Quảng Nam chọn vùng đông nam để phát triển với hy vọng khu vực này sẽ tạo thêm động lực tăng trưởng cho địa phương. Nhưng hiện tại, tác động của các dự án mới hình thành được nhìn thấy không phải là chuyện thu ngân sách mà chủ yếu chỉ thu hút lao động.
Con đường 129 kết nối từ cầu Cửa Đại như một dòng sông nhỏ, một dải lụa mềm “đong đưa” theo gió, vắt qua những trảng cát, kéo dài đến tận dốc Diên Hồng (Tam Kỳ) đã hoàn tất nhiều năm qua. Một vài năm nữa, tuyến giao thông “huyết mạch” vùng đông này sẽ kết nối đến tận Chu Lai, mở ra vùng đất rộng lớn, hứa hẹn một thời kỳ phát triển mới cho cả nền kinh tế Quảng Nam. Ven con lộ dài 45km trên những động cát trắng dễ dàng biến dạng theo các con gió thổi qua đã xuất hiện những tấm biển chỉ dẫn, giới thiệu về các dự án đầu tư du lịch, dịch vụ. Không thiếu các bờ rào che chắn, những dãy cờ xí, bản đồ quy hoạch… phân định từng phần đất của các nhà đầu tư đã “xí phần”.
Chính quyền, cơ quan quản lý dự báo khu vực này sẽ bùng nổ đầu tư với lực hấp dẫn không cưỡng được, cho dù hiện tại chỉ có vài ba dự án được triển khai. Vinpearl Land Nam Hội An đã trở thành một địa chỉ du lịch mới, thu hút lượng khách lớn từ các nơi đổ về quanh năm, cũng vừa thành công trong vai trò đồng hành tổ chức Liên hoan thiếu nhi quốc tế 2019 hồi cuối tháng 5.2019. Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (HOIANA), một “siêu dự án” 4 tỷ USD cũng đã lộ diện trên những đồi cát ở Tây Sơn Tây (Duy Hải, Duy Xuyên), Bình Minh (Thăng Bình) với những block nhà, ao hồ, cảnh quan môi trường đầu tiên, dự kiến sẽ được khai thác từng phần vào cuối năm nay. Dự án nuôi tôm công nghệ cao tại Bình Hải (Thăng Bình) cũng đang trong giai đoạn khởi động.
Khác với vẻ hơi im ắng của khu vực ven đường 129, KCN Tam Thăng đã thực sự “bùng nổ” đầu tư. Theo Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai, KCN Tam Thăng đã được xác định là KCN ngành may và phụ trợ ngành may. Hiện KCN này đã thu hút được 20 dự án đăng ký đầu tư, chủ yếu là dự án FDI (16 dự án) và 4 dự án đầu tư nội địa. Tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 504,7 triệu USD và 379 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy của KCN đạt đến 67,5%. Ông Nguyễn Văn Chúng - Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai cho hay doanh nghiệp này đã phải buộc hãm tốc độ thu hút đầu tư, từ chối nhiều dự án ngành may, chỉ nhận các dự án nguyên phụ liệu, chờ ổn định và mở rộng KCN ra miệt nam Thăng Bình. Vì tất cả hạ tầng đường, điện, nước… chỉ vừa đủ để phục vụ các nhà đầu tư hiện tại.
Tác động từ dự án
Con số dự án hay vốn đăng ký không phải là mục đích cuối cùng của thu hút đầu tư mà chính là sự thịnh vượng. Sự thay đổi đáng kể gọi tên và định danh cho bài toán đầu tư chính là số thu ngân sách, lao động và diện mạo cơ sở hạ tầng. Những con đường nhỏ, ngoằn ngoèo, không liền lạc gần đây đã được nối liền con đường chính, mở rộng lên đến quốc lộ 1, kèm theo hàng quán nhộn nhịp cư dân địa phương bàn tán đủ thứ chuyện trên đời, các khu dân cư mới nhộn nhịp dựng xây sau cuộc nhường đất cho dự án. Một lượng lớn lao động địa phương đã “bước vào” các dự án đang triển khai là chỉ dấu thành công chuyển động kinh tế địa phương.
Ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế nói địa phương trải thảm đỏ mời gọi đầu tư, nhưng quên rằng làm thế nào để quản lý, kiểm soát đầy đủ nguồn thu, nên doanh nghiệp mang thuế về nộp nơi khác là phổ biến, chỉ nộp tại địa phương số thuế vãng lai. Bản chất thuế không thay đổi, nộp nơi này hay nơi khác thì ngân sách nhà nước không mất đi đâu, nhưng Quảng Nam không thể phát triển với kiểu như vậy được. Không thể hài lòng được chuyện doanh nghiệp từ nơi khác đến, đặt dự án, khởi công rầm rộ, nhưng lượng doanh nghiệp không tăng và số thu gần như không có gì.
Không bao giờ có đủ mọi cơ chế, chính sách, nguồn lực và tất cả điều kiện cần và đủ để giải quyết lưỡng toàn cho bài toán phát triển. Nhưng mục đích đầu tiên, cuối cùng của thu hút đầu tư không ngoài chuyện gia tăng lao động, số thu ngân sách… Vùng đông nam dự báo sẽ bùng nổ đầu tư. Chưa biết những dự án đầu tư khác sẽ có pháp nhân tại Quảng Nam hay không? Nếu chỉ hạch toán phụ thuộc, chỉ nộp thuế vãng lai thì số thuế thất thu sẽ vô cùng lớn. Nếu chỉ giải quyết lao động, không thu được ngân sách, không mang lại lợi ích cho địa phương thì khó có thể nói thu hút đầu tư hiệu quả được! Đó là điều cần tính toán, bàn luận cho một kế hoạch dài hơi định hình năng lực tăng trưởng!
Không thể sắp xếp hết lao động địa phương thay đổi từ nông nghiệp trên đồi cát hay đánh bắt, nuôi trồng thủy sản sang dịch vụ du lịch, có thu nhập cao hơn, nhưng cam kết của HOIANA đã thành hiện thực. Ông Steve Wolstenholme - Quyền Tổng giám đốc HOIANA cho biết dự án dự kiến sẽ hoạt động vào cuối năm 2019. Người dân địa phương sẽ được hưởng lợi từ dự án. Nhiều khóa đào tạo miễn phí về buồng phòng, nghiệp vụ nhà hàng… đã chiêu sinh. Mới đây 85 học viên chuyên ngành bảo trì, điều hành sân golf do công ty đào tạo vừa tốt nghiệp đã nhận được thư mời làm việc tại dự án này. Ước tính giai đoạn 1 của dự án sẽ tạo ra hơn 2.000 việc làm, bảo đảm thu nhập, phúc lợi và người dân địa phương sẽ có cơ hội được đào tạo, nâng cao tay nghề… Còn tại KCN Tam Thăng đã giải quyết cho hơn 9.000 lao động. Dự kiến sẽ sử dụng trên 30.000 lao động khi lấp đầy KCN này.
Theo số liệu từ Cục Thuế Quảng Nam, số lao động đã làm việc tại Vinpearl Land Nam Hội An, HOIANA và các doanh nghiệp tại KCN Tam Thăng đã hơn 15.313 người! (Vinpearl 3.302 người, HOIANA 194 người). Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho rằng, chuyển lao động nông nghiệp sang công nghiệp, du lịch, dịch vụ, tăng thu nhập từ doanh nghiệp, giải bài toán giảm nghèo chính là hiệu quả của sự bền vững. Chuyển động quan trọng nhất chính là tạo ra đội ngũ công nhân lành nghề, tạo thu nhập ổn định đời sống của cuộc chuyển đổi kinh tế. Sau cùng mới tính đến bài toán thu ngân sách thành công!
Hạ tầng và gia tăng lao động tại khu vực dự án hình thành là điều đã được nhận diện. Nhưng trong một góc nhìn khác, không kể dự án nuôi tôm công nghệ cao được ưu đãi dường như không đóng khoản thu nhập nào cho ngân sách nhà nước thì hai dự án còn lại cũng chưa để lại dấu ấn gì nhiều! Tổng số thuế của KCN Tam Thăng từ khi hoạt động đến 31.12.2018 chỉ khoảng 120,2 tỷ đồng. Số liệu Cục Thuế cung cấp một cách rõ hơn khoảng 110,5 tỷ đồng từ 2 dự án đường 129 và KCN Tam Thăng góp cho ngân sách từ ngày 1.1.2019 đến ngày 31.5.2019 (HOIANA khoảng hơn 90 tỷ đồng, Vinpearl Land Nam Hội An hơn 10,5 tỷ đồng và KCN Tam Tăng gần 10 tỷ đồng). Ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế cho hay, hiện các dự án vùng đông nam chưa có gì mới về thu ngân sách. Nam Hội An còn đang trong giai đoạn đầu tư, chưa hoạt động, chỉ nộp thuế nhà thầu. Sau này có pháp nhân tại địa phương hy vọng số thuế sẽ nhiều. Còn Vinpearl Land Nam Hội An nộp thuế chính ở Khánh Hòa, nộp tại Quảng Nam chỉ 1 hay 2% số thuế vãng lai nên rất thấp.