Quảng Nam đã tập trung đầu tư nhiều nguồn lực để tạo cơ hội cho miền núi vươn lên, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong hành trình này, rất cần những cơ chế, chính sách phù hợp và sát thực tế để tạo hướng đi đúng cho miền núi phát triển.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh (thứ 2 từ trái sang) trong chuyến khảo sát vùng cao xã Trà Leng (Nam Trà My). Ảnh: T.HỮU |
Cần sát thực tiễn
Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh (khóa IV) vừa qua đã thông qua Đề án chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Trước đó là Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 17.8.2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn vùng tây giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết 55/2012/NQ-HĐND ngày 19.9.2012 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi. Như vậy, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đều có “kim chỉ nam” cho phát triển mọi mặt khu vực miền núi trong tương lai. Hầu hết các địa phương cũng đeo đuổi mục tiêu giảm nghèo, “trải thảm đỏ” cho nhà đầu tư nhưng thực tế không như kỳ vọng. Khu vực miền núi chưa phải là “đất lành” để doanh nghiệp lớn đến làm ăn. Miền núi vắng bóng khu công nghiệp, trong khi các cụm công nghiệp (CCN) chỉ phát triển cầm chừng.
Cần tạo việc làm ổn định cho người dân Theo số liệu từ UBND tỉnh, giai đoạn 2013-2016, tổng vốn nhà nước đầu tư cho hạ tầng khu vực miền núi là 6.102 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh 25,6%, vốn trung ương 51%, phần còn lại là vốn trái phiếu chính phủ, ODA. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, mấu chốt của giảm nghèo miền núi là phải tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân. Cho nên phải đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề. Rà soát lại hệ thống cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh theo hướng sáp nhập lại một số cơ sở không đủ các điều kiện đào tạo nhằm giảm đầu mối quản lý. Để cụ thể hóa Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn vùng tây tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, sắp tới UBND tỉnh sẽ có cơ chế hỗ trợ cụ thể với doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm đối với các sản phẩm đặc trưng miền núi; hỗ trợ lãi suất, thuế và hỗ trợ về sử dụng lao động tại chỗ. |
Về xây dựng các CCN, đại diện chính quyền nhiều huyện miền núi cho rằng, cần xem xét tính đặc thù khu vực miền núi khác với mô hình các CCN ở đồng bằng. Đơn cử người dân ở xã Sông Trà (Hiệp Đức), xã Cà Dy (Nam Giang) chỉ cần loại doanh nghiệp nhỏ chế biến gỗ keo nguyên liệu để tìm kiếm việc làm và tăng thu nhập. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thẳng thắn: “Chúng ta quá hô hào trong thu hút vào miền núi nhưng thực tế nhà đầu tư vào khu vực này rất ít. Đơn giản họ ngại đến vì chi phí lớn về giao thông, điện và nguồn lao động. Việc hỗ trợ của Nhà nước cần cụ thể hơn chứ không thể chung chung như hiện nay”. Theo quy hoạch, trên địa bàn 9 huyện miền núi có 26 CCN, sản xuất công nghiệp khu vực này chiếm khoảng 5,4% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh. Giai đoạn 2013 - 2016 ngân sách tỉnh chỉ mới hỗ trợ gần 32 tỷ đồng đầu tư hạ tầng các CCN tinh dầu quế ở thị trấn Trà My; CCN Tài Đa (Tiên Phước), CCN Quế Thọ - Nam An Sơn (Hiệp Đức). Tính đến nay chỉ có hơn 70 doanh nghiệp đầu tư ở miền núi.
Chính sách cho miền núi theo nhiều ý kiến là cần sự tính toán hỗ trợ để người dân có đất sản xuất, nhưng đồng thời cũng cần quan tâm đầu tư hệ thống y tế, trường học đồng bộ. Ổn định sinh kế bền vững cũng cần xem xét trồng các loại cây bản địa cho giá trị cao như quế, sâm Ngọc Linh, phát triển nông nghiệp sạch ở vùng thấp. Nhìn chung các chính sách, cơ chế hỗ trợ giảm nghèo thời gian qua đã tác động đa chiều, lâu dài. Rào cản lớn nhất ở miền núi là khâu đào tạo nghề chưa gắn liền với giải quyết việc làm. Nghịch lý nằm ở chỗ, đào tạo nhiều nhưng sử dụng lao động ít; lao động trẻ ở miền núi rất nhiều nhưng phần lớn không có việc làm. Hiện Sở LĐ&TB-XH lên kế hoạch khảo sát nhu cầu đào tạo lao động tại chỗ của từng địa phương.
Không bao cấp “nuôi nghèo”
Trong “cuộc chiến” với cái nghèo, 5 năm nay các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My ngoài phân công cán bộ, đảng viên, các đơn vị cơ quan, trường học giúp người nghèo thoát nghèo, cả hệ thống chính trị của địa phương đã vào cuộc tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, gia đình và mỗi người dân về tư duy, cách nghĩ phát triển kinh tế. Nhiều tấm gương tiêu biểu thoát nghèo đã được biểu dương kịp thời; ngược lại phê phán những trường hợp trong độ tuổi lao động có sức khỏe nhưng lười lao động. Điều đáng nói, chính sách của Nhà nước chỉ hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho hộ nghèo có nhu cầu, có đất sản xuất. Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, bây giờ Nhà nước không thể dùng tiền bao cấp “nuôi nghèo”. Khảo sát tỷ lệ hộ nghèo gần đây cho thấy, người dân chủ yếu thiếu dịch vụ xã hội cơ bản, chứ ít rơi vào tình trạng nghèo do thiếu thu nhập. Về cơ chế thưởng trực tiếp cho đối tượng thoát nghèo cũng cần cân nhắc cẩn thận để chủ thể hưởng lợi sử dụng đúng mục đích đồng tiền.
Chính quyền các huyện Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang khẳng định, cái nghèo ở miền núi sẽ từng bước đẩy lùi nếu người dân có tư liệu sản xuất ổn định, dễ dàng tìm sinh kế, có thể lấy rừng nuôi rừng. Ưu tiên trước mắt là thực hiện các chính sách của Nhà nước về giao đất giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân an tâm đầu tư sản xuất. Đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, cải thiện sinh kế cho người dân bảo vệ rừng tự nhiên. Theo ngành nông nghiệp, các địa phương miền núi cần quy hoạch lại diện tích sản xuất lúa rẫy, lúa nước bởi thực tế đã không còn phù hợp. Từ nay đến năm 2020 khai thác triệt để thế mạnh của các loại cây bản địa cho hiệu quả kinh tế cao (các loại cây dược liệu, cây cao su, cây keo). Một số đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, phát triển chăn nuôi trâu bò hiện nay không phải là thế mạnh của các huyện miền núi vì không có đất chăn thả nên ngân sách cần hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi trang trại vừa và nhỏ, hoặc chăn nuôi bò heo thả dưới tán rừng.
Về sắp xếp dân cư ở miền núi, nhiều ý kiến thống nhất mỗi hộ dân có bố trí tại nơi ở có ít nhất 500m2, để ngoài xây nhà ở còn có đất cho trồng rau, chăn nuôi. Bố trí dân cư bắt buộc tuân thủ nguyên tắc phải gắn với phát triển sản xuất và phù hợp với quy hoạch nông thôn mới. Về nguồn vốn ngân sách tỉnh ước đầu tư cho miền núi giai đoạn 2017 - 2020 là 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư, sẽ phân kỳ đầu tư các nguồn vốn, xếp theo thứ tự ưu tiên để tập trung, tránh đầu tư dàn trải. Các địa phương sẽ đẩy nhanh sắp xếp dân cư gắn với việc bố trí đất sản xuất, thông qua việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng để giao đất giao rừng cho dân. (TRẦN HỮU)
LẬP NGHIỆP TẠI QUÊ NHÀ
Tìm kiếm những ngành nghề, mô hình hiệu quả áp dụng vào thực tiễn ở địa phương là hướng đi đang được nhiều thanh niên Thăng Bình chọn lựa, vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình.
