Hơn 20 năm thu hút đầu tư, Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi thu hút FDI. Không thể phủ nhận hiện tại rất nhiều dự án vẫn đang hoạt động tốt, nhiều tập đoàn lớn vẫn rót vốn mở rộng đầu tư kinh doanh. Đặc biệt là sức đề kháng khủng hoảng của doanh nghiệp (DN) FDI hơn hẳn DN nội địa khi năm vừa qua xuất khẩu của FDI đạt đến 45% so với tổng giá trị xuất khẩu của 80 DN xuất khẩu Quảng Nam cộng lại, chiếm 15% tổng thu ngân sách địa phương và giải quyết hàng chục ngàn lao động. Tuy nhiên, đằng sau những thành công ấy lại là những hệ lụy khó gỡ trong một thời gian ngắn. Sức hấp dẫn từ nguồn vốn này quá mạnh, dẫn đến việc cố chạy theo số lượng nên đã tự “bắn vào chân mình” khi đưa ra mức ưu đãi đầu tư quá hấp dẫn. Việc thẩm tra dự án sơ sài, không nắm chắc năng lực tài chính của nhà đầu tư nên dễ dàng cấp phép… khiến nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh thái, du lịch vô giá của tỉnh có thể bị bán rẻ và tự làm suy yếu vị thế mặc cả của mình. Cơ quan quản lý đầu tư thú nhận là chưa có một thống kê cụ thể về số lượng các dự án chậm hoặc chưa giải ngân và số vốn thực hiện của các dự án đầu tư ít được nói tới. Kết quả là một số dự án không thể triển khai vì nhà đầu tư không đủ năng lực, đất đai bị găm trong các dự án ảo nhiều năm. Hệ quả là phần lợi nhuận mang lại cho địa phương từ FDI không tương xứng với giá trị nguồn tài nguyên vĩnh viễn bị mất đi! Trong khi đó, vốn, thị trường, quá trình chuyển giao công nghệ như mong đợi đã chưa xảy ra.
Một câu hỏi cũng cần đặt ra, nếu sau này, các nhà đầu tư nước ngoài rút về nước do khủng hoảng - một điều đã từng xảy ra và hoàn toàn có khả năng xảy ra, thì liệu Quảng Nam có thể duy trì hoạt động của các cơ sở này ở mức độ nào đó nhằm tiếp tục giữ việc làm cho người lao động, bảo đảm ổn định xã hội? Những thiệt hại về tài chính khi ngân hàng phải ôm nợ, cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội bị thất thu, cơ quan đối tác bị thiệt hại... Quảng Nam đã buộc nhà đầu tư ký quỹ khi triển khai dự án. Đó là cách làm hay, nhưng cần có sự hậu kiểm giữa các cơ quan chức năng để tránh khỏi những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Quảng Nam đã từng ưu đãi cho FDI, nhưng chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực trả lương thấp và sử dụng lao động kỹ năng thấp. Thu hút vốn FDI vào 3 lĩnh vực được đặc biệt ưu tiên là công nghệ cao nông nghiệp và địa bàn kinh tế khó khăn là thất bại. Vì thế, không thể chỉ có mỗi việc đáp ứng yêu cầu các nhà đầu tư, mà chính quyền Quảng Nam cũng phải đưa ra những mặc cả, ngã giá với các nhà đầu tư. Cần mạnh tay loại bỏ những DN không đáp ứng yêu cầu đầu tư bởi xét cho cùng đầu tư cũng là một “cuộc chơi”, mà “cuộc chơi nào cũng cần đến luật”. Đã đến lúc yêu cầu DN nước ngoài nghiêm túc thực hiện những nội dung đã cam kết trong các dự án đầu tư.
TÙY PHONG