Chọn phương án chống xói lở bờ biển Cửa Đại

HỮU PHÚC 22/02/2019 02:52

Tiền bạc và công sức sẽ trôi sông đổ biển nếu không có giải pháp chống xói lở bờ biển Cửa Đại (Hội An) một cách tổng thể, đồng bộ. Vì vậy, cuộc họp đề xuất giải pháp bảo vệ bờ và tôn tạo bãi biển Cửa Đại do UBND tỉnh tổ chức vừa qua, lần nữa lắng nghe ý kiến của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước để tối ưu hóa việc thi công dự án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp.

Các đề xuất của các chuyên gia thủy lợi, các nhà khoa học quốc tế lẫn trong nước lần này tuy không có nhiều mới mẻ so với các cuộc hội thảo trước đây, nhưng lại là căn cứ khoa học chặt chẽ trước khi chính quyền tỉnh quyết định lựa chọn phương án khả thi nhất. Đặc biệt là ý kiến chia sẻ của chuyên gia thủy lợi hàng đầu của Hà Lan - một đất nước có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với thiên tai.  

Thiếu hụt trầm tích

Theo đơn vị tư vấn (Công ty CP Tư vấn đầu tư - thương mại VIPO và Trung tâm Nước và môi trường Việt Nam - Hà Lan thuộc Trường Đại học Thủy lợi), hiện tượng xói lở bờ biển Cửa Đại diễn biến phức tạp, nhất là khu vực thuộc phạm vi TP.Hội An từ bờ bắc của Cửa Đại đến Cẩm An với chiều dài khoảng 7,5km. Các giải pháp đã triển khai thời gian qua chưa khắc phục tình trạng thiếu hụt bùn cát nên không tái tạo được bãi biển phục vụ du lịch. Từ năm 2013 đến nay, hầu như năm nào chính quyền tỉnh, thành phố, thậm chí Trung ương cũng ưu tiên bố trí vốn chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại bằng hình thức kè cứng kết cấu bê tông cốt thép và bằng túi vải (bao tời đựng cát). Cụ thể: năm 2014 kè mềm hơn 400m từ khách sạn Victoria đến khách sạn Hội An; năm 2015 kè mềm 240m từ nhà hàng Hòa Hưng đến nhà hàng Sen và gia cố 714m chân kè đoạn từ khách sạn Pusionalya đến SunRise bằng đá hộc; năm 2017 kè mềm hơn 1km từ khách sạn Victoria về hướng khách sạn Palm Garden. Đó là chưa kể chủ đầu tư các khu resort, khách sạn tự bỏ tiền kè để bảo vệ tài sản và tính mạng của du khách.

Hầu hết nhà khoa học, cơ quan quản lý đều thống nhất chọn phương án thi công nuôi bãi.
Hầu hết nhà khoa học, cơ quan quản lý đều thống nhất chọn phương án thi công nuôi bãi.

Trong khoảng thời gian trên có cả chục cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm nghiên cứu xác định nguyên nhân gây xói lở cũng như đề xuất phương án cứu bờ biển này. Đáng chú ý nhất là sự tài trợ nghiên cứu quá trình xói lở và đề xuất giải pháp bảo vệ bền vững bở biển của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Phần lớn các nghiên cứu đều “gặp nhau” trong xác định nguyên nhân gây xói lở là thiếu hụt trầm tích ở vùng biển Hội An. Đó là sự suy giảm lưu lượng trầm tích từ sông Thu Bồn và lượng cát chảy vào vùng biển Cửa Đại; sự bất đối xứng của dòng chảy trầm tích đi ra từ Cửa Đại. Tháng 9.2018, đoạn bờ biển khách sạn Hội An Beach dài 250m đã bị hư hỏng, sóng đánh trùm qua kè mềm cuốn một lượng lớn cát trên bờ ra biển, khiến hàng trăm mét bờ biển khu vực này bị sạt lở nặng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thừa nhận, các phương án kè cứng, kè mềm những năm qua chỉ là giải pháp tình thế. Việc thi công theo kiểu hư đâu vá đó nhìn đại cục không đem lại hiệu quả.

Giải pháp tổng thể

Xã hội hóa chống xói lở
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, quyết định lựa chọn phương án tối ưu nhất cho dự án chống xói lở bờ biển Cửa Đại cần cân nhắc cẩn thận. Phương án hư đâu vá đó đã lạc hậu, nếu thi công cục bộ, thiếu tính tổng thể thì việc giải bài toán về bờ biển Hội An sẽ là “vô nghiệm”. Đơn vị tư vấn phải tiếp thu những hiến kế của các nhà khoa học để bổ sung, hoàn thiện hơn. Nhà nước không thể bỏ ra cùng lúc nguồn tiền lớn để triển khai dự án. Do vậy, địa phương rất cần sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; dự án chống xói lở bờ biển Cửa Đại cần xã hội hóa nguồn lực đầu tư.

GS.Marcel Stive, chuyên gia thủy lợi hàng đầu của Hà Lan chia sẻ, kinh nghiệm trong xử lý chống xói lở bờ biển của Hà Lan là đưa ra giải pháp bù lượng bùn cát thiếu hụt bằng giải pháp nuôi bãi; đồng thời hạn chế sức tải bùn cát dọc bờ bằng cách giảm độ sâu vùng sóng từ xa và giảm dòng ven bờ, nạo vét luồng phía bờ bắc để tích trữ lượng trầm tích phục vụ cho công trình nuôi bãi.
Đồng quan điểm với chuyên gia Hà Lan, PGS-TS. Mai Văn Công - Giám đốc Trung tâm Nước và môi trường Việt Nam - Hà Lan (Trường Đại học Thủy lợi) cho biết: “Sau khi tham khảo kinh nghiệm quốc tế chống lở bờ biển từ các nước Hà Lan, Italia, Tây Ban Nha, giải pháp tâm đắc nhất của chúng tôi là nuôi bãi kết hợp với đê ngâm giữ chân bãi, tiết kiệm lượng cát cần thiết. Vấn đề đặt ra ở đây là việc triển khai dự án này có toàn diện hay không. Chúng tôi đưa ra 3 giải pháp, mỗi giải pháp có tính ưu việt riêng, còn việc lựa chọn giải pháp nào tùy thuộc vào quyết định cuối cùng của UBND tỉnh và vốn đầu tư nữa”. Đại diện chủ khách sạn Palm Garden băn khoăn, các tính toán, lý thuyết của các nhà khoa học đưa ra có vẻ không sát thực tiễn bởi nhà đầu tư đã từng vận dụng nhưng không hiệu quả.

Đơn vị tư vấn đưa ra tổng quát quy mô các hạng mục công trình như đầu tư tuyến đê giảm sóng song song với tuyến đường bờ có chiều dài hơn 6,6km. Phạm vi nuôi bãi có bề rộng 200m; tổng khối lượng cát cần cho công tác nuôi bãi là 3,6 triệu mét khối. Thêm vào đó, nạo vét luồng có chiều rộng 100m, dài 2,5km, cao độ đáy luồng 5m dọc theo bờ trái của cửa sông Cửa Đại. Khối lượng nạo vét là 721.000m3. Tổng mức đầu tư xây dựng dự án hơn 2.000 tỷ đồng. Đơn vị tư vấn đưa ra hình thức đầu tư dự án từ nguồn vốn kết hợp đầu tư công và đối tác công tư; xác định cụ thể lộ trình đầu tư ngắn hạn, trung hạn. Có ý kiến tỏ ra băn khoăn phạm vi nuôi bãi có bề rộng 200m, sẽ khiến cho du khách không thể tắm ở bãi biển này, mà đến chỉ để phơi nắng. Tuy nhiên, ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Khoa học – công nghệ khẳng định, với độ đốc tính toán của đơn vị tư vấn là có thể chấp nhận được, không ảnh hưởng đến bãi tắm Cửa Đại. Ngành nông nghiệp tỉnh cho rằng, phải hạn chế tối đa sự can thiệp xây dựng kè cứng, quá trình tiến hành thi công phải đồng bộ từ dự án khẩn cấp đến tổng thể.

Theo nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự, dự án đem ra mổ xẻ nhiều năm đã đến lúc phải gấp rút thi công. “Xét cho cùng, phải xác định một cách chính xác nhất nguyên nhân dẫn đến xói lở bờ biển Cửa Đại, vì có như thế mới có giải pháp, quyết định đúng. Điều tôi băn khoăn là gần như các nhà khoa học, chuyên gia chỉ mới nghiên cứu sạt lở từ biển mà chưa mổ xẻ sâu từ sông” - ông Sự nói.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chọn phương án chống xói lở bờ biển Cửa Đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO