Chọn nghề "ăn sóng nói gió"

NGUYỄN QUANG VIỆT 13/02/2018 12:03

Nguyễn Thanh Thành (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-91636 làm nghề lưới vây được biết là “ông chủ” vững vàng bám biển, làm giàu từ biển. Kể về câu chuyện khởi nghiệp của mình, anh Thành đúc kết: “Nghề biển đòi hỏi những con người yêu nghề, cần cù, chịu khó, quyết tâm bám biển đến cùng; phải có con mắt biết nhìn nước, nhìn trời để đoán định thời tiết, đoán luồng cá nổi”.

Anh Thành bên bè đèn dẫn dụ cá.Ảnh: QUANG VIỆT
Anh Thành bên bè đèn dẫn dụ cá.Ảnh: QUANG VIỆT

Nguyễn Thanh Thành là em ruột của Nguyễn Thanh Tiến và Nguyễn Thanh Vương - 3 chàng “ngự lâm” của nghề biển Tam Quang. Cha của Thành - ông Nguyễn Đông từ mấy chục năm về trước đã là “thủ lĩnh tinh thần” của nhiều ngư dân làng biển. Lập nghiệp nghề biển đối với Thành tưởng như là con đường trải sẵn vậy nhưng lại đầy ắp chông gai. Không như 2 anh của mình luôn theo cha trải nghiệm nghề lưới vây để học hỏi kinh nghiệm, Thành chọn cách làm bạn biển cho nhiều chủ tàu làm nghề lưới rê, lưới cản, lưới kéo ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Sau hàng chục năm tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng, cuối năm 2016 anh mới có riêng cho mình con tàu công suất 720CV, trị giá 5,7 tỷ đồng. Đó là thành quả sau những năm tháng lao động cật lực và thậm chí... đánh đổi. Anh kể, một lần “chết đi sống lại” khi tàu gặp bão ở ngư trường khơi. Bão ập tới bất ngờ nên không thể điều tàu về bờ hoặc vào đảo để trú ẩn, anh bèn nảy ra việc kết các tàu cùng khu vực khai thác thành một bè lớn, nhờ vậy mà tai qua nạn khỏi... Anh Thành đúc kết, đi biển, nhất là trong mùa biển động thì nhất thiết phải có tổ, đội đoàn kết tương trợ lẫn nhau. Chính vì vậy nhiều lần sau đó, anh đã không ngại mất mát chi phí chuyến biển hàng trăm triệu đồng để cứu các tàu của Quảng Ngãi, Bình Định bị nạn.    

Chiếc tàu cá QNa-91636 của anh Thành khá vững chắc, có chiều dài 24m, rộng 7m và cao 4m. Trên thân tàu anh trang bị 2 tời kéo lưới, hệ thống ngư lưới cụ nặng 4 tấn, các trụ đỡ, hệ thống ròng rọc, đèn cao áp đều hiện đại. Trong ca bin, anh bố trí đầy đủ thiết bị hàng hải tối tân gồm máy dò cá ngang, thiết bị định vị vệ tinh, máy định dạng, la bàn, icom tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, radio kết nối 2 tần số 7906 và 8294 của tổng đài duyên hải miền Trung. “Con tàu có thể chịu được sóng gió trên cấp 6, cấp 7 nên mình có thể đánh bắt trong mùa biển động đầy ắp cá nổi. Các trang thiết bị giúp tôi xác định được hoạt động của đàn cá để mà dẫn dụ, khai thác  hiệu quả” - Thành nói.

Ngư dân Nguyễn Thanh Thành cho rằng, tổ chức quá trình sản xuất trên biển bài bản sẽ quyết định thành công của chuyến biển. Không ít lần tàu cá QNa-91636 trở về bờ sau khi 8 hầm bảo quản hải sản công nghệ mới chứa đầy cá, mỗi bạn biển được chia hàng chục triệu đồng và lập tức lấy lại năng lượng, ra khơi trong chuyến biển kế tiếp. Tất cả 15 bạn biển theo tàu QNa-91636 đều cùng địa phương với chủ tàu, họ luôn coi nhau là những người đồng hành trên con đường chinh phục biển khơi. Có được sự đồng lòng từ bạn biển, chủ tàu Nguyễn Thanh Thành đang nuôi khát vọng mở rộng ngư trường và liên kết sản xuất, bám biển dài ngày. Anh mong muốn nhân mô hình tổ đoàn kết với 15 tàu cá cùng sản xuất thành tổ hợp tác nghề cá. Trong tổ hợp tác sẽ bầu ra tổ trưởng điều hành mọi hoạt động đánh bắt cá trên biển, còn trên bờ sẽ có bộ phận cung ứng đủ các nhu yếu phẩm cho mỗi lần ra khơi. “Nếu các thành viên trong tổ hợp tác nghề cá phối hợp nhịp nhàng thì chúng tôi sẽ nâng cấp thành hợp tác xã nghề cá. Lúc đó, chi phí sản xuất giảm xuống, chủ tàu hay ngư dân đi bạn đều có thể nâng cao thu nhập” - anh Thành nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chọn nghề "ăn sóng nói gió"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO