế hoạch năm 2012. Trong đó, giao thông 810,983 tỷ đồng, y tế 36 tỷ đồng, ký túc xá sinh viên 12,8 tỷ đồng, kiên cố hóa trường học 15 tỷ đồng. (Nguồn: Sở KH&ĐT) |
Dựa trên quan điểm không để phát sinh nợ, không tiếp tục cấp vốn cho những dự án, công trình nợ tạm ứng lớn và ưu tiên thanh toán khối lượng cho các dự án hoàn thành và chuyển tiếp, UBND tỉnh đã đưa ra quyết định cụ thể. Nguồn xây dựng cơ bản sẽ dành 20 tỷ đồng trả nợ cho kiên cố hóa kênh mương, 4,9 tỷ đồng chuẩn bị đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp công ích, 15,5 tỷ đồng đối ứng các dự án ODA và 401,6 tỷ đồng bố trí cho các địa phương và khối ngành. Phần còn lại của nguồn khai thác quỹ đất sẽ cân đối 89 tỷ đồng để trả nợ tạm ứng ngân sách và các công trình không có khả năng cân đối như đường ĐT 615 (tiểu dự án 1), đền bù, giải phóng mặt bằng khu du lịch Hạ Thanh, cải tạo nhà hát ngoài trời Hội An, tường rào Trung tâm Giáo dục - lao động xã hội Quảng Nam… Vốn chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng bố trí hỗ trợ 5 tỷ đồng cho các cụm công nghiệp, 3 tỷ đồng cho an ninh quốc phòng, 9 tỷ đồng hỗ trợ trường Đại học Quảng Nam, hỗ trợ 87 tỷ đồng cho các huyện miền núi và 87 tỷ đồng cho các dự án khác (chiếm 91,1% tổng nguồn chương trình), thanh toán các công trình hoàn thành và chuyển tiếp 53 tỷ đồng. Số vốn còn lại khoảng 34 tỷ đồng sẽ hỗ trợ cho các dự án cấp bách đang triển khai nhưng chưa bố trí vốn năm 2013 như đường ĐT 609, hỗ trợ cho các huyện về đường Bình An - Bình Quế (Thăng Bình), Tam Kỳ - Tam Thanh (Tam Kỳ) và cầu qua sông Vĩnh Điện. Còn vốn trái phiếu chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên để xem xét cắt giảm quy mô hay lựa chọn để đầu tư cho hiệu quả.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, biện pháp đầu tiên của các dự án chuyển tiếp hoặc không bố trí được kế hoạch vốn năm 2013 và giai đoạn 2013-2015 là tập trung thu hồi nguồn vốn tạm ứng, bố trí hoàn trả nguồn vốn ứng trước của công trình, dự án. Những dự án đang được đầu tư nhưng không bố trí vốn kế hoạch năm 2013 và 3 năm (2013-2015) sẽ phân loại để chuyển đổi sang các hình thức đầu tư khác như BOT, BT, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện hoặc bố trí vốn thanh toán khối lượng đã thực hiện và thi công đến điểm dừng kỹ thuật hợp lý để “phát huy hiệu quả” phần vốn đã đầu tư. “Không bố trí tiếp vốn các dự án có số dư tạm ứng lớn. Chỉ bố trí vốn cho các dự án khởi công mới khi dự án thật sự cấp bách, cấp thiết, xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn và phải được có chủ trương đầu tư. Cấp thẩm quyền đầu tư các dự án được phân cấp sẽ phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nói.
Trịnh Dũng