Nhiều mô hình thanh niên làm kinh tế trên địa bàn huyện Thăng Bình đang phát huy hiệu quả tích cực. Trong ảnh: anh Lê Minh Đẩy với gia trại bò của mình. |
Sinh năm 1984, anh Bùi Văn Sỹ (trú tổ 2, thôn Bình Trúc 1, xã Bình Sa) sau thời gian xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, trở về quê hương với một số vốn kha khá trong tay, anh quyết định đầu tư mở một gia trại nuôi heo. Thời gian đầu, anh chỉ nuôi 40 heo thịt nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Sau khi đã xuất bán lứa heo thịt đầu tiên, mặc dù lãi không nhiều nhưng anh đã có chút kinh nghiệm bước đầu để tiếp tục đầu tư để nuôi heo giống. “Nuôi heo giống mình sẽ tự lực và chủ động được nguồn giống. Không chỉ tiết kiệm được chi phí mà còn an tâm về chất lượng giống đầu vào. Hiện nay thì heo giống, heo con, heo thịt đủ cả” - anh Sỹ chia sẻ.
Hơn nửa năm trở về quê hương, phát triển kinh tế trên mảnh đất cha ông, anh Sỹ đã cưới vợ và sinh con, ổn định kinh tế, xây dựng nhà cửa, gần với gia đình. Nhìn lại hành trình của nhiều năm lao động nơi xứ người, anh thấy mình hạnh phúc và thu gặt được rất nhiều điều. Giờ đây, với anh, “miền đất hứa” không phải tìm đâu xa mà ngay nơi “chôn rau cắt rốn”. Về quê, làm giàu không khó. Bởi lẽ, đất vườn vốn rộng, chỉ cần tận dụng điều kiện sẵn có để có cách làm đúng đắn thì không khó để thoát nghèo.
Còn với thanh niên Lê Minh Đẩy (sinh năm 1985, trú tổ 15, thị trấn Hà Lam), khởi nghiệp với số tiền 5 triệu đồng mượn từ gia đình, đến nay số vốn của anh đã lên đến hàng trăm triệu đồng.
Năm 2007, tốt nghiệp ngành chăn nuôi thú y Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam, anh Đẩy chọn chăn nuôi làm nghề gắn bó với bản thân bên cạnh công việc thú y hành nghề tự do. Từ 30 con heo thịt ban đầu, đến nay trang trại của anh đã lên đến hàng trăm con. Ngoài ra, từ năm 2012, anh mở rộng sang nuôi bò. nhờ những kiến thức được học trong nhà trường làm nền tảng, cộng thêm những kiến thức thực tế trong quá trình hành nghề chữa bệnh cho vật nuôi trên địa bàn huyện, anh Đẩy có thêm kinh nghiệm trong việc chăn nuôi heo, bò tại gia.
Không muốn mình “nhàn rỗi”, gần đây anh cùng vợ quyết định mạnh dạn đầu tư làm bánh tráng đa nem. Những ngày khăn gói ra miền Bắc học hỏi kinh nghiệm, cho đến những mẻ bánh đầu tiên bị bể, khó khăn tưởng chừng đã bao lần ngăn bước chân anh trên con đường lập nghiệp, nhưng không hề chùn chân, những thất bại bước đầu đó càng làm anh có động lực để tự tìm tòi, mày mò. “Khi mới làm, bánh hay bị bể, khô, cứng, chưa biết nguyên nhân vì đâu nên mình cứ thử nhiều cách, hết đổi loại gạo rồi chuyển qua đổi cách ngâm gạo, thay đổi thời gian ngâm… May mắn là bây giờ mọi chuyện đã dần ổn. Những vật phẩm phụ trong quá trình làm bánh tráng được sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi heo” - anh Đẩy cho hay. (THU SƯƠNG - MINH TÂN)
LỜI TỪ RUỘT CÁT!
Bữa đó, gặp Chủ tịch UBND xã Duy Hải (Duy Xuyên) là anh Nguyễn Văn Thống trong thang máy Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, ngó bộ bơ phờ, bèn hỏi, liền nhận được tiếng thở dài kín đáo, rằng con đau sốt, rồi anh lắc đầu ngao ngán nói “tùm lum dưới nớ anh ơi, quanh chuyện giải tỏa bồi thường tái định cư khu du lịch nghỉ dưỡng Nam Hội An”.
Một góc khu tái định cư Tây Sơn Đông (xã Duy Hải).Ảnh: T.VIỆT |
1. Bí thư Đảng ủy xã Duy Hải Võ Văn Toan chào bằng lời ca cẩm “tau cũng gần chết rồi, đau đầu mất ngủ, ngán tới óc”. “Họp chi hả anh?”. “Mời mấy hộ xây dựng trái phép lên làm việc. Mệt quá trời rồi”. “Cái chi cũng có lý có tình của nó, đâu phải căng cai kẻ vạch mà… chém đâu”. “Thì đúng rồi, nhưng lộn xộn lắm, cứ lo canh làm bậy, rồi lấn chiếm, cạnh tranh, mời lên giải quyết là hết ngày hết giờ, bên ủy ban rối lên đó. Ví dụ nhà đông người, xuống cấp rồi, họ xây thêm một hai phòng, lý do đưa ra là có chỗ cho con ở, phòng mưa bão, thì đó là chính đáng, bởi dù gì phải cũng phải sống, lo cho yên chỗ ăn ở, còn những trường hợp trục lợi thì không được đâu, cứ xây đại lên đòi bồi thường, rồi làm phòng trọ tứ tung cho thuê, vì Duy Hải bây giờ công nhân về đông lắm”. Mức bồi thường cao nhất trong vùng dự án là 839 nghìn đồng/m2, thấp nhất là 232 nghìn đồng/m2, nhưng ở đây, chủ yếu nằm trong mức 397 nghìn đồng/m2. Tại hai thôn Tây Sơn Tây và Tây Sơn Đông (Duy Hải), trung tâm điểm của di dời, có đến hơn 400 hộ phải đi. Rục rịch đi rồi, vào khu tái định cư giai đoạn 1 gồm 39ha cũng ở Tây Sơn Đông, xây dựng cơ bản đã hơn 100 hộ. Con số vi phạm xây trái phép là 96 hộ. “Anh có dính giải tỏa không?”. “Có, anh được đền cả nhà lẫn đất (đất hơn 1ha), nhưng tau không chịu?”. “Bí thư thì phải làm gương chứ?”. “Không phải, đất anh trồng cây điều, nhưng được tính là đất rừng, đâu có được, tau đang để đó, mai mốt tính bà con răng thì mình rứa”. “Đền bù nhiều đó chú, đủ tiền xây nhà cao cửa rộng”.
Tôi nói, bây giờ quan trọng không phải là câu chuyện vi phạm hay không, bởi tất cả đã được thông báo quy hoạch, người ta quan tâm nhất đến công ăn việc làm khi đã vào khu tái định cư. Anh Toan coi bộ phấn chấn: “Anh qua sòng bạc bên Ma Cao rồi, nhiều khu lắm, nơi to nhất của nó đến 46ha, giải quyết đến 13 nghìn lao động, con số này gần bằng hai xã Duy Hải, Duy Nghĩa cộng lại. Họ cần lao động dữ lắm, ví dụ một sòng bài thì cần 3 người thay phiên chia bài/bàn; 1 người lượm tàn thuốc, 1 người xịt nước chùi rửa, 1 người xịt nước hoa; đầu quán ăn, mà quán tùm lum trong đó, có hai người chuyên đứng vẫy chào; rồi ca nhạc lưu động từng nhóm, mà toàn người 40 - 50 tuổi, già chứ phải trẻ đâu”. “Tức là nếu casino ở đây sẽ giải quyết được lao động địa phương?”. “Chứ răng?”. “Không được đào tạo du lịch, tiếng Anh, ai cho ông làm?”. “Thì đó đó…”. “Tỉnh đã có ý kiến chuyện này chưa?’. “Đang đề nghị thống kê những người trong độ tuổi lao động, nhưng anh em bận quá”. “Không làm đón đầu, mai mốt méo mặt”. “Ừ”.
Tôi nhớ hôm trước ngồi với Giám đốc Sở VH-TT&DL Đinh Hài, có đụng chuyện này. Anh Hài trầm tư rằng, về Duy Hải, nghe không ít tiếng than, rằng phải ra đi để nhường chỗ cho dự án, chỗ ở bao đời của cha ông để lại, chừ đi, đứt ruột, nhưng không thể không đi, nhưng đi mà xốn xang bao điều. Đi thì sống bằng chi? Nói là làm dự án du lịch, muốn con em địa phương vào làm thì phải đào tạo, mở trường lớp, nhưng ngay cả lúc khởi công dự án, sở của anh cũng chẳng được mời, không phải mình tham quà tham bạc ưng lên ti vi, nhưng đây là vấn đề quan trọng, đụng đến đất đai là đụng đến dân sinh, mà dân vùng đó, vốn sinh sống trên cái nền của lớp văn hóa cổ, rồi bàn chuyện đào tạo ra sao. Chưa có dự án di dời nào mà ngành văn hóa được mời với tư cách là đơn vị cho ý kiến về các vấn đề văn hóa… Tôi nói với anh Hài rằng, ai đọc cụ Nguyễn Bội Liên, sẽ biết cảng Trung Phường ở Duy Hải có trước cảng thị Hội An. Một bữa, lâu rồi, tôi về uống rượu với anh em ở đây nhân một đám giỗ, có ông già nói với tôi rằng cúng đất thì có câu “Trung Phường xứ”, câu nớ lâu lắm rồi… Giờ ra đi, mai này sòng bạc sẽ lấp hết, ai biết dưới đất kia, quá khứ chính là than đá (nói như Hoàng Phủ Ngọc Tường), đang âm ỉ cháy, chất chứa bao điều không được biết tới. Cả một vệt văn hóa vùng đông với bao nhiêu vấn đề, không kỹ lưỡng, không nhìn xa, mai này sẽ chỉ còn lại ngậm ngùi.
2. Tôi chạy xe vào khu tái định cư. Đúng như anh Toan nói, toàn nhà đổ 1 tấm trở lên, cả khu ngổn ngang công trình đã và đang xây. Người đàn ông đang tưới cây cho một nhà nào, nhìn tôi và chào, tôi nhớ ra, anh tên Đức, đã ngồi nhậu cùng tôi mấy lần. Nhà anh ở An Lương, chưa dính quy hoạch, nhưng nghe nói có thêm một dự án nào đó sẽ vào, lúc đó rồi cũng ra đi. “Lên đây, người già coi như… bó tay rồi, thanh niên thì chạy về lại dưới bãi làm biển, làm thợ hồ, làm bậy bậy chi đó, ở đây nhà xây thấp nhất là 650 triệu đồng, toàn ngon cả, nhưng tiền dư để làm chi, không có việc làm ổn định, bỏ ngân hàng, trước sau cũng rút ăn sạch quẹt, lúc nớ la làng không ai nghe, bà con nói vô đây coi chừng “nhà giàu cũng khóc”.
Tôi tấp vào quán nước, vắng tanh, bà già và con gái đang ngồi ngó ra. “Tau mấy năm nữa sẽ chết, còn con tau, cháu tau, làm nhà to ri, không nghề, ăn hết tiền ngân hàng, lấy chi sống? Chừ chưa chi mô, họ làm tùm lum lên, muốn mua con cá để ăn, bị rào hết, biết đường mô mà đi. Tau nói là tụi bay đừng xây to cho lắm, giữ tiền mà tính chuyện làm ăn…”. Câu chuyện này, bao nhiêu năm rồi, từ núi tới biển, y chang như rứa, nhưng tiền trong túi người ta chứ phải mình đâu. Có tiền xây, mua, phung phí, ăn chơi, rồi nảy sinh tội phạm, con đường cuối cùng là ngồi… đếm răng. Anh Toan nói rằng, ở đây không như bên Bình Minh (Thăng Bình) hay nơi khác, người ta hùn hạp lại sắm tàu to, lập tổ đội sản xuất, làm ăn lớn, mà cứ phần ai nấy thủ, nấy làm, xã vận động tuyên truyền mà có được chi đâu.
Cam go chứ chẳng phải chơi. Bài toán dân sinh đặt ra gay gắt, chứ đừng nhìn vào chuyện động thổ khởi công mai này đóng góp ngân sách bao nhiêu. Người dân rồi sẽ sống bền vững không? Ngân sách tăng lên từ các khu công nghiệp, nhưng dân nông mất tư liệu sản xuất, ngành nghề thì quẩn quanh, nảy sinh các vấn đề xã hội. Đó mới là bài toán nan giải nhất lúc này. (TRUNG VIỆT)