Chính quyền TP. Tam Kỳ chọn dự án đầu tư chất lượng, từ chối dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường là lựa chọn mang tính quyết định và vì tương lai để thành phố phát triển bền vững.
Sôi động không khí thi công hạ tầng tại Khu công nghiệp Tam Thăng. Ảnh: T.D |
Sôi động công nghiệp
Kể từ ngày 30.7.2015, Tập đoàn Panko (Hàn Quốc) chính thức khởi công xây dựng nhà máy dệt may Panko và nhà máy dệt, phụ liệu Ducksan Vina (vốn đầu tư 1.540 tỷ đồng), Khu công nghiệp Tam Thăng đã thực sự “bùng nổ” với những dự án đầu tư lớn, được kỳ vọng tạo nên bước đột phá cho vùng đông Tam Kỳ. Trên “đại công trường” Tam Thăng, công nhân bê tông Hồng Tín Tam Thăng (doanh nghiệp Việt Nam duy nhất tại Khu công nghiệp Tam Thăng) thi công 2 ca, công suất 120m3/giờ, có ngày cao điểm phải đổ đến 3.000 - 4.000m3 bê tông vẫn không đáp ứng tiến độ thi công đầu tư xây dựng. Ông Nguyễn Văn Chúng - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai (chủ đầu tư) cũng khá bất ngờ trước tiến độ phát triển nhanh chóng của khu công nghiệp này, từ hạ tầng đến thu hút đầu tư, kể cả khu nhà ở công nhân tại An Phú do Công ty Xây dựng và kinh doanh nhà Tam Kỳ thi công dự kiến hoàn thành vào tháng 9 tới. Hiện đã có 10 doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp Tam Thăng (9 doanh nghiệp FDI), tổng vốn đăng ký gần 200 triệu USD, diện tích sử dụng đất khoảng 92ha. Trong đó, 6 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đăng ký đầu tư 135 triệu USD và 40 tỷ đồng Việt Nam. Tốc độ thu hút đầu tư nhanh đến không thể lường trước được này đã khiến chủ đầu tư buộc phải hãm tốc, từ chối nhiều dự án ngành may của các nhà đầu tư khác, chỉ nhận các dự án nguyên phụ liệu, chờ ổn định cho các nhà đầu tư hiện tại mới tính tiếp. “Đã có nhiều doanh nghiệp đến đăng ký, nhưng chúng tôi buộc lòng phải từ chối, hẹn họ đến tháng 3.2017 mới có thể tính toán được. Hạ tầng đường, điện, nước… chỉ vừa đủ để phục vụ cho các nhà đầu tư hiện tại” - ông Chúng nói.
Khu công nghiệp Tam Thăng lên cơn sốt đầu tư. Các khu - cụm công nghiệp khác do Tam Kỳ quản lý cũng không kém phần sôi động. Những cái tên giày xuất khẩu Phước Kỳ Nam, may Minh Phương, Xây lắp điện Quảng Nam, sản xuất bao bì Ánh Ngân Quảng Nam… ở Khu công nghiệp Thuận Yên hay Cụm công nghiệp Trường Xuân là những điểm sáng về sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Các doanh nghiệp khác như Công ty CP Y tế Shin Chang (vốn đầu tư 10 triệu USD), Công ty TNHH MTV Young Jin Vina (1,5 triệu USD), Công ty Seba… sẽ đi vào hoạt động trong cuối năm 2016 và vài năm tới, hứa hẹn sẽ gia tăng năng lực phát triển công nghiệp Tam Kỳ.
Chọn lọc dự án đầu tư
Không ít những cuộc tranh cãi, phân vân từ chính quyền, cơ quan quản lý khi tìm phương sách phát triển kinh tế thành phố đầy rẫy khó khăn như hiện tại. Chính quyền Tam Kỳ vẫn chưa biết tìm cách nào để thúc đẩy kinh tế khi công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp. Công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển. Thiếu vốn triền miên, sự thiếu linh hoạt của địa phương và cơ chế “nửa vời” đã khiến việc đầu tư, phát triển hạ tầng các khu - cụm công nghiệp nhiều năm qua vẫn chưa thể đạt yêu cầu, chưa tạo động lực mạnh mẽ cho việc thu hút đầu tư.
Có thể dễ dàng nhìn thấy sự phát triển của Tam Kỳ hiện tại chủ yếu ở thương mại, dịch vụ. Công nghiệp không được chọn là ngành mũi nhọn tương lai khi công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chỉ chiếm 24,5% cơ cấu kinh tế, ít hơn nhiều so với thương mại, dịch vụ (72,8%), giá trị sản xuất ngành công nghiệp giai đoạn 2010 - 2015 chỉ khoảng 10.613 tỷ đồng so với 60.786 tỷ đồng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn thành phố. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Tam Kỳ lần thứ XX cũng đã xác định giai đoạn 2015 - 2020 ngành thương mại, dịch vụ chiếm 71%; công nghiệp, xây dựng 27,5% trong cơ cấu kinh tế thành phố. Tuy nhiên, ông Văn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ nói công nghiệp vẫn đang là lựa chọn làm động lực để thúc đẩy sự phát triển thương mại và dịch vụ. Phát triển công nghiệp nhanh hay chậm, mạnh hay yếu đều phải dựa vào “lực đẩy” của thị trường, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chính quyền thành phố. Kế hoạch của Tam Kỳ sẽ phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch, thân thiện môi trường, công nghiệp phụ trợ có giá trị gia tăng cao, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách. Những doanh nghiệp lớn, công nghệ tiên tiến, sản phẩm cạnh tranh cao sẽ được ưu tiên thu hút.
Chính quyền thành phố đã lên kế hoạch rà soát, điều chỉnh quy hoạch Khu công nghiệp Thuận Yên, giải phóng 40ha mặt bằng sạch, huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng (giao thông, điện, nước, hệ thống xử lý nước thải…), thu hút doanh nghiệp lấp đầy 70% diện tích. Đồng thời hoàn tất điều chỉnh quy hoạch Cụm công nghiệp Trường Xuân II, tái cơ cấu các doanh nghiệp hoạt động tại Cụm công nghiệp Trường Xuân I, Khu công nghiệp Thuận Yên, khu vực cảng cá Tam Phú, xử lý dứt điểm doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích hoặc thiếu hiệu quả. Ngoài ra, sẽ ưu tiên phối hợp giải phóng mặt bằng sạch Khu công nghiệp Tam Thăng 190ha, thu hút lấp đầy 80% diện tích. Các làng nghề truyền thống (đóng sửa tàu thuyền Tam Phú, đan lát Tam Thăng, nước mắm Tam Ấp) sẽ hoàn chỉnh hạ tầng, nâng chất lượng sản phẩm; khôi phục, hình thành làng nghề đánh bắt trung - gần bờ gắn với làng bích họa Tam Thanh, phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch. “Tăng trưởng 18% toàn ngành công nghiệp - xây dựng sẽ khả thi. Chính quyền đang có một sự lựa chọn. Không thể thu hút đầu tư ồ ạt. Tam Kỳ quyết định không thu hút dệt may, da giày, từ chối các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường vào các khu - cụm công nghiệp do thành phố quản lý (Trường Xuân, Thuận Yên), khuyến khích, thúc đẩy nâng cao chất lượng các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, làng nghề để tạo ra một số sản phẩm phục vụ phát triển du lịch” - ông Tuấn nói.
TRỊNH DŨNG