Chọn mũi đột phá

NHẬT PHONG 25/03/2017 06:42

Chọn lựa đột phá đầu tư hạ tầng hoàn thiện là con đường để rộng cửa thu hút đầu tư vào Quảng Nam.

Nội lực

Người dân vẫn chưa thôi luận bàn, hy vọng về cây cầu Cửa Đại bắc ngang sông Thu Bồn theo đường 129, kết nối nam – bắc, hứa hẹn một cuộc đổi đời cho vùng đất miệt đông. Ngày 24.3.2017, cầu Giao Thủy sẽ khánh thành, nối tuyến ĐT609 - 610 và rộng đường Nam Phước tới tận Nông Sơn, mang theo khát vọng mở cửa vùng tây. Hai mươi năm qua, kể từ ngày khởi động đường Hùng Vương và An Hà - Cây Trai trên đất Tam Kỳ (năm 1997), Quảng Nam đã làm một cuộc thay đổi diện mạo, khó có thể hình dung hết tầm vóc. Cuộc dịch chuyển này bắt đầu từ việc đầu tư hạ tầng, mang lại rất nhiều lợi ích, tạo thêm nhiều của cải vật chất cho xã hội. Cho tới giờ nhiều người vẫn tự hỏi nếu không có con đường ven biển kéo từ Sơn Trà – Điện Ngọc tới Hội An, vùng đông Điện Bàn, Hội An có trở thành con đường resort, một thành phố du lịch?

Theo Sở KH&ĐT, tổng vốn đầu tư hạ tầng mỗi năm tăng 25%, nhưng thực sự bùng nổ đầu tư chỉ diễn ra trong vòng 7 năm trở lại đây, kể từ khi thực hiện đột phá phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm phát triển hạ tầng giao thông (chiếm 62% tổng nguồn vốn đầu tư). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011 – 2015 hơn 76.700 tỷ đồng, gấp 2 lần so với giai đoạn 2006 – 2010 với tốc độ tăng bình quân 10,2%/năm. Sáu cây cầu quan trọng kết nối khu vực đông – tây; hàng trăm ki lô mét đường quốc lộ, ĐT, ĐH; hàng nghìn ki lô mét giao thông nông thôn đã được bê tông hóa... đã biến những vùng đất xa xôi trở nên gần gũi và tiếp cận nhiều hơn cơ hội phát triển. Mạng lưới cấp nước, bưu chính - viễn thông, hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, các khu đô thị... cũng đã dần hoàn thiện. Ngoài ra, với 99% tỷ lệ hộ dân sử dụng điện, 98,4% số xã có điện hay 93% số hộ khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm... đã chứng minh hiệu quả đầu tư vào kiến thiết xã hội.

Giấc mơ hạ tầng hoàn thiện

Khó có thể lượng hết giá trị, nhưng chính sách phát triển hạ tầng đã trở thành động lực chính yếu, đặt nền móng cho doanh nghiệp gia tăng đầu tư vào các khu vực đô thị, khu, cụm công nghiệp. Ý nghĩa to lớn không chỉ dừng ở đường sá thông thoáng hay các công trình mọc lên khắp nơi mà chính là sự tăng trưởng Quảng Nam được nhận diện qua số thu ngân sách. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp chiếm 88,1%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 11,9%. GRDP bình quân đầu người hơn 53 triệu đồng/người, tăng 6,7 triệu đồng/người so với năm 2015.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người, không như doanh nghiệp địa phương trông chờ vào sự ưu đãi thuế, các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, FDI lại trông chờ nhiều nhất từ việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ. Sự thiếu kết nối hay hệ thống cơ sở hạ tầng còn hạn chế là vấn đề được nêu ra tại các diễn đàn, hội nghị xúc tiến đầu tư. Tại cuộc xúc tiến đầu tư hồi giữa năm 2016 tại Tam Kỳ, Tổng Thương hội Đài Loan với 150 doanh nghiệp liên tục hỏi Quảng Nam có đáp ứng đủ hệ thống giao thông, điện nước sạch, vận tải đường biển từ các cảng Quảng Nam cho nhà đầu tư hay không? Câu hỏi của các doanh nghiệp này cũng chính là băn khoăn của các nhà đầu tư khác. Đó là lý do và sức ép lớn của khối doanh nghiệp này khi thương thảo với chính quyền, trước khi quyết định đặt dự án hay mở rộng đầu tư hay không.  

Sở KH&ĐT cho hay nhà đầu tư có thể dễ dàng xuất, nhập khẩu hàng hóa thông qua sự kết nối những con đường hàng hải quốc tế trực tiếp mới mở tại cảng Tam Hiệp. Nhưng đáp ứng tất cả yêu cầu về hạ tầng vẫn là chuyện khó. Giám đốc Sở KH&ĐT  - ông Lê Phước Hoài Bảo cho rằng hiện kết cấu hạ tầng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Chỉ mới đáp ứng khoảng 25 - 35% nhu cầu đầu tư phát triển. Khá nhiều công trình trọng điểm thiếu vốn. Vì vậy sẽ ưu tiên xây dựng, phát triển và hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối giữa vùng đông - tây, đô thị - nông thôn, hoàn chỉnh đường ven biển, nạo vét cảng Kỳ Hà bảo đảm cho tàu 30.000 tấn hoạt động, nạo vét sông Cổ Cò, Trường Giang. Thúc đẩy hoàn thành đường cao tốc, đường Đông Trường Sơn, phát triển cảng hàng không Chu Lai, cải tạo và nâng cấp đường sắt...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10 - 10,5%/năm, phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 90% cơ cấu kinh tế, Quảng Nam phải cần đến 130.000 - 135.000 tỷ đồng (gấp 1,8 lần tổng vốn đầu tư xã hội 2011 - 2015). Không còn cách nào khác, Quảng Nam quyết định loại bỏ những dự án thiếu khả thi; kiểm soát quy mô, đầu tư dứt điểm mạng lưới giao thông, kết nối hạ tầng trọng điểm, chiến lược đông - tây, đô thị - nông thôn, huy động các nguồn lực ưu tiên đầu tư 5 dự án kinh tế động lực thuộc vùng đông và 4 dự án có tính liên kết vùng tây, tạo 2.000ha đất sạch để hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư.

NHẬT PHONG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chọn mũi đột phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